Thanh niên ở Hà Nội phải nhập viện sau khi đi đấm bóp để giảm đau vai gáy

Sau buổi liên hoan với đối tác, Tuấn đi đấm bóp trị đau vai gáy nhưng sau đó không thể đi lại được, phải nhờ nhân viên cơ sở mát-xa dìu vào bệnh viện điều trị.

Hoàng Tuấn (25 tuổi) chưa có gia đình, đang làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu ở Long Biên, Hà Nội. Khối lượng công việc lớn nên nhiều hôm Tuấn phải tăng ca, tối muộn mới rời cơ quan ra về. Áp lực công việc, kèm với việc ngồi cả ngày khiến chàng trai trẻ thường xuyên đau mỏi vai gáy và  xương khớp. Mỗi lúc như vậy, anh tìm đến các quán mát-xa để được xoa bóp và xả stress.

Em chỉ đến các quán mát-xa khi đau mỏi quá, hoặc có những hôm tiếp đối tác uống nhiều rượu em cũng đến đó để được đấm bóp, thư giãn”, Tuấn chia sẻ. Mới đây, sau một cuộc nhậu, Tuấn lại tạt vào quán mát-xa ở quận Long Biên để được đấm bóp. “Ngồi cả ngày, xong lại nhậu nên mỏi nhừ cả người và xương khớp, các em làm sao cho anh hết mỏi là được”, Tuấn nói với nhân viên phục vụ.

Nhân viên cơ sở này đã không ngần ngại làm những động tác từ uyển chuyển đến mạnh bạo, đỉnh điểm nhất là đứng lên lưng khách hàng để “chữa” đau cột sống. Tuấn thừa nhận rằng, trước đó đã nhiều lần làm động tác này và cảm thấy rất thoái mải.

Thực hiện sai động tác mát-xa, nhất là tại cơ sở không có chuyên môn là rất nguy hiểm. Ảnh minh họa. 

Thế nhưng lần này, khi vừa mới bắt đầu, Tuấn cảm thấy nhói đau ở thắt lưng, rồi không thể đứng dậy đi lại bình thường dù thử đủ mọi cách. Ngay sau đó, Tuấn được nhân viên mát-xa dìu vào bệnh viện để thăm khám.

BSCK II Nguyễn Đức Minh, trưởng khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Đức Giang) cho biết, đây là một trong số rất nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị do mát-xa sai cách. Đa số các trường hợp là nam giới, chủ yếu là thanh niên.

Bác sĩ Minh cho rằng, nhân viên ở các quán tẩm quất, mát-xa thường làm theo kinh nghiệm, không có chứng chỉ hành nghề, vì thế sự cố xảy ra là điều dễ hiểu. “Điều trị đau mỏi vai gáy, đau xương khớp mà đứng trực tiếp lên lưng người bệnh là sai hoàn toàn. Điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ với sức khỏe, thậm chí là chấn thương cột sống”, bác sĩ Minh cho biết.

Chẳng riêng gì quán mát-xa, có không ít người mời nhân viên về nhà để trị liệu cũng gặp sự cố tương tự. “Bản thân tôi từng đi cấp cứu cho một vị giám đốc một cơ quan ở quận Long Biên không thể đi lại được sau khi mời nhân viên về nhà mát-xa chữa cổ vai gáy”, bác sĩ Minh kể lại.

Việc chữa đau mỏi vai gáy, đau xương khớp phải được thực hiện bởi người có chuyên môn, tại cơ sở y tế chuyên khoa. Ảnh minh họa. 

Với những trường hợp này, tuy vào mức độ ảnh hưởng sẽ có thời gian điều trị khác nhau, thông thường là khoảng 1-3 tháng mới có thể hồi phục. Theo bác sĩ Minh, trong cuộc sống hiện đại, nhiều người ngồi nhiều vận động ít nên khó tránh khỏi đau mỏi vai gáy, thoát vị đĩa đệm, xẹp đốt sống... Nắm bắt được điều này, vô số cơ sở mát-xa, vật lý trị liệu ra đời để đáp ứng nhu cầu. Trong khi, nhiều người nghĩ các tình trạng trên là vấn đề bình thường, không phải bệnh nên không vào viện mà theo các dịch vụ ở ngoài. Từ đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe, thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng.

Bác sĩ Minh cho biết, để có thể thực hiện các động tác trị liệu, người thực hiện phải trải qua quá trình đào tạo bài bản, thực hành tại các cơ sở y tế và được cấp chứng chỉ hành nghề. Sau đó, hàng năm hoặc định kỳ phải được đào tạo liên tục mới có thể tiến hành điều trị, trong khi ở các cơ sở dịch vụ bên ngoài, đa số nhân viên không đáp ứng đủ các yêu cầu này.

Vì thế, bác sĩ Minh khuyến cáo, mọi người nên thận trọng trong việc lực chọn dịch vụ bên ngoài, trước khi trị liệu cần khám sức khỏe tổng quát để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với cơ thể và bệnh lý, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

LÊ PHƯƠNG.