Lấy vợ là Đại uý kém 12 tuổi, danh hài Tự Long U50 làm bố bỉm khéo chăm 3 con

NSND Tự Long "nhập hội" ông bố đảm đang của Vbiz, 3 ái nữ quý tử được nhận xét là bản sao của bố.

Nhắc đến cảnh bỉm sữa, không phải chỉ những người mẹ mới đảm đương được trọng trách này mà bố cũng có thể hoàn thành tốt vai trò chăm sóc con cái. Dù so với mẹ, bố có phần vụng về hơn nhưng thực tế trong nhiều gia đình vẫn có những ông bố rất đảm đang, giỏi chăm con. NSND Tự Long cũng nằm trong số đó, ở độ tuổi 50, danh hài đình đám Vbiz đã làm bố 3 con.

NSND Tự Long (SN 1973) là một trong những nghệ sĩ hài nổi tiếng, rất quen mặt với khán giả Việt Nam. Anh ghi dấu ấn với công chúng qua các chương trình có độ viral lớn như "Gặp nhau cuối tuần", "Táo Quân", "Ơn giời, cậu đây rồi!". Sau đổ vỡ hôn nhân lần thứ nhất, nam danh hài kết hôn cùng người vợ thứ 2 là Trần Minh Nguyệt, kém 12 tuổi, giảng viên trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Đến thời điểm hiện tại, cả hai đã có 3 con với nhau, "nếp" hay "tẻ" đều có đủ.

Ngoài được biết đến với con đường hoạt động nghệ thuật nổi bật, NSND Tự Long còn ngày càng nhận được nhiều sự yêu mến khi "xắn tay áo" chăm 3 con khéo không thua gì các chị em phụ nữ. Theo đó, hai cô con gái đầu lòng và con trai út được nhận xét có nhiều nét giống bố, đặc biệt là cậu quý tử.

Ở độ tuổi ngũ tuần làm bố bỉm sữa 3 con, NSND Tự Long luôn sẵn sàng bớt chút công việc bận rộn để dành thời gian bên gia đình. Dù tất bật nhưng nam nghệ sĩ vô cùng hạnh phúc. Nếu ai theo dõi trang cá nhân của NSND Tự Long thì sẽ biết, anh thường xuyên chia sẻ những khoảnh khắc cuộc sống đời thường vui vẻ bên vợ con, không ngại công khai những hình ảnh "đầu bù tóc rối" chăm sóc và chơi đùa với các con.

Ông bố U50 rất yêu chiều ái nữ, quý tử của mình, đưa con đi chơi, trò chuyện và cùng con xem đá bóng, các chương trình chúng yêu thích. Tâm lý là thế, hài hước vui vẻ là thế nhưng trong chuyện giáo dục các con, NSND Tự Long vẫn có những nguyên tắc và sự khắt khe để uốn nắn 3 con nên người. 

"Tôi sẽ dạy con như bố mẹ đã dạy mình, theo cái cách mà người ta vẫn gọi chung là đất lề quê thói, giấy rách phải giữ lấy lề. Đó là những điều cơ bản mà tôi sẽ hướng cho con mình, bởi với những trải nghiệm trong cuộc đời, tôi nghiệm ra những gì ông bà mình đã răn dạy không bao giờ sai và thừa cả" - Tự Long chia sẻ.

Là người hoạt động trong Quân đội, xuất thân gia đình truyền thống nên nam danh hài khá đề cao và chú trọng việc rèn luyện những thói quen tốt cho các con. Ông bố 3 con từng thẳng thắn cho biết: "Người bố phải có cái uy, là một tấm gương, chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho con cái. Điều tối thiểu nhất cần làm trong việc nuôi dạy trẻ là dạy các cháu thói quen ngăn nắp, biết trên dưới từ khi hình thành suy nghĩ, hành động. Từ đó tạo thành thói quen sau này.

Nhà có con nhỏ, người lớn không nên nói những từ "bẩn", hành động xấu, cần dạy trẻ đi phải hỏi, về phải chào, người lớn gọi phải "dạ", bảo phải "vâng". Bởi đơn giản, tính cách trẻ con chưa được định hình một cách rõ ràng, rất dễ bị ảnh hưởng từ môi trường xung quanh: Người lớn làm gì, trẻ học theo đó".

Nhờ nhận được nền giáo dục cẩn thận từ bố ngay khi còn nhỏ nên các nhóc tỳ nhà NSND Tự Long và bà xã giảng viên đều cực kỳ ngoan ngoãn. Từ đó có thể thấy, không chỉ mẹ mà vai trò dạy dỗ của người bố trong gia đình là vô cùng quan trọng. 

Đặc biệt, các nghiên cứu cho thấy trẻ tiếp xúc thường xuyên với bố có xu hướng thông minh, tự tin và dễ thành công hơn so với ông bà hay mẹ, nếu thường xuyên ở bên bố, trẻ sẽ có những lợi thế to lớn trong tương lai.

Trẻ có chỉ số IQ cao hơn

Nghiên cứu của Đại học Newcastle phát hiện ra rằng những người được ở cùng bố nhiều trong thời thơ ấu sẽ có chỉ số IQ cao hơn. Cụ thể, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên 11.000 người Anh ở độ tuổi 50, và kết quả cho thấy dù bố có giỏi hay không thì việc sống cùng con cũng sẽ giúp trẻ thông minh và thành công hơn trong tương lai. 

