Việt Nam đứng đầu về số ca ghép tạng trong khu vực, nhưng 94% mô tạng được lấy từ người còn sống

Tại Hội thảo về hiến, lấy, ghép và điều phối mô, tạng tại Việt Nam vừa diễn ra ở tỉnh Hà Nam, các chuyên gia cho biết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu về ý nghĩa của việc hiến tạng, từ đó mới cứu sống được nhiều người.

Tại hội thảo này, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm điều phối tạng Việt Nam cho biết, năm 2023 số người được ghép tạng là 1.000 người, đưa nước ta trở thành nước có nhiều người được ghép tạng nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, có đến 94% nguồn tạng từ người cho còn sống, số người hiến tạng khi chết não chỉ có 12 người, đây là con số quá ít so với số người chết não mỗi năm tại Việt Nam.

Chúng tôi mong muốn có được nguồn tạng hiến từ người chết não, chết tim nhiều hơn, vì một người chết não hay chết tim có thể hiến được 8 tạng (2 thận, 2 gan, 2 phổi, tim, tuyến tuỵ; ngoài ra giác mạc…). Còn người sống chỉ ghép được một bộ phận, và có bộ phận không bao giờ lấy được như tim; bên cạnh đó còn có những rủi ro về sức khoẻ đối với người hiến sau hiến tạng”, ông Hệ nói.

Ông Hệ cho biết, có đến 94% nguồn tạng được cho từ người sống, trong đó số người chết não có thể hiến tạng ở Việt Nam rất nhiều. 

PGS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ tại hội thảo rằng, sở dĩ người chết não hiến tạng ít là do quan niệm đã in sâu vào tiềm thức của người dân, đó là “chết phải toàn thây”. Họ e ngại đụng vào cơ thể người thân sau chết, sợ hiến tạng ảnh hưởng đến gia đình mà chưa nhận thức được rằng, đó là văn hoá, trách nhiệm và từ bi với cộng đồng.

Bên cạnh đó, người dân còn khó khăn về cách thức đăng ký hiến tạng, cần hướng dẫn đơn giản, dễ tiếp cận. Các quy định của pháp luật hiện nay cũng cần được điều chỉnh để làm tăng cơ hội hiến tạng sau chết não như điều kiện có thể hiến tạng sau chết; tuổi hiến tạng (hiện nay là trên 18 tuổi), chế độ cho người hiến tạng và gia đình; cơ chế tài chính về chi phí, thanh toán cho vận động hiến, ghép và sau ghép…”, bà Tiến nói.

Bà Kim Tiến khẳng định, quan niệm của phật giáo luôn khuyến kích mọi người hiến tạng cứu người. 

Ngoài ra, việc một người chết não muốn được hiến tạng phải hỏi ý kiến của rất nhiều người trong gia đình cũng là một rào cản lớn trong quá trình vận động hiến tạng. “Có những trường hợp vợ/chồng, bố/mẹ đồng ý hiến tạng người chết não, công tác xét nghiệm tìm người nhận tạng phù hợp đã xong, phòng mổ cũng chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng. Đến phút chót, người dì của bệnh nhân không đồng ý hiến tạng cháu, như vậy bao công sức đã đổ bể”, PGS Đồng Văn Hệ chia sẻ.

Từ những khó khăn trên, các chuyên gia đề xuất trong dự thảo Luật hiến tạng trình Quốc hội thông qua, cần có những quy định cụ thể như:

- Những người lúc sống chưa đăng ký nhưng khi qua đời được gia đình đồng ý vẫn có thể hiến tạng;

- Công tác điều phối đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các bệnh viện.

- Cần tôn trọng quyết định trong di chúc của người bệnh, nếu họ muốn hiến tạng. Cụ thể, người bệnh viết di chúc muốn hiến tạng sau khi chết thì không cần hỏi ý kiến người thân, vì đây là văn bản có giá trị pháp luật.

- Chỉ cần hỏi bố/mẹ, vợ/chồng hoặc con người bệnh về việc hiến tạng cứu người, không cần phải hỏi quá rộng người thân hai bên nội ngoại.

Đồng thời, bà Kim Tiến cũng cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân tiếp cận thông tin chính thống, chính xác nhất về việc hiến tạng. Đồng thời, cần đưa khẩu hiệu hiến tạng thật ý nghĩa, như một thông điệp để người dân hiểu rằng, đây là hành động ý nghĩa, giúp hồi sinh sự sống.

Đặc biệt, nên kết hợp với các tổ chức như đoàn thanh niên, công an, quân đội và cả các tổ chức tôn giáo, nhất là giáo hội Phật giáo Việt Nam để tuyên truyền vận động người dân hiểu rằng, hiến mô tạng là một trong những thực hành theo tinh thần từ bi của nhà Phật.

LÊ PHƯƠNG.