Vụ mẹ đẻ khai tử con đang còn sống: "Chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm"

"Về mặt pháp lý, trong vụ việc này, nếu chỉ vì mâu thuẫn cá nhân với chồng mà người mẹ đăng ký khai tử cho con nhằm mục đích “ngăn không cho chồng gặp con” thì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm”, luật sư Nguyễn Công Tín nêu quan điểm.

Người mẹ xốc nổi, thiếu trách nhiệm

Mới đây, dư luận được phen “tá hỏa” trước thông tin một bà mẹ 32 tuổi (Đắk Lắk) làm thủ tục khai tử cho con trai 3 tuổi trong khi cháu bé vẫn còn đang sống.

Theo tường trình của người mẹ này tại UBND phường Tân An (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), hai vợ chồng đã ly hôn từ lâu, nhưng ngày 12/5, chồng cũ đến nhà quậy phá, đập chậu, ném vào cửa kính. Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên người đàn ông này có hành vi như vậy... Vì nhiều lần bị chồng cũ làm phiền nên người mẹ quyết định làm thủ tục khai tử cho con trai 3 tuổi để chồng cũ không đón con trai đi.

dien-bien-moi-nhat-vu-me-bat-ngo-len-phuong-khai-tu-cho-con-trai-3-tuoi-du-con-song-1653393869.jpg
Người mẹ làm thủ tục khai tử cho con trai vẫn còn sống đang khiến dư luận bức xúc.

Trao đổi với PV Phụ nữ & Pháp luật về sự việc trên, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy bày tỏ: “Để xảy ra chuyện như vậy, là sai lầm của cơ quan hành chính tại địa phương. Chính quyền đáng lẽ phải nắm được nhân khẩu trên địa bàn một cách rõ ràng, thế mà, người dân chỉ đơn giản ra khai báo sống là sống, chết là chết, không có sự xác minh nào. Điều đó thể hiện sự tắc trách.

Sẽ rất nguy hiểm ở chỗ: Cuộc đời của đứa trẻ sẽ rất nhiều rắc rối xảy ra. Một đứa trẻ vẫn còn sống bình thường lại được khai tử, vậy sau này khi bé đến tuổi đi học thì sẽ như thế nào? Một người đã mất thì làm sao có thể đi học?”.

“Trong khi có biết bao người mẹ lạc con, mòn mỏi đi tìm biết bao năm, có khi còn phải nhờ cậy đến biết bao cơ quan, tổ chức vào cuộc mới tìm thấy, giống như trong chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly ấy. Thế mà lại có một người mẹ đang tâm khai tử cho con ngay cả khi con còn sống khỏe mạnh bình thường. Thật sự không thể hiểu nổi, không có lý do nào có thể cảm thông!”, vị chuyên gia bình luận.

Bên cạnh đó, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy còn phân tích: “Đối với người mẹ này, chỉ vì không muốn chồng gặp con mà làm thủ tục khai tử cho con mình, thể hiện là một người mẹ thiếu trách nhiệm, hành động quá sức nông nổi.

Về lý, một con người có đầy quyền được sống, được nuôi dưỡng, chăm sóc, được học tập... Nếu bây giờ bị khai tử, sẽ phải chịu rất nhiều ảnh hưởng phía sau.

Về tình, sau này, khi đứa trẻ bắt đầu nhận thức được, nếu để bé biết về câu chuyện mẹ ruột đã khai tử cho mình, bé sẽ phải đối mặt như thế nào? Bé không biết nguyên nhân gì mà tự dưng bị mẹ “cắt đứt” quyền sống, “cắt đứt” quyền có bố.

image3-1653393985.jpg
Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, người mẹ khai tử cho con vừa thể hiện kém hiểu biết pháp luật, vừa thiếu tình mẫu tử.

Qua câu chuyện có thể thấy đây là một người mẹ vừa kém hiểu biết về pháp luật, vừa xốc nổi, vừa thiếu tình mẫu tử, thiếu trách nhiệm”.

Cuối cùng, bà nhấn mạnh: “Qua đây, cũng là một bài học cho các cấp chính quyền, làm việc gì cũng cần cẩn trọng, có sự xác minh cụ thể, rõ ràng, đúng sự việc thì mới có thể xác nhận”.

Chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm

Theo luật sư Nguyễn Công Tín (công ty Luật FDVN - đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng), vụ người mẹ khai tử con trai vẫn còn đang sống thực sự rất đáng lên án.

Cụ thể, vị luật sư cho biết: “Mặc dù con trai 3 tuổi vẫn đang sống bình thường, nhưng một người mẹ ở Đắk Lắk đã đi làm giấy khai tử cho con trai. Khoan hãy xét về mặt pháp lý, xét về đạo đức xã hội thì hành vi của người mẹ là không thể chấp nhận được, đáng bị lên án.

Về mặt pháp lý, trong vụ việc này, nếu chỉ vì mâu thuẫn cá nhân với chồng mà người mẹ đăng ký khai tử cho con nhằm mục đích “ngăn không cho chồng gặp con” thì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm”.

“Tuy nhiên, thực tế không ít trường hợp đã được phát hiện, người thân trong gia đình khai tử người đang còn sống nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản hoặc trọn quyền hưởng di sản thừa kế.

Trong trường hợp qua điều tra, xác định được rằng người mẹ thực hiện hành vi khai tử cho con trai, sử dụng giấy khai tử trái pháp luật để chiếm đoạt tài sản của người khác thì cơ quan chức năng có thể xem xét, truy cứu trách nhiệm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ Luật hình sự.

capture-1653393869.JPG
Theo luật sư Nguyễn Công Tín, vụ người mẹ khai tử con trai vẫn còn đang sống thực sự rất đáng lên án.

Trong trường hợp không có dấu hiệu tội phạm thì người mẹ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đang sống” theo Điểm a Khoản 3 Điều 41 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Đối với cơ quan cấp giấy chứng tử - UBND phường Tân An, trước mắt cần phải thu hồi, huỷ bỏ giấy chứng tử trái pháp luật. Cán bộ tham mưu, ký giấy chứng tử trái pháp luật, tuỳ theo tính chất, mức độ có thể bị xử lý kỷ luật, hoặc nghiêm trọng hơn là có thể bị xử lý hình sự về Tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật theo quy định tại Điều 336 Bộ Luật hình sự.

Theo thông tin từ lãnh đạo phường Tân An, khi đến làm thủ tục khai tử cho con, người mẹ mang đầy đủ giấy tờ, lại khóc lóc cho rằng con trai vừa mất nên cán bộ phường không tiện hỏi nhiều. Sau đó, cán bộ phường sơ suất không xác minh nên UBND phường Tân An đã làm giấy chứng tử con trai của người mẹ này. Tuy nhiên, đến tối ngày 19/5, cha của cháu bé đã đăng lên mạng xã hội Facebook sự việc cháu bé còn sống nhưng bị mẹ làm thủ tục khai tử.

Tuệ Linh