Hậu quả từ những thẩm định viên thiếu chuyên nghiệp, liêm chính
Mặc dù chứng thư thẩm định giá luôn được coi là tài liệu quan trọng để lập dự toán gói thầu. Tuy nhiên, qua nhiều vụ án vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thời gian qua đã cho thấy có thực trạng coi nhẹ khâu thẩm định giá, để “lọt” những thẩm định viên thiếu chuyên môn nghiệp vụ, thiếu liêm chính hoặc có động cơ không trong sáng vào quy trình đấu thầu.
Đáng chú ý, tùy theo lợi ích của những người liên quan và bản thân mình, nhiều thẩm định viên và tổ chức thẩm định giá lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để xác định mức giá cao hoặc thấp nhằm nâng khống hoặc dìm giá tài sản.
Điều này không những khiến quá trình xây dựng giá dự toán gặp khó khăn, làm giảm hiệu quả đầu tư công mà còn có thể đẩy những người tham gia hoạt động đấu thầu vào vòng lao lý.
Theo báo cáo của bộ Tài chính, thời gian qua, cơ quan tố tụng đã khởi tố 11 vụ án có liên quan đến hoạt động thẩm định giá. Các vụ án đều được truy tố 1 trong 3 tội danh: vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Nhiều thẩm định viên về giá bị bắt với vai trò đồng phạm.
Đơn cử như, việc định giá AVG được công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá (AMAX) giao cho Hoàng Duy Quang, người mới vào nghề và chưa thẩm định bao giờ. Trong vụ án này, giám đốc và thẩm định viên của AMAX… đã bị bắt và kết án tù.
Trong vụ nâng khống giá máy test PCR tại CDC Hà Nội, Tổng Giám đốc công ty CP định giá và bán đấu giá Nhân Thành bị bắt khi tiếp tay cho Nguyễn Nhật Cảm – thời điểm làm Giám đốc. Vụ Việt Á cũng có sự thông đồng, móc ngoặc giữa các bên nâng khống giá kít xét nghiệm khoảng 45% so với giá trị thực.
Công ty Cổ phần thẩm định giá BTCVALUE là đơn vị bị điểm tên trong các vụ án liên quan đến sai phạm trong công tác đấu thầu ở sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên…
Trước thực trạng trên, tạp chí Đời sống và Pháp luật đã triển khai chuyên đề nghiên cứu tìm hiểu công tác đấu thầu và quy trình thẩm định giá tại các gói thầu do các sở, ban, ngành tổ chức - nhằm đóng góp những thông tin hữu ích, giúp cơ quan quản lý Nhà nước nâng cao hiệu quả trong công tác sử dụng vốn đầu tư công.
Thẩm định giá đã đúng với giá trị sản phẩm?
Qua tìm hiểu công tác mua sắm công tại địa bàn tỉnh Bạc Liêu, theo Quyết định số 3856/QĐ-SGDKHCN ngày 28/12/2022, Giám đốc sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Lâm Thị Sang phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 06: Mua sắm thiết bị dạy và học ngoại ngữ, tin học.
Đơn vị trúng thầu là liên danh công ty Cổ phần Thiết bị văn phòng Siêu Thanh và công ty Cổ phần Vật tư và Thiết bị văn phòng CDC. Giá trúng thầu là 105.816.255.000 đồng (Bằng chữ: Một trăm lẻ năm tỷ, tám trăm mười sáu triệu, hai trăm năm mươi lăm nghìn đồng). So với giá dự toán 107.044.220.000 đồng, tiền tiết kiệm sau đấu thầu là 1.227.965.000 đồng (Bằng chữ: Một tỷ, hai trăm hai mươi bảy triệu, chín trăm sáu mươi lăm nghìn đồng), đạt tỉ lệ 1,14%.
Khi nghiên cứu hồ sơ và đơn giá các hàng hóa trong gói thầu cũng như đối chiếu kí hiệu, nhãn mác và xuất xứ sản phẩm, phóng viên nhận thấy có hiện tượng giá thành một số thiết bị cao hơn nhiều so với giá thị trường.
