Bộ trưởng Quốc phòng Australia tiết lộ gói viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine

Ngày 12/7, Chính phủ Australia đã công bố gói viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine trị giá khoảng 250 triệu USD.

Ngày 12/7, tại cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelenskyy ở Mỹ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles đã thông báo về gói viện trợ quân sự mới nhất trị giá 250 triệu AUD cho Ukraine.

Đây cũng là là gói viện trợ quân sự lớn nhất mà Australia dành cho Ukraine kể từ khi xảy ra cuộc xung đột giữa Ukraine với Nga vào năm 2022.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles. Ảnh: Getty

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles. Ảnh: Getty

Theo đó, trong gói viện trợ này, Australia sẽ chi tiền để hỗ trợ Ukraine tên lửa phòng không; vũ khí không đối đất trong đó bao gồm cả vũ khí dẫn đường; vũ khí chống tăng; đạn pháo, súng cối, đại bác và vũ khí nhỏ. Đồng thời, Australia cũng sẽ ủng hộ một lô hàng gồm các đôi ủng để các binh sỹ Ukraine sử dụng trong chiến đấu.  

Cộng với gói viện trợ trên, tính tới nay,  Australia đã viện trợ tổng cộng hơn 1,3 tỷ AUD cho Ukraine trong đó 1,1 tỷ AUD là viện trợ quân sự.

Bên cạnh đó, Australia cũng sẽ tham gia các sáng kiến của NATO về đào tạo và đảm bảo an ninh cho Ukraine với vai trò là đối tác điều hành. Australia đồng thời đã tham gia đào tạo tân binh cho Ukraine tại Anh trong khuôn khổ chiến dịch KUDU.

Trước đó, ngày 10/7, Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết nước này và Romania đã ký kết thỏa thuận an ninh kéo dài 10 năm, nâng tổng số thỏa thuận hợp tác song phương dài hạn mà chính quyền Kiev đã ký kết với các nước và khu vực lên con số 23.

Tuyên bố của Kiev cho biết thỏa thuận này có khuôn khổ tương tự nhưng nội dung khác so với thỏa thuận trước đây. Điểm đặc biệt của thỏa thuận với Romania là nội dung cụ thể quy định hoạt động hợp tác nhằm tăng cường an ninh ở khu vực Biển Đen, chẳng hạn như hoạt động rà phá bom mìn.

Ngoài ra, thỏa thuận cũng bao gồm đóng góp của Romania trong việc đào tạo phi công Ukraine lái máy bay phản lực F-16.

Mộc Miên/Đời sống pháp luật