Bé gái 5 tháng tuổi có nguy cơ sẹo chi chít mặt vì căn bệnh thường gặp nhưng bố mẹ hay chữa sai

Bị viêm da cơ địa khi mới một tháng tuổi, thế nhưng gia đình lại lựa chọn cách tắm lá để điều trị, kết quả làn da của bệnh nhi bị tổn thương nghiêm trọng.

BSCKII Nguyễn Tiến Thành (thành viên Hội Da liễu Việt Nam) cho biết, vừa tiếp nhận một bệnh nhi 5 tháng tuổi được gia đình đưa đến khám trong tình trạng da mặt, tay chân phù nề, chảy dịch, đóng vảy tiết.

Mẹ bé cho biết, khi con mới chào đời được một tháng tuổi, hai má của bé nổi những mảng đỏ, sau đó lan ra tay, chân và nhiều bộ phận trên cơ thể. Kèm với đó là tình trạng ngứa, sần nên bé liên tục cào gãi. Do gia đình nghĩ là con bij bệnh dị ứng ngoài da nên tự mua thuốc bôi và tắm lá, đắp thuốc cho con, nhưng tình trạng không cải thiện.

Gần đây bệnh nặng hơn, 2 má trẻ nề đỏ, chảy dịch, chảy mủ, bé quấy khóc, bỏ bú nên gia đình mới đưa đi khám. Sau khi thăm khám, bác sĩ Thành chẩn đoán, bệnh nhi bị tình trạng viêm da cơ địa bội nhiễm.

Bé 5 tháng tuổi bị bội nhiễm nguy hiểm, nguy cơ để lại sẹo trên mặt. Ảnh: BSCC. 

Với tình trạng như vậy, bệnh nhi cần được điều trị tích cực bằng các công nghệ cao như laser, ánh sáng… , kết hợp chăm sóc tại chỗ như đắp dung dịch giảm viêm, giảm tiết, toàn thân được dùng kháng sinh, giảm kích ứng…phục hồi làn da tổn thương, giảm nguy cơ để lại sẹo ở mặt”, bác sĩ Thành cho hay.

Theo bác sĩ, viêm da cơ địa là bệnh lý thường gặp, với biểu hiện cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính. Một đặc điểm quan trọng của bệnh là hay tái phát. Ða số trường hợp bệnh bắt đầu ở tuổi ấu thơ. Triệu chứng điển hình là các thương tổn da khô kèm theo ngứa, do ngứa gãi nhiều mà da bị dày, bệnh nhân càng ngứa và gãi càng làm bệnh nặng hơn và có nguy cơ bị bội nhiễm vi trùng.

Bệnh viêm da cơ địa gây ảnh hưởng rõ rệt đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Với trẻ sơ sinh, tổn thương da thường khu trú ở trán, má, cằm, nặng hơn có thể lan ra tay, thân mình, biểu hiện bệnh khi cấp tính là đám da đỏ ranh giới không rõ, các sẩn và đám sẩn, mụn nước tiết dịch, không có vẩy da. Các vết xước do gãi tạo vết trợt, bội nhiễm tụ cầu tạo các mụn mủ và vảy tiết vàng. 

Khi trẻ bị ngứa, da khô nhiều sẽ kích thích trẻ cào gãi, khiến da trẻ bị trầy xước, chảy máu, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây viêm da cơ địa bội nhiễm có thể để lại những biến chứng sau này”, bác sĩ Thành cảnh báo.

Trẻ bị viêm da cơ địa thường da khô và gãi nhiều từ đó dẫn tới dễ bị bội nhiễm. Ảnh: BSCC. 

Đặc biệt, việc bố mẹ chăm sóc da không đúng cách, tắm/đắp lá cây, tự ý mua thuốc bôi cho con có thể khiến bệnh da của trẻ nặng hơn, dai dẳng và tái phát nhiều lần; lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ làm tăng nguy cơ đề kháng kháng sinh hoặc lạm dụng các sản phẩm bôi chứa corticoid gây những biến chứng teo da, ảnh hưởng phát triển của trẻ khi dùng kéo dài, sai nồng độ…

Bác sĩ Thành khuyến cáo, người viêm da cơ địa tránh chà xát, gãi, đồng thời bôi kem dưỡng ẩm để vừa chống khô da vừa tránh ngứa, hạn chế tái phát, kết hợp loại trừ và tránh các chất gây dị ứng.

Viêm da cơ địa ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng, loét da, để lại các vết thâm, sẹo vĩnh viễn, ảnh hưởng thẩm mỹ sau này. Vì vậy, khi bé có biểu hiện của bệnh lý, gia đình nên đưa trẻ đến chuyên khoa da liễu để được thăm khám và điều trị theo phác đồ phù hợp, ngăn bệnh diễn tiến nặng, và tránh được những biến chứng đáng tiếc”, bác sĩ Thành khuyên.

LÊ PHƯƠNG.