Như đã phản ánh trong bài viết: “Trách nhiệm thẩm định giá trong công tác đấu thầu tại sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu”, gói thầu số 06: Mua sắm thiết bị dạy và học ngoại ngữ, tin học do Giám đốc sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu (sau đây xin được gọi tắt là sở Giáo dục Bạc Liêu – PV) Lâm Thị Sang phê duyệt theo Quyết định số 3856/QĐ-SGDKHCN ngày 28/12/2022, đã có dấu hiệu mua sắm giá cao so với thị trường. Tổng chênh lệch 4/10 sản phẩm là 27.846.148.000 đồng (Bằng chữ: Hai mươi bảy tỷ, tám trăm bốn mươi sáu triệu, một trăm bốn mươi tám nghìn đồng).
Bên cạnh đó còn có sản phẩm không công khai kí hiệu, nhãn mác theo quy định tại khoản 3, Điều 19, Thông tư 08/2022/BKHĐT: Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa phải công khai chi tiết thông tin về các hạng mục hàng hóa trúng thầu bao gồm danh mục hàng hóa, kí mã hiệu, mô tả hàng hóa, xuất xứ, khối lượng, đơn giá trúng thầu.
Những thông tin này đã được PV liên hệ tới sở Giáo dục Bạc Liêu để xác minh làm rõ, nhưng không nhận được phản hồi.
PV tạp chí Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Hòa (Đại biểu Quốc hội khóa XV) để ghi nhận ý kiến.
ĐSPL: Thưa Đại biểu, với tư cách một Đại biểu dân cử, thực hiện quyền giám sát việc thi hành pháp luật, liên quan đến dấu hiệu chênh lệch giá gói thầu hơn 27,8 tỷ đồng ở sở Giáo dục Bạc Liêu, ông đánh giá thế nào về vấn đề thực thi pháp luật về đấu thầu của cơ quan này?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Tôi nghĩ rằng, dấu hiệu đội giá gói thầu không chỉ tồn tại ở sở Giáo dục tỉnh Bạc Liêu mà còn có thể ở những tỉnh khác.
Trên thực tế, có hiện tượng báo chí phản ánh về vấn đề này nhưng chỉ nhận được sự lặng thinh từ các đơn vị chủ đầu tư, họ cho rằng đó là việc của họ (chủ đầu tư – PV). Còn theo tôi, đây là vấn đề rất quan trọng, bởi vì, dù chênh lệch ít hay nhiều thì đó cũng là tiền ngân sách.
Hơn nữa, nếu có sự câu kết của chủ đầu tư, mà người đứng đầu ở đây là Giám đốc sở Giáo dục, với nhà thầu và đơn vị thẩm định giá, thì cần thanh tra làm rõ. Thậm chí, cần thiết cả cơ quan điều tra vào cuộc để làm rõ, xác minh những thông tin đã được cơ quan báo chí phản ánh như vậy có đúng hay không để trả lời công luận.
Thông thường, cơ quan thẩm định giá phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả thẩm định giá của mình. Tuy nhiên, người phê duyệt gói thầu, hậu kiểm kết quả thẩm định giá rất quan trọng. Đơn vị thẩm định giá có căn cứ của họ để đưa ra một mức giá, nhưng chủ đầu tư có đồng ý phê duyệt mức giá đó hay không lại là vấn đề khác. Nếu đắn đo, nghi ngờ giá thẩm định quá cao thì cần thiết mời thêm đơn vị thẩm định giá khác để đánh giá kết quả.
Còn việc chủ đầu tư đồng ý với giá gói thầu quá cao so với giá thị trường thì có chăng là sự móc nối, hợp đồng của đơn vị thẩm định giá, chủ đầu tư?
Tôi đặt ra vấn đề này không chỉ nhắm vào một địa phương hay đơn vị nào, mà là việc cần làm rõ trong công tác đấu thầu, đặc biệt là ở các đơn vị sở Giáo dục. Thời gian qua, ngành này đã xảy ra nhiều vụ vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó thông tin từ phía cơ quan điều tra khẳng định có sự móc nối, thông đồng giữa các bên: chủ đầu tư, thẩm định giá và nhà thầu.
Còn riêng các thông tin như PV nêu liên quan đến sở Giáo dục Bạc Liêu, nếu đúng có sự chênh lệch giá hơn 27,8 tỷ đồng thì tôi cho rằng có sự cấu kết, lợi ích nhóm, và cần được xem xét thấu đáo, thậm chí có thể xử lý hình sự nếu xác định được rõ vi phạm quy định về đấu thầu.
Ngân sách Nhà nước không chấp nhận cho bất cứ ai câu móc lợi ích nhóm làm thất thoát. Như thế sẽ là vi phạm pháp luật.
