Vụ sạt lở ở Hà Giang: Thượng tá công an kể lại giây phút "đi tìm sự sống" giữa hàng nghìn m3 đất đá

“Lúc đầu, chúng tôi nghĩ xe bị lăn xuống vực. Anh em chuẩn bị đầy đủ các phương tiện cứu hộ trên xe, nhưng khi đến nơi thì hiện trường lại khác”, Thượng tá Học nói.

Sau một ngày nỗ lực tìm kiếm tại hiện trường vụ sạt lở đất đá vùi lấp xe khách ở huyện Bắc Mê, Hà Giang, khiến 12 người tử vong và 4 người bị thương, các lực lượng cứu hộ gồm bộ đội, công an, dân quân tự vệ và người dân đã rút khỏi khu vực nguy hiểm vào chiều tối 13/7.

Để đảm bảo an toàn, lực lượng chức năng đã phong tỏa hai đầu đoạn đường Quốc lộ 34, km 10 + 950, căng dây cảnh báo và cấm người và phương tiện qua lại.

Thượng tá Phan Minh Học kể lại những giây phút đi tìm sự sống cho các nạn nhân. Ảnh: Tiền Phong

Thượng tá Phan Minh Học kể lại những giây phút đi tìm sự sống cho các nạn nhân. Ảnh: Tiền Phong

Các đội cứu hộ nghỉ ngơi tại các chốt kiểm soát và được người dân cùng lực lượng hậu cần cung cấp đồ ăn, thức uống.

Chia sẻ trên báo Tiền Phong, Thượng tá Phan Minh Học – Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an tỉnh Hà Giang cho biết, địa điểm xảy ra vụ tai nạn cách trụ sở cơ quan khoảng 15 km. Lúc 4h15 ngày 13/7, đơn vị nhận được thông báo về vụ sạt lở tại huyện Bắc Mê.

Sau 10 phút, xe chỉ huy và xe chở 20 chiến sĩ lên đường. Chỉ mất khoảng 10 phút, lực lượng tới hiện trường.

"Lúc đầu, chúng tôi nghĩ xe bị lăn xuống vực. Anh em chuẩn bị đầy đủ các phương tiện cứu hộ trên xe như dây, máy cắt, các loại kẹp, kìm..., nhưng khi đến nơi thì hiện trường lại khác", Thượng tá Học nói.

Tại hiện trường, đập vào mắt lực lượng cứu hộ là đống đất đá đồ sộ lên đến hàng trăm, hàng ngàn m3, nằm dọc dài đến cả trăm mét chia cắt Quốc lộ 34.

Thượng tá Phan Minh Học tâm sự: "Khi nhìn thấy hiện trường, cả đội rất lo lắng, chỉ mong có người còn sống. Anh em đều suy nghĩ, còn thở được là còn hy vọng".

Ngay sau đó, đơn vị phân công lực lượng và báo cáo tình hình vụ việc lên cấp trên để điều động, tăng cường nhân lực hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn.

Khi phát hiện thấy có tay, chân thò ra từ đống đất sạt lở cách vị trí xe 16 chỗ khoảng 10m. Lúc này, mọi người bắt đầu lao đến dùng cuốc, xẻng chia làm các nhóm, mỗi nhóm 4 người ra đào bới.

Ở vị trí này, đơn vị phát hiện người đàn ông bị đất vùi nửa chân, thân người nằm chếch bên bờ vực. Sau đó là hai nam thanh niên nằm chồng lên nhau. Người bên trên bị tảng đá lớn đè lên đã tử vong. Người bên dưới là Vừ Mí Sính vẫn còn dấu hiệu sự sống. Sau khoảng 10 phút, nam thanh niên này được đưa ra khỏi hiện trường và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang để cấp cứu.

Lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân. Ảnh: Tiền Phong

Lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân. Ảnh: Tiền Phong

Cứu được nạn nhân còn sống, cảnh sát càng vững tin, càng cố gắng đào bới nhanh hơn, tìm kiếm những nạn nhân khác.

