Lười nấu ăn, thường xuyên ăn ngoài, chàng trai sốc khi biết bị ung thư

Thói quen xấu trong ăn uống là một trong những yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư về đường tiêu hóa.

Ung thư ruột (ung thư đại trực tràng) là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Theo tổ chức y tế Thế giới, mỗi năm thế giới có khoảng 700.000 người tử vong vì ung thư đại trực tràng, chiếm 8,5 % tổng số bệnh nhân tử vong vì ung thư; ung thư đại trực tràng đứng thứ 3 về tỉ lệ mắc (10%).

Đáng lo ngại là ung thư đại trực tràng hiện nay có xu hướng trẻ hóa, nguyên nhân chính nằm ở việc nhiều người đã không chú ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Chẳng hạn như ăn quá nhiều thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, chế độ ăn không cân bằng giữa chất đạm và chất xơ (rau, củ, quả), ăn uống không điều độ, ăn nhiều đồ cay nóng, thực phẩm ủ muối,.... là những thói quen làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Một chàng trai 25 tuổi ở Trung Quốc bị ung thư ruột, không có tiền sử gia đình mắc bệnh, nhưng có thói quen ăn các món dưa chua, cay mặn và thường xuyên ăn ngoài do lười nấu ăn.

Được biết, các loại dưa chua có thể gây ung thư nếu bạn không biết cách làm và ăn sao cho đúng. Thói quen ăn món ăn này khi vẫn còn vị hăng, cay, chưa được lên men kỹ là nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư. Bởi trong dưa muối xổi hàm lượng nitrat chuyển thành nitrit sẽ kết hợp với các acid amin có trong thực phẩm thường ăn như thịt, tôm cá, nhất là mắm tôm và chuyển thành nitrosamin – một chất có khả năng gây ung thư dạ dày. Ngoài ra, hàm lượng muối lớn có trong món ăn này cũng không tốt cho sức khỏe.

Không chỉ vậy, nam thanh niên còn rất thích ăn các món béo ngậy và đồ ngọt. Khi thấy cân nặng tăng lên nhanh chóng thì lại giảm cân theo cách phản khoa học. Do đó, dù chỉ mới 25 tuổi nhưng với thói quen xấu trong ăn uống như vậy đã thúc đẩy tế bào ung thư ở ruột phát triển.

Các bác sĩ cho biết, các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư ruột gồm:

-Béo phì

Người bụng phệ có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao gấp 1,5 - 2 lần người bình thường.

- Chế độ ăn uống không khoa học

Việc duy trì chế độ ăn nhiều chất béo, ít chất xơ trong thời gian dài dẫn đến nguy cơ ung thư đại trực tràng cao hơn đáng kể.

-Lười vận động

Cuộc sống hiện đại khiến nhiều người bận rộn, thậm chí không có thời gian đi vệ sinh. Nếu nhịn đại tiện lâu, phân lưu lại trong dạ dày quá lâu, các chất độc hại ngấm vào đường ruột sẽ trực tiếp gây ra bệnh ung thư đại trực tràng.

-Nghiện thuốc lá, bia rượu

Các nghiên cứu chỉ ra, những người hút thuốc có nguy cơ tử vong vì ung thư ruột kết cao hơn 34% so với những người không hút thuốc. Người hút thuốc càng lâu thì nguy cơ tử vong vì ung thư đại trực tràng càng cao.

-Di truyền

Ung thư đại trực tràng cũng có yếu tố di truyền gia đình đáng kể. Không chỉ có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại trực tràng mà bệnh đa polyp gia đình cũng góp phần vào nguy cơ phát triển ung thư ruột.

Cách giảm nguy cơ mắc ung thư ruột

Để phòng bệnh ung thư đường tiêu hóa, mọi người nên có chế độ ăn cân bằng, đầy đủ các nhóm chất. Những thực phẩm chua, cay, nóng... nên hạn chế dùng lúc bụng đói vì đường tiêu hóa không chịu được nồng độ axit quá cao, gây tổn thương niêm mạc của thực quản, dạ dày.

Bia rượu cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư đường tiêu hóa, bao gồm cả ruột. Bạn không nên uống quá 10 ly một tuần và không quá 4 ly vào một ngày bất kỳ. Ngoài ra, việc từ bỏ thuốc lá sẽ giảm thiểu đáng kể nguy cơ mắc ung thư ruột và ung thư phổi.

Một số bệnh nhân khi điều trị ung thư thường nghe thông tin truyền miệng là không ăn thịt, không ăn đường. Điều này không chính xác bởi vì những chất này giúp tạo năng lượng để nuôi cơ thể, hỗ trợ thể chất, giúp cho quá trình điều trị diễn ra thuận lợi.

Ngoài lựa chọn thực phẩm thì cách ăn cũng rất quan trọng. Ăn uống phải điều độ, đúng giờ, không bỏ bữa, không nhịn đói. Những thói quen có hại cần tránh như: không nên ăn quá no, không nên ăn quá trễ, không nằm ngay sau khi ăn, không thực hiện vận động thể lực mạnh ngay sau khi ăn. Đặc biệt là không nên sử dụng điện thoại hay xem tivi trong lúc ăn, cũng không nên vừa ăn vừa làm việc, hay làm việc ngay sau khi vừa ăn xong, vì sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho đường tiêu hóa.

Bên cạnh đó, việc thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần cũng rất quan trọng. Với nhóm có nguy cơ trung bình và chưa có triệu chứng có thể bắt đầu thực hiện tầm soát ung thư đường tiêu hóa ở độ tuổi 45-50; những người có yếu tố nguy cơ cao như tiền sử gia đình, bệnh lý tiêu hóa nên tầm soát sớm hơn và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.