Thêm một ngày đọc sách - Thêm nhiều ngày tử tế

Nói thật, trong rất nhiều các loại “ngày” mà chúng ta tổ chức liên miên, tôi thấy “Ngày sách” là một trong những ngày có giá trị thiết thực nhất.

Thêm 1 ngày đọc sách - Thêm nhiều ngày tử tế - 1

Có sự liên quan nào chăng giữa những hành động đẹp và việc dân ta đang đọc sách nhiều trở lại?

Thiện, thực ra là một căn tính bẩm sinh của con người. Con người làm việc tốt là đương nhiên, là không có gì cần bàn cãi.

Từ việc giúp người già qua đường, đỡ người ngã, cho đến người lỡ độ đường đi nhờ xe, trả lại đồ nhặt được, mua giúp người già tấm vé số, v.v, tôi vẫn gặp hàng ngày trên đường. Tức là bây giờ những việc tốt ấy vẫn rất nhiều, nhưng tại sao người ta lại có cảm giác rằng chúng quá ít, để mỗi khi việc tốt nào đó xuất hiện lại làm cho nhiều người xúc động?

Theo tôi là bởi, bên cạnh cái tốt vẫn còn nguyên thì những cái xấu lại có vẻ như phát triển hơn, và thường là thế, cái xấu phát tán nhanh hơn, nhất là khi có sự cộng hưởng của mạng xã hội, của báo chí thời tự chủ, đồng hành với cái tốt, đấu tranh quyết liệt với cái xấu.

Báo chí nhiều khi nêu gương việc tốt người tốt không khéo rất dễ... quá đà. Ví dụ nêu gương một anh cảnh sát dẫn bà cụ qua đường. Trời ơi, đấy là việc làm thường xuyên mà, nêu như thế sẽ bị hiểu rằng, đến việc như thế mà cũng biểu dương thì còn gì việc tốt nữa.

Cũng như thế, là công an bắt cướp, trả lại tiền cho người đánh rơi, đứng giữa trưa nắng phân luồng giao thông, học sinh không quay cóp, cô giáo dịu hiền, nhà báo không tham, thủ trưởng minh bạch, cấp trên nghiêm túc v.v... Những việc hiển nhiên phải thế bỗng nhiên trở thành chuyện lạ.

Còn những việc như nhảy xuống sông cứu người, dừng xe rút xăng xe mình giúp xe trên đường hết xăng, chở nạn nhân tai nạn đi cấp cứu trên chiếc xe rất sang của mình (dù luật quy định là phải cứu nhưng hành động ấy rất đáng biểu dương) v.v. là những việc mà khi đọc, nghe, ai cũng thấy rưng rưng, và sự lan tỏa của nó rất nhanh.

Mới nhất là vụ anh tài xế xe tải rất nghèo đánh lái tránh 2 cháu nữ sinh bị ngã trước xe mình. Chưa nói việc anh chạy xe thế đúng hay sai, nhưng rõ ràng trong trường hợp cụ thể này, 2 cháu học sinh đã được cứu sống, và gia đình anh rất nghèo, mà số tiền phải đền cho 2 chiếc xe mà xe anh va phải lên đến gần 300 triệu đồng, chưa kể cái xe tải mà anh lái.

Rồi những người tốt xuất hiện. Rất nhiều tiền đã được chuyển vào tài khoản của vợ anh, từ dăm trăm đến vài triệu. Và khủng nhất là một doanh nhân hứa sẽ trả toàn bộ số tiền anh phải bồi thường. Lòng tốt lan tỏa, lòng tốt cứ thế được nhân lên, và lòng tốt gọi lòng tốt. Ngay gia đình anh bây giờ cũng đề nghị được chia bớt tiền nhận được ấy cho những hoàn cảnh nghèo.

Và không chỉ trường hợp cụ thể này.

Trong xã hội còn rất nhiều tấm lòng vàng như thế. Từ những việc lớn như “Cơm có thịt” của nhà báo Trần Đăng Tuấn khởi xướng, “mô tô học bổng” của nhà văn Nguyễn Đông Thức và nhà thơ Đoàn Thạch Biền khởi xướng, tủ sách nông thôn của anh Nguyễn Quang Thạch đến những bước chân âm thầm của hàng vạn người đang lặng lẽ trên những nẻo đường hết sức khó khăn của đất nước giúp đỡ người nghèo, học sinh nghèo.

Tôi cũng vừa tiếp mấy bạn... “đi chơi”, từ của các bạn ấy. Bạn thì từ Úc về, bạn Hải Phòng vào, bạn Hà Nội tới. Đích “đi chơi” của họ là nhờ tôi đưa xuống mấy ngôi trường vùng sâu vùng xa, trường được xếp loại “vùng 3” ấy, để “xem có giúp gì được cho các cháu không”. Đi hết sức tự nguyện, lặng lẽ, bằng tiền túi, tất nhiên. Và có những việc đang làm, những kế hoạch đang được vạch ra.

Trên cả nước đang diễn ra “ngày hội sách”, và ở 2 nơi tôi biết, là thành phố Hồ Chí Minh và Pleiku (Gia Lai), thì té ra người đến với sách cũng còn rất đông, đông đến mức một người luôn lạc quan như tôi cũng phải ngạc nhiên. Chúng ta đang nói nhiều đến sự “thất bát” văn hóa đọc, và vì không đọc nên con người hung dữ hơn, vô cảm hơn, lạnh lẽo hơn, tính toán hơn... Nhưng qua ngày sách này thì thấy dân ta vẫn còn đọc sách nhiều. Sách giúp con người giàu xúc cảm hơn, dễ rưng rưng hơn, sống tử tế hơn, hướng thiện hướng mỹ hơn. Có sự liên quan nào chăng giữa những hành động đẹp và việc dân ta đang đọc sách nhiều trở lại.

Và, nói thật, trong rất nhiều các loại “ngày” mà chúng ta tổ chức liên miên, tôi thấy “Ngày sách” là một trong những ngày có giá trị thiết thực nhất.

Theo Văn Công Hùng/Khám phá

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/them-mot-ngay-doc-sach-them-nhieu-ngay-tu-te-a500796.html