Một nghiên cứu cho thấy những người chỉ ăn trong khoảng 8 tiếng mỗi ngày có nguy cơ đau tim và đột quỵ sau này cao gấp đôi. Các chuyên gia cho biết mọi người nên thận trọng khi áp dụng những chế độ ăn kiêng thịnh hành trước khi những tác động được biết đầy đủ.
Chế độ ăn có giới hạn thời gian, một kiểu nhịn ăn gián đoạn, sẽ giới hạn số giờ ăn trong khoảng từ 4-12 tiếng trong vòng 24 giờ. Nó đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây khi Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Elon Musk và nữ diễn viên Jennifer Aniston đều nói nó hiệu quả trong việc giữ dáng.
Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy nhịn ăn gián đoạn có liên quan đến việc cải thiện một số biện pháp sức khỏe tim mạch chuyển hóa, chẳng hạn như huyết áp, đường huyết và mức cholesterol. Hiện nay, nghiên cứu ban đầu có sự tham gia của 20.000 người trưởng thành cho thấy những người nhịn ăn gián đoạn có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch cao hơn 91%.
Theo những phát hiện được trình bày tại hội nghị Khoa học về Phong cách sống năm 2024 của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ trong tuần này, lịch trình nhịn ăn gián đoạn không làm giảm nguy cơ tử vong của người tham gia do bất kỳ nguyên nhân nào.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét thông tin về các mô hình chế độ ăn trong những cuộc khảo sát sức khỏe hàng năm từ năm 2003-2018 và so sánh nó với dữ liệu về tử vong trong cùng thời kỳ. Nhiều người theo chế độ nhịn ăn gián đoạn, tuân theo lịch ăn 16:8, trong đó họ ăn tất cả thức ăn trong khoảng thời gian 8 giờ và nhịn ăn trong 16 giờ còn lại mỗi ngày.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy nhịn ăn gián đoạn có liên quan đến nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch cao hơn so với những người ăn trong khung thời gian 12 và 16 giờ. Và những người mắc bệnh tim hoặc ung thư hiện có nguy cơ mắc bệnh đặc biệt cao.
Giáo sư Victor Wenze Zhong, thuộc Trường Y khoa Đại học Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc, cho biết: “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy rằng những người tuân theo nhịn ăn gián đoạn trong 8 giờ có nhiều khả năng tử vong vì bệnh tim mạch hơn. Mặc dù kiểu ăn kiêng này đã phổ biến do những lợi ích tiềm ẩn ngắn hạn, nghiên cứu của chúng tôi rõ ràng cho thấy, so với khoảng thời gian ăn thông thường là 12-16 giờ mỗi ngày, thời gian ăn ngắn hơn không liên quan đến việc sống lâu hơn".
Nghiên cứu quan sát này không xem xét các yếu tố góp phần khác, chẳng hạn như cân nặng và cholesterol của người tham gia. Nó dựa vào thông tin chế độ ăn uống tự báo cáo và các yếu tố lối sống khác, chẳng hạn như mức độ hút thuốc và tập thể dục không được đưa vào phân tích.
Bình luận về nghiên cứu, Keith Frayn, Giáo sư tại ĐH Oxford, cho biết: "Việc nhịn ăn gián đoạn được coi là phổ biến như một biện pháp giảm lượng calo nạp vào, mặc dù những người ủng hộ nó khẳng định những lợi ích khác như "tăng cường trao đổi chất". Nghiên cứu này cho thấy cần phải nghiên cứu thêm về tác động của phương pháp ăn kiêng này".
Giáo sư Tom Sanders đến từ trường King's College London thì nói rằng chế độ nhịn ăn gián đoạn phổ biến nhưng lại có ít bằng chứng cho thấy nó có lợi cho việc giảm cân hoặc duy trì cân nặng. "Từ các bằng chứng đã có trước đây, chúng tôi thấy nên chia đều lượng thức ăn ra để ăn trong ngày, tức là ăn ít nhưng thường xuyên, sẽ tốt hơn là ăn bữa lớn trong khoảng thời gian ngắn. Điều này sẽ khiến lượng mỡ trong máu và đường huyết tăng cao sau khi ăn nhiều".
Xem thêm: 4 món phụ nữ nên ăn vào 'kỳ đèn đỏ' giúp giải độc đẹp da, giảm cân
Bảo Linh (Theo Dailymail)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhin-an-gian-doan-168-lien-tuc-co-nguy-co-tu-vong-vi-tim-mach-cao-gap-doi-a607872.html