Cụ thể, máy chủ (máy vi tính dành cho giáo viên) được Sở phê duyệt mức giá 17.370.000 đồng/bộ. Qua khảo sát thị trường, phóng viên nhận được báo giá của một đơn vị chuyên cung cấp mặt hàng này, với cùng xuất xứ, cấu hình theo yêu cầu kĩ thuật là 12.242.000 đồng/bộ. Với số lượng 116 bộ, tổng số tiền chênh lệch cao hơn so với giá thị trường 594.848.000 đồng.
Hay, bàn ghế vi tính học sinh 02 chỗ ngồi có đơn giá trong gói thầu là 5.120.000 đồng/bộ. Nhưng với cùng xuất xứ, chất liệu, thông số theo yêu cầu kĩ thuật, phóng viên nhận được báo giá chỉ 2.464.000 đồng/bộ. Nếu tính trên số lượng mua sắm là 2.088 bộ, chủ đầu tư có thể đã phải chi cao hơn mức giá thị trường 5.545.728.000 đồng (hơn 5,5 tỷ đồng) sau quá trình đấu thầu.
Theo khoản 3, Điều 19, Thông tư 08/2022/BKHĐT quy định: Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa phải công khai chi tiết thông tin về các hạng mục hàng hóa trúng thầu bao gồm danh mục hàng hóa, kí mã hiệu, mô tả hàng hóa, xuất xứ, khối lượng, đơn giá trúng thầu.
Còn ở gói thầu kể trên, mặc dù đã có quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu nhưng tại trang đấu thầu Quốc gia, phần kí hiệu, nhãn mác của sản phẩm không được công khai.
Cụ thể, máy vi tính để bàn dành cho học sinh có các thông tin: “số thứ tự 2, số lượng 4.060 bộ, xuất xứ Việt Nam, đơn giá dự thầu 15.630.000 đồng, chi tiết theo Bảng giá dự thầu của hàng hóa”. Thế nhưng tại Bảng giá dự thầu của hàng hóa thì không thể hiện rõ kí hiệu, nhãn mác của sản phẩm.
Mặt khác, khi phóng viên dùng toàn bộ yêu cầu kĩ thuật như chủ đầu tư đưa ra tại chương V, E-HSMT với mã máy vi tính này để khảo sát trên thị trường thì được biết, bộ sản phẩm đáp ứng đầy đủ thông số chỉ có giá 10.352.000 đồng. Nếu tham khảo ở mức giá này, với số lượng 4.060 bộ, chủ đầu tư đã có thể tiết kiệm số tiền lên tới 21.428.680.000 đồng (hơn 21,4 tỷ đồng).
Mặc dù phóng viên vẫn chưa tiến hành nghiên cứu hết toàn bộ hàng hóa, tuy nhiên, chỉ tìm hiểu ngẫu nhiên với 4/10 sản phẩm được mua sắm, gói thầu đã có dấu hiệu đội giá so với thị trường, tổng số tiền chênh lệch là 27.846.148.000 đồng (Bằng chữ: Hai mươi bảy tỷ, tám trăm bốn mươi sáu triệu, một trăm bốn mươi tám nghìn đồng).
Để rộng đường dư luận, cũng như mong muốn trao đổi những thông tin về giá trị thực của sản phẩm, phóng viên đã liên hệ với sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu nhưng không nhận được phản hồi.
Đưa quan điểm về vấn đề đội giá thiết bị trong các gói thầu thuộc lĩnh vực giáo dục nói chung, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng: “Cần có giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc triển khai thực hiện, nếu không sẽ xảy ra rất nhiều vấn đề như báo chí cũng đã nhiều lần phản ánh”.
Bà An cho rằng, trong quá trình thực hiện việc đấu thầu mua sắm, có những lúc, có những nơi, có những vùng, có những miền chúng ta đã không để ý và giám sát cẩn thận nên để xảy ra tình trạng thiết bị thì kém chất lượng nhưng giá lại cao, hoặc thiết bị có chất lượng không tương xứng với giá thành chi cho sản phẩm, nhiều sản phẩm bị đội giá lên gấp nhiều lần, khiến ngân sách bị trục lợi.
“Cần có sự vào cuộc ngay của các cơ quan thanh tra, kiểm tra. Cơ quan chức năng cần làm rõ vấn đề để công bố công khai trước dư luận, sai đến đâu xử lý đến đó. Ai sai sẽ phải chịu trách nhiệm và thậm chí là bị xử lý đúng theo quy định của pháp luật”, bà An nhấn mạnh.
Lê Vân