Người đứng đầu cuộc nghiên cứu, tiến sĩ Daniel Nettle cho biết: "Dữ liệu cho thấy rằng việc bố và con có nhiều sự gắn kết với nhau từ thời thơ ấu sẽ giúp trẻ tạo ra lợi ích về mặt kỹ năng và khả năng phấn đấu cao khi trẻ trưởng thành".

Nghiên cứu từ Đại học Yale, Mỹ cũng cho thấy trẻ em được nuôi dưỡng bởi người bố có IQ cao vượt trội và có khả năng thành công hơn trong tương lai hơn.

Lý giải cho điều này là người mẹ thường muốn con cái nghe lời hơn, trong khi người bố lại muốn con mình có một tinh thần ham học hỏi, thích khám phá. Chẳng hạn như người bố sẽ không ngăn con mình tháo rời đồ chơi, thậm chí họ còn khuyến khích các con tháo lắp mọi thứ.

Trẻ can đảm, độc lập và tự tin hơn

Không chỉ có IQ cao hơn, những đứa trẻ được ở bên bố còn tự tin hơn rất nhiều. Thời gian trẻ ở bên bố càng nhiều, trẻ sẽ càng tự tin hơn khi lớn lên bởi sự quan tâm của bố giúp trẻ biết bản thân được đánh giá cao, từ đó càng tự tin hơn với mọi người.

Theo như một nghiên cứu vào năm 2006 của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ cho thấy: "Ngay từ khi được sinh ra, những đứa trẻ được bố quan tâm nhiều sẽ có được sự an toàn về tình cảm, tự tin khám phá môi trường xung quanh, trẻ sẽ có giao tiếp xã hội tốt hơn bạn bè. Đồng thời, những đứa trẻ này cũng ít gặp rắc rối ở nhà, trường học hay với hàng xóm".

Ông bà và mẹ thường có chiều hướng bảo bọc trẻ. Vì thấy các con còn nhỏ, nhìn thấy con đau hay chịu khó một chút lòng đã cảm thấy nhói đau, thấy các bé té ngã hay bị thương nhẹ cũng đã cuống cuồng lên, thậm chí khi trẻ phạm lỗi nhiều ông bà cũng cố gắng che giấu vì không muốn trẻ bị phạt.

Tuy nhiên, các ông bố lại khác, bản năng của một người bố thường hướng cho các con trải nghiệm. Khác với ông bà hay mẹ, các ông bố sẽ dạy con cách đứng lên sau khi té ngã hay sửa chữa lỗi lầm sau khi làm sai.

Thêm vào đó các ông bố cũng để con tự do phát triển và khuyến khích các con bước ra khỏi “vùng an toàn’ của mình, điều này sẽ giúp trẻ trở nên can đảm và không ngại khó khăn khi lớn lên.

Trẻ khỏe mạnh hơn

Một nghiên cứu mới nhất cho thấy rằng việc thiếu vắng người bố trong cuộc sống sẽ khiến trẻ tăng nguy cơ mắc các căn bệnh nguy hiểm sau này. Theo đó, 5.000 người trẻ tuổi không sống chung cùng bố đã bị tổn hại telomeres - những mảnh DNA quan trọng bảo vệ tế bào.

Những người không được gặp bố thường xuyên do bố mẹ ly hôn thì độ dài của telomeres giảm 14%. Trong khi đó, nếu người bố mất sẽ làm telomeres của con giảm 16%. Telomeres rút ngắn có sự liên hệ với việc lão hóa sớm và ung thư.

Dạy con những kiến thức bổ ích

Nhà tâm lý học Liu Xinyue cho biết: "Các ông bố hiểu biết và có kinh nghiệm giáo dục nhiều hơn. Khi con còn nhỏ, những ông bố sẽ dạy con bằng cách kể cho trẻ nghe về nhiều thứ khác nhau, văn hóa, lịch sử và triết học."

Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng cho thấy thường xuyên tiếp xúc với bố cũng giúp trẻ nhỏ hình thành những ý thức về bản thân và giới tính.

Đối với các bá gái, khi tiếp xúc với bố trẻ sẽ sớm hiểu định nghĩa về một người đàn ông là như thế nào thông qua những biểu hiện của bố mình. 

Trong khi đó với các bé trai, trẻ sẽ học hỏi từ bố mình cách duy trì một mái ấm gia đình là như thế nào, làm sao để giữ hôn nhân hạnh phúc. Do đó, những cậu bé thiếu tình thương của cha thường có tính cách khá yếu đuối và có phần "nữ tính" hơn.

Mặc dù người bố đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển về cả thể chất lẫn trí não của trẻ, tuy nhiên cũng không thể phủ nhận hoàn toàn vai trò chăm sóc và nuôi dạy con cái của mẹ hay ông, bà. Bởi mỗi thế hệ sẽ có những phương pháp giáo dục trẻ khác nhau và đều có những tác động tiêu cực lẫn tích cực.

Vậy nên, để trẻ có thể lớn lên và phát triển thật toàn diện, trẻ vẫn cần sự quan tâm và yêu thương từ tất cả các thành viên trong gia đình.

KIỀU TRANG