Ông Rick Slayman, 62 tuổi, mắc bệnh thận giai đoạn cuối trước khi được ghép thận vào ngày 16/3. Thận lợn đã được chỉnh sửa gene để tương thích với người nhận và loại bỏ nguy cơ nhiễm trùng.
"Khoảnh khắc rời bệnh viện hôm nay, với một trong những giấy khám sức khỏe tốt nhất mà tôi có trong một thời gian dài là điều tôi mong chờ suốt nhiều năm. Bây giờ, nó đã thành sự thật và là một trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất đời tôi", Slayman tuyên bố.
"Tôi muốn cảm ơn tất cả mọi người tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts đã chăm sóc tôi trước và sau ca cấy ghép lịch sử, đặc biệt là bác sĩ Williams, bác sĩ Riella, bác sĩ Kawai và vô số y tá đã chăm sóc tôi mỗi ngày trong thời gian qua". Ông Slayman cũng bày tỏ niềm vui khi được dành thời gian cho gia đình và bạn bè sau khi thoát khỏi gánh nặng chạy thận suốt nhiều năm.
Slayman được ghép thận đầu tiên từ một người hiến tặng vào năm 2017. Tuy nhiên, nội tạng của ông bắt đầu suy yếu vào tháng 5/2023 và từ đó phải chạy thận nhân tạo.
Tatsuo Kawai, giám đốc Trung tâm Dung nạp Cấy ghép Lâm sàng Legorreta tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (MGH), cho biết : “Thành công của ca cấy ghép này là đỉnh cao nỗ lực của hàng nghìn nhà khoa học và bác sĩ trong nhiều thập kỷ".
Thành công của ca phẫu thuật đánh dấu "cột mốc lịch sử" trong cấy ghép xenotransplant, tức là cấy ghép nội tạng giữa các loài. Thủ tục này có thể cung cấp giải pháp thay thế cho tình trạng thiếu nội tạng toàn cầu.
Xem thêm: Clip: Phà chở hơn 100 người bốc cháy nghi ngút, du khách hoảng loạn nhảy xuống biển
Bảo Linh (Theo Fox News)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/benh-nhan-duoc-ghep-than-lon-thanh-cong-dau-tien-xuat-vien-a608743.html