Có phải cha mẹ muốn đặt tên con như thế nào cũng được?

Về chuyện đặt tên cho con, nhiều người thắc mắc “đăng ký khai sinh cho trẻ nhưng đặt tên trẻ quá dài và phức tạp thì có được không?”

Hiện nay, việc đặt tên cho con đã có nhiều thay đổi, thể hiện quan điểm, nhận thức đa dạng của người đứng ra khai sinh đã dần dần không còn theo phong cách cũ mặc định con trai có đệm là “Văn” và con gái có đệm là “Thị”.

Tuy nhiên, thực tế ghi nhận thời gian qua có tình trạng người dân chưa hiểu hết, hiểu kỹ quy định của pháp luật nên lầm tưởng khai sinh tên con, tên cháu như nào tùy thích, nhiều trường hợp không phù hợp với phong tục tập quán của Việt Nam.

co-phai-cha-me-muon-dat-ten-con-the-nao-cung-duoc-1717132548.png
Có phải cha mẹ muốn đặt tên con như thế nào cũng được?

Về vấn đề này, theo quy định tại điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì:

"1. Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.

2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người đó.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng.

Cha đẻ, mẹ đẻ được quy định trong Bộ luật này là cha, mẹ được xác định dựa trên sự kiện sinh đẻ; người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.

3. Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.

Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.

4. Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình.

5. Việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác".

Mặt khác, tại khoản 1, điều 6 thông tư số 04 năm 2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định: "Nội dung khai sinh được xác định theo khoản 1 điều 14 Luật Hộ tịch, khoản 1 điều 4 nghị định số 123 năm 2015 và hướng dẫn sau:

"Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng".

Do đó, việc đặt tên cho con là quyền của cha mẹ nhưng cũng phải tuân thủ một số quy định pháp luật có liên quan nêu trên.

Ngoài ra, về trách nhiệm đăng ký khai sinh, Điều 15 Mục 1 Chương II Luật Hộ tịch năm 2014 (Luật số: 60/2014/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2014) quy định trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.

Tốt nhất các bậc cha mẹ nên đặt tên con theo tên thuần Việt hoặc phù hợp với tiếng dân tộc của mình. Đặc biệt không nên đặt tên quá dài, tên khó viết, khó phát âm... không cần thiết, vì sau này có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của con cái.

 

 

Minh Hoa (t/h)/Người đưa tin