ĐSPL: Nếu sở Giáo dục Bạc Liêu tham khảo các mức giá thị trường như PV khảo sát thì có thể đã tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng tiền ngân sách phê duyệt gói thầu. ĐBQH có ý kiến thế nào về giả thiết này? Trách nhiệm tiết giảm ngân sách của chủ đầu tư thế nào?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Tổ chức đấu thầu là để chi tiêu công một cách hiệu quả, kinh tế, tạo sự công khai, minh bạch, công bằng và tiết kiệm. Cho nên, trách nhiệm của chủ đầu tư và các bên là cần tiết giảm tối đa ngân sách.
Tôi nói tiết kiệm chứ không phải hà tiện rồi mua hàng rởm, không đảm bảo chất lượng. Trường hợp không tiết kiệm được cho ngân sách thì phải đảm bảo quy trình và kết quả đấu thầu là đúng, công khai, minh bạch, không được phép móc nối lợi ích nhóm, nâng khống giá trị trang thiết bị để trục lợi.
Trường hợp có vi phạm quy định đấu thầu thì như thực tế đã chứng minh, không chỉ là việc chủ đầu tư không làm tròn trách nhiệm mà còn có sự câu kết với các bên nhằm thổi giá trị gói thầu.
Chủ đầu tư và cá nhân phê duyệt gói thầu có vai trò rất quan trọng. Ví dụ cái iPad được đơn vị thẩm định giá đánh giá 15 triệu đồng, thì cơ quan và người phê duyệt cần xem xét kỹ giá đó có sát với thực tế hay không. Cần hậu kiểm thật rõ cùng mặt hàng đó, giá thị trường như thế nào, có đúng 15 triệu hay chỉ 13 triệu đồng. Lúc này có thể đặt ngược lại câu hỏi với đơn vị thẩm định giá, vì sao lại đưa ra mức 15 mà không phải 13.
Còn nếu giá máy 13 mà phê duyệt 15 rồi không giải thích được vì sao thì chẳng qua là có sự câu móc, nên chỉ cần nhìn thấy kết quả thẩm định giá là phê duyệt ngay mà không hậu kiểm. Đây là vấn đề cần làm rõ, ví dụ ở trường hợp PV thông tin thì Giám đốc sở Giáo dục Bạc Liêu là cơ quan chủ đầu tư, người ký phê duyệt gói thầu sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc phê duyệt giá trị gói thầu.
Giả sử thấy giá đơn vị thẩm định giá đưa ra là đúng thì phê duyệt, còn không thì cần rà soát lại. Như tôi đã nói, nếu đồng ý phê duyệt giá mà không hậu kiểm, không nắm được sát giá trị thực tế của sản phẩm, thì có thể là đã có sự thống nhất để phê duyệt mức giá đó.
Đây là trách nhiệm rất lớn của chủ đầu tư và trách nhiệm cá nhân của người ký phê duyệt gói thầu, ở đây là Giám đốc sở, phải chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu giá đó không sát và cần phải xử lý.
ĐSPL: Trước những thông tin PV nêu, chủ đầu tư đã chọn cách im lặng – thay vì lên tiếng làm rõ để “minh oan” cho mình. Ông đánh giá thế nào về sự cần thiết phải minh bạch các thông tin trong công tác đấu thầu của sở Giáo dục Bạc Liêu?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Tôi nghĩ là có sự mập mờ nên phía sở Giáo dục Bạc Liêu mới không phản hồi. Cơ quan thẩm định giá và Giám đốc sở Giáo dục Bạc Liêu phải có trách nhiệm phản hồi thông tin với cơ quan báo chí. Nếu Giám đốc sở Giáo dục Bạc Liêu không phản hồi thì đề nghị UBND tỉnh Bạc Liêu vào cuộc, có sự chỉ đạo để Giám đốc sở Giáo dục Bạc Liêu phản hồi.
Có thông tin báo chí phản ánh như vậy, nếu sở Giáo dục Bạc Liêu làm công tác đấu thầu thật sự khách quan, trung thực, không có vấn đề móc nối, tư lợi, thì trả lời công khai, có gì đâu mà phải ngại, phải chần chừ?
Khi cơ quan báo chí đã công khai thông tin về những dấu hiệu có sự chênh lệch giá, tức là gói thầu có vấn đề, mà chủ đầu tư không trả lời thì có thể là tự thừa nhận thông tin của báo chí nói là đúng. Nếu sai thì chính quyền, thanh tra của tỉnh Bạc Liêu cần vào cuộc để làm rõ.
ĐSPL: Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
D.T
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/dbqh-de-nghi-so-giao-duc-bac-lieu-khong-chan-chu-phan-hoi-thong-tin-bao-neu-a596213.html