"Xác định được vị trí của các nạn nhân bị vùi lấp rất khó khăn vì họ nằm rải rác. Thậm chí, chó nghiệp vụ cũng được đưa đến hiện trường để hỗ trợ tìm vị trí nạn nhân bị mắc kẹt", Thượng tá Học nói.

Suốt một ngày tìm kiếm, đến khoảng 17h cùng ngày, 11 thi thể nạn nhân đã được cảnh sát đưa ra khỏi hiện trường, 4 người bị thương được nhanh chóng đưa đi cấp cứu.

Theo Thượng tá Học, khi anh đến hiện trường, những người còn sống kể lại, trên ô tô Innova có 7 người đi ăn cưới về đến xã Yên Định, thấy xe khách gặp nạn, 4 người trên ô tô này xuống cứu cũng bị đất đá vùi lấp.

“Vụ sạt lở này thương tâm quá. Rời hiện trường tôi vẫn ám ảnh bởi những nạn nhân không may tử nạn ở nơi này. Trong số các nạn nhân, có em bé còn quá nhỏ”, anh Học nói.

Đến 18h30, theo sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tạm thời dừng tìm kiếm do trời tối, mưa, rất dễ sạt lở, không đảm bảo an toàn.

Nạn nhân kể lại giây phút bị đất đá vùi lấp

Nằm trong bệnh viện, anh Vừ Mí Sính (20 tuổi) chia sẻ lại giây phút đối mặt với tử thần: "Lúc ấy tôi nghĩ cuộc sống của mình chắc chỉ đến đây thôi, không thoát được đâu", Vừ Mí Sính nói với báo Tuổi Trẻ.

Được biết, anh Sính làm công nhân lâu ngày tại Hà Nội, tối 12/7, anh xin nghỉ để về thăm gia đình.

Vượt chặng đường gần 300km, xe về đến thành phố Hà Giang lúc 2h ngày 13/7. Nam thanh niên sau đó lên một chuyến xe khác chạy tuyến Hà Giang - Cao Bằng có lộ trình ngang qua nhà anh.

Ô tô xuất phát, chỉ còn le lói ánh sáng từ điện thoại của một số hành khách lướt mạng. Nhiều người chợp mắt nghỉ ngơi bởi trời chưa sáng và trước mắt họ là cả một hành trình dài.

Anh Vừ Mí Sính (20 tuổi) trong phòng cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang. Ảnh: Tuổi Trẻ

Anh Vừ Mí Sính (20 tuổi) trong phòng cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang. Ảnh: Tuổi Trẻ

Gần 4h, ô tô tới thôn Tả Mò (xã Yên Định, huyện Bắc Mê). Những cơn mưa dài ngày khiến đất đá từ ta luy dương sạt xuống đường, xe bị sa lầy đến ngang lốp, không thể di chuyển.

Hành khách xuống đẩy xe cùng tài xế với hy vọng nhanh chóng ra khỏi khu vực này nhưng bất thành. Thấy vậy, một số người trên ô tô con ở gần đó cũng xuống giúp sức.

Ít phút sau, khu vực này tiếp tục sạt lở. Nghe tiếng đất đá đổ xuống, nhóm người hô nhau chạy. Đêm đen, con đường lại độc đạo, họ không biết chạy đi đâu. Được vài bước, hơn chục người bị đất đá đè ngang người. Sau 5 phút, những khối đất lại tiếp tục ụp xuống.

Thời điểm này, Vừ Mí Sính kể anh chỉ thò được đầu lên rồi cố lấy tay cào bớt đất để thở. Chàng trai 20 tuổi vùng vẫy hết sức nhưng vẫn không thể di chuyển do sức ép của đất đá đè ngang người. Sau lưng anh là một người đàn ông khác. 

"Lúc đầu anh này cũng cào đất đá ra để thở. Nhưng lần sạt lở thứ hai ập đến, tôi không thấy anh ấy thở nữa", chàng trai kể lại.

Cùng với anh Sính, còn 3 nạn nhân may mắn sống sót sau vụ sạt lở kinh hoàng này. Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang, tình hình sức khỏe của 4 nạn nhân cơ bản ổn định.

Thùy Dung (T/h)/Đời sống Pháp luật