Lý do giáo sư Nguyễn Quang Tuấn phải thực hành, xin lại giấy phép hành nghề

Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn gửi đơn xin được thực hành tại Bệnh viện Hữu nghị (Hà Nội) để phục vụ cho việc cấp chứng chỉ hành nghề mới.

Theo báo Tuổi trẻ, ngày 10/7, ông Nguyễn Trọng Khoa - cục phó phụ trách quản lý, điều hành Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho hay mặc dù GS.TS Nguyễn Quang Tuấn có học hàm giáo sư tuy nhiên đã gián đoạn hành nghề y hơn 2 năm, nguyên nhân không phải do sai phạm liên quan đến chuyên môn.

Vì vậy, theo quy định của Luật Khám chữa bệnh mới cần phải đào tạo trong thời gian 12 tháng tại cơ sở khám chữa bệnh để được cấp lại giấy phép hành nghề. “Hiện nay, quy định về cấp giấy phép khám chữa bệnh khá rõ ràng. Sau khi hoàn thành hồ sơ cấp phép hành nghề sẽ được các đơn vị tiếp nhận, xử lý và cấp phép theo quy định”, ông Khoa thông tin.

Một phó giáo sư, bác sĩ với nhiều năm kinh nghiệm khám chữa bệnh và giảng dạy tại Trường đại học Y Dược TP.HCM cũng cho hay theo quy định, bác sĩ từng có giấy phép hành nghề nhưng không thực hiện hoặc gián đoạn khám chữa bệnh cho bệnh nhân trong vòng 2 năm thì phải thực hành lại tại một bệnh viện trong thời gian 12 tháng để được cấp giấy phép hành nghề.

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn xin được thực hành tại Bệnh viện Hữu nghị để phục vụ cho việc cấp chứng chỉ hành nghề mới. Ảnh: Dân trí

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn xin được thực hành tại Bệnh viện Hữu nghị để phục vụ cho việc cấp chứng chỉ hành nghề mới. Ảnh: Dân trí

Trước thắc mắc tại sao những người có học hàm giáo sư nhưng vẫn phải học thực hành tại bệnh viện sau thời gian gián đoạn khám chữa bệnh, vị này nói thêm: "Giáo sư chỉ là chức danh, tập trung nhiều hoạt động giảng dạy, còn khám và điều trị bệnh nhân phải là bác sĩ, tốt nhất là bác sĩ chuyên khoa 2".

Báo điện tử VTC News thông tin, sáng 10/7, đại diện Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, sau khi hết thời gian thụ án, ông Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai gửi đơn xin được thực hành tại bệnh viện để đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề. 

Theo quy định của Bộ Y tế, ông Tuấn sẽ phải thực hành lại từ đầu trong vòng 12 tháng như bác sĩ mới ra trường, để được xét cấp chứng chỉ hành nghề. Khi có chứng chỉ hành nghề mới, ông có thể được quay lại hoạt động khám bệnh kê đơn.

Trước đó, tháng 4/2023, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn và 11 người khác bị tuyên án tù liên quan vụ nâng giá vật tư y tế gây thiệt hại hơn 53 tỷ đồng. Hội đồng xét xử nhận định, vi phạm của ông Tuấn không liên quan đến chuyên môn ngành y mà chỉ trong phạm vi quản lý nhà nước.

Ông Tuấn không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề sau khi ra tù, có thể hành nghề lại khi được cấp phép chứng chỉ. Ông Tuấn từng làm giám đốc hai bệnh viện lớn là Bạch Mai và Tim Hà Nội. Ông cũng là đại biểu Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016 - 2021, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.

Ông được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư ngành y năm 2017. Quá trình công tác ông được tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý, bản thân là giáo sư tiến sĩ đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ, có công cứu sống nhiều người trong cuộc đời y nghiệp và được nhân dân khen ngợi.

Phương Uyên (T/h)/Đời sống Pháp luật