Không có chuyện cấm, dừng quyền hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần từ 1/7/2025

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, không có chuyện cấm, dừng quyền hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người tham gia từ 1/7/2025.

Sáng nay (23/7), Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 6 luật vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

Theo An ninh Thủ đô, tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đã thông tin về các điểm mới, quan trọng, cơ bản của Luật Bảo hiểm xã hội mới. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025.

Những điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2024

Theo đó, