Năm 13 tuổi, Lauren Hastings bắt đầu đi tập gym. Lúc ấy, thiếu nữ này thích học cách sử dụng tạ và chuẩn bị những bữa ăn lành mạnh cho bản thân cùng hai chị gái. Nhưng khi mọi người bắt đầu khen ngợi vóc dáng của Lauren, cô thấy bất an.
Đó là cảm giác đã châm ngòi cho chứng rối loạn ăn uống kéo dài 12 năm khiến Lauren suýt phải trả giá bằng mạng sống. Trong ba năm tiếp theo, cô ăn những loại thực phẩm giống nhau - nhiều rau và protein - mỗi ngày, vì sợ nếu đi chệch khỏi giới hạn nghiêm ngặt thì điều gì đó có thể xảy ra. Rồi một ngày nọ, cô bắt đầu nôn ói. “Tôi không biết tại sao mình bị ốm lần đầu, nhưng kể từ ngày đó, tôi nôn mửa nhiều lần mỗi ngày trong nhiều năm”, Lauren nhớ lại.
Trong thời gian đó, cô tiếp tục tập thể dục một cách ám ảnh, đến phòng tập gần nhà trước khi làm việc và sau đó đến một phòng tập khác vào buổi tối. Mỗi tối, cô đều tập vài lớp cardio. Nếu thức dậy muộn và bỏ lỡ buổi tập buổi sáng, cô ấy sẽ xin nghỉ làm, sau đó đi thẳng đến phòng tập.
Mới 17 tuổi, Lauren đã mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn khủng khiếp của việc ăn uống hạn chế, nôn mửa và tập thể dục không ngừng nghỉ. “Tôi thường mặc quần áo rộng thùng thình để che giấu số cân mình đã giảm. Nếu tôi đi tập với chị gái, chúng tôi sẽ cùng nhau rời phòng tập và chị ấy sẽ thả tôi ở bến xe buýt để đi làm. Nhưng khi chị ấy đi khuất, tôi sẽ đi bộ vài cây số đến chỗ làm để đảm bảo đạt được mục tiêu số bước chân. Tôi luôn di chuyển mặc dù cơ thể dần suy yếu".
Nhìn thấy những gì cô gái trẻ đang làm với bản thân, gia đình và bạn bè cố gắng khuyên can, nhưng Lauren lại đề phòng, nói dối họ hoặc cô lập bản thân. Ngay cả khi thường xuyên cảm thấy chóng mặt hoặc ngất xỉu, cô ấy vẫn khẳng định mình ổn.
Lauren, hiện 26 tuổi, thừa nhận cô đã mất nhiều năm vì chứng mất trí nhớ. “Giống như tôi đã say suốt khoảng thời gian đó”, cô nhớ lại.
Chỉ khi mẹ Lauren phát hiện con gái nôn ói trong nhà vệ sinh, bà mới đưa con gái đến gặp bác sĩ. Cô được chẩn đoán mắc chứng rối loạn ăn uống (bulimia) và OCD.
Lauren đến một phòng khám điều trị chứng rối loạn ăn uống hàng tuần nhưng không giúp ích gì. Thay vào đó, cô lại giảm cân hơn trước. “Tôi ghét nơi đó vô cùng, tôi sợ nó. Tôi đã đến để cho mọi người thấy rằng mình muốn phục hồi, nhưng đó là lời nhắc nhở liên tục rằng tôi mắc chứng rối loạn ăn uống. Trước đó, tôi không bao giờ tự cân, nhưng khi được cân hàng tuần, tôi biết mình phải giảm cân. Điều này đã thúc đẩy chứng rối loạn ăn uống của tôi".
Mặc dù đã được cảnh báo rằng tập thể dục rất nguy hiểm nhưng Lauren vẫn tiếp tục đến phòng tập. Đôi khi, cô bị mất nước đến mức phải truyền dịch tại bệnh viện. Và ngay sau khi xuất viện, cô sẽ đến lớp thể dục. "Dù tôi cảm thấy thế nào, về thể chất hay tinh thần, những lớp thể dục đó vẫn diễn ra. Tôi có thể bị chóng mặt, ngất xỉu và mất nước nghiêm trọng; nhưng tôi sẽ không nói với ai cả", cô nhớ lại.
Có ngày Lauren nôn nhiều đến mức chảy máu dạ dày, có ngày phải chi tới 20 bảng để mua socola và bánh quy. Có lúc, cô ăn "lượng thức ăn lớn đáng sợ", tội lỗi giấu bằng chứng trong xe. Lauren thừa nhận: “Nếu mẹ tôi mua một hộp sô cô la lớn cho ai đó, tôi sẽ ăn hết, giấu giấy gói đi và thuyết phục mẹ rằng bà ấy bị mất trí như thể chưa bao giờ mua chúng. Nói chung, tôi nói dối một cách trắng trợn".
Sức khỏe Lauren yếu tới mức bị tước bằng lái vì bác sĩ cho rằng cô không thể lái xe an toàn. "Đó là khoảnh khắc tồi tệ nhất. Tôi cảm thấy cuộc đời mình như chấm dứt. Tôi muốn phục hồi và cần phục hồi. Nhưng cơn cuồng ăn vẫn trong tầm kiểm soát".
"Tôi lạnh đến mức phải tắm bốn hoặc năm lần mỗi ngày, bật máy sưởi, đốt lửa điện trong phòng. Tôi không thể rời khỏi nhà mà không có chai nước nóng vì quá lạnh”.
Thậm chí, cô còn bị hoang tưởng. Trong một lần đi mua sắm với mẹ, những chiếc quần legging vừa vặn với Lauren chỉ dành cho học sinh tiểu học. Tuy nhiên, cô gái trẻ không tin đây là sự thật. Lauren cho rằng mình vẫn có cân nặng bình thường, khỏe mạnh và mẹ cô đã cố tình đổi nhãn size. Ngay cả khi chụp ảnh, chân của Lauren cũng nhỏ hơn các chị, nhưng cô lại nghĩ mọi người đang chỉnh sửa ảnh.
Ngoài vấn đề sức khỏe, những mối quan hệ của Lauren cũng bị hủy hoại. Cô không thể tìm được ai phù hợp vì chứng rối loạn ăn uống. Nhìn lại, cô cảm thấy khoảng thời gian đó thật kinh khủng.
Sau 8 năm không có kinh và cơ thể sắp ngừng hoạt động, Lauren nhận được lời cảnh báo kinh hoàng từ bác sĩ - nếu tiếp tục, cô sẽ chết trong vòng một năm. “Điều đó khiến tôi sợ hãi và tôi biết mình cần được giúp đỡ", cô nhớ lại.
Cảm thấy tuyệt vọng, Lauren bắt đầu tìm cách điều trị. Cô đã gặp ba nhà trị liệu khác nhau và thử CBT (Liệu pháp nhận thức hành vi) và thôi miên, nhưng không có tác dụng.
"Tôi biết lựa chọn thay thế là vào khu tâm thần và tôi chỉ nghĩ, không đời nào mình đến đó”.
Gia đình cũng đầu tư hàng nghìn bảng Anh để Lauren trị bệnh. Tại trung tâm, cô thực hiện các bài tập thở, CBT, thiền, các liệu pháp toàn diện và được theo dõi suốt ngày đêm trong 6 tuần. Sau 8 tuần, cô tăng cân đáng kể và sẵn sàng về nhà. Tuy nhiên, 6 tháng sau đó, bệnh tình của Lauren lại tái phát. Cô trở lại Thái Lan 4 tuần để điều trị thêm. Giờ đây, Lauren đã trở về nhà và đang nỗ lực hồi phục.
"Tôi cảm thấy tốt hơn rất nhiều nhưng điều đó thật khó khăn. Tôi biết phải làm gì và chăm sóc bản thân như thế nào". Dù biết căn bệnh của mình không thể chữa khỏi hoàn toàn, Lauren vẫn đang nỗ lực với hy vọng có được một cuộc sống bình thường, hạnh phúc và khỏe mạnh.
Xem thêm: 9 thói quen nấu nướng có thể gây ung thư mà rất nhiều bà nội trợ phạm phải
Bảo Linh (Theo Metro)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/co-gai-tre-suyt-mat-mang-o-tuoi-25-vi-duoc-khen-dang-dep-a609230.html