Lợi nhuận “lao dốc”, tổng nợ gấp đôi vốn chủ sở hữu
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, SPD ghi nhận doanh thu thuần 751,7 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Dù đã cắt giảm đáng kể giá vốn hàng bán nhưng lợi nhuận gộp vẫn giảm 21% về 66,3 tỷ đồng.
Trong năm, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đã được công ty tiết giảm lần lượt 38% và 11%, về mức 15,9 tỷ đồng và 38,6 tỷ đồng. Thế nhưng do lãi gộp giảm sâu nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ đem về “vỏn vẹn” 735,6 triệu đồng (cùng kỳ lãi 6,4 tỷ đồng).
Trừ đi thuế và các chi phí khác, SPD báo lãi ròng “lao dốc” 90,4% về gần 718 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi 7,5 tỷ đồng.
Giải trình nguyên nhân, SPD cho biết chủ yếu do kinh tế thế giới nhiều biến động, phục hồi chậm, lạm phát lan ra toàn cầu buộc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, hàng tồn kho tại thị trường quốc tế tăng… khiến đơn hàng xuất khẩu của ngành thủy sản sụt giảm mạnh, giá cả tăng cao, nhất là trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ chững lại, quy mô sản xuất bị thu hẹp.
Bên cạnh đó, công ty gặp nhiều khó khăn trong tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hiệu quả giảm sâu so với cùng kỳ. Dù đã rất cố gắng điều tiết, giảm chi phí sản xuất nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn chỉ bằng 9,6% so với cùng kỳ năm 2022.
So với kế hoạch đề ra trong năm 2023, SPD chỉ đạt 79% mục tiêu doanh thu và 8% mục tiêu lợi nhuận trước thuế.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của SPD giảm từ 469,9 tỷ đồng về 391,9 tỷ đồng, chủ yếu nhờ cắt giảm được các khoản phải thu ngắn hạn (từ 83,8 tỷ đồng về 62,7 tỷ đồng) và hàng tồn kho (từ 258,8 tỷ đồng về 207,2 tỷ đồng).
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả giảm 23% về mức 268,1 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn chiếm 96%, tương ứng 259,5 tỷ đồng. Thế nhưng, với vốn chủ sở hữu ở mức 123,8 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (D/E) của doanh nghiệp đã là 2,16.
Tiếp tục bị duy trì diện cảnh báo
Tại báo cáo tài chính năm 2023 của công ty, công ty TNHH Kiểm toán – Thẩm định giá và Tư vấn Ecovis AFA Việt Nam đã đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ.
Cụ thể, do kiểm toán viên không thu thập được các thông tin báo cáo tài chính của khoản đầu tư vào công ty liên kết là CTCP Đầu tư New City Seadanang, các thủ tục thay thế cũng không thực hiện được nên không thể xem xét việc dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn theo quy định. Tổng giá gốc của khoản đầu tư liên kết này tại ngày 31/12/2023 là 18.365.570.000 VND (18,3 tỷ đồng).
Đáng chú ý, báo cáo tài chính năm 2019, 2020, 2021 và 2022 của SPD cũng phải nhận ý kiến kiểm toán ngoại trừ, tất cả đều do liên quan đến khoản đầu tư vào công ty liên kết là CTCP Đầu tư New City Seadanang nêu trên.
Theo tìm hiểu, New City Seadanang là công ty duy nhất thuộc danh sách công ty liên doanh, liên kết của SPD với tỷ lệ vốn góp 23,44%. Công ty có mã số thuế 0401787426, trụ sở đặt tại 31 Ngũ Hành Sơn, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng.
Thế nhưng, theo giải trình từ SPD, công ty đã nhiều lần gửi công văn đến New City Seadanang về việc yêu cầu cung cấp báo cáo tài chính nhằm đánh giá giá trị khoản đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được báo cáo tài chính các năm 2021, 2022, 2023 của công ty này.
Bên cạnh đó, New City Seadanang chưa được giao dịch trên sàn chứng khoán và cũng không có các nguồn thông tin về báo cáo tài chính trên website.
Trước đó, theo Quyết định số 152/QĐ-SGDHN của HNX ngày 20/03/2023, cổ phiếu SPD đã bị đưa vào diện cảnh báo do báo cáo tài chính bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ 03 năm liên tiếp trở lên. Quyết định có hiệu lực từ 22/03/2023.
Vì những lý do trên, HNX sẽ tiếp tục duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu SPD theo Quyết định số 104/QĐ-SGDHN ngày 06/03/2024.
Ngọc Bảo
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ctcp-xuat-nhap-khau-thuy-san-mien-trung-upcom-spd-tiep-tuc-bi-duy-tri-dien-canh-bao-a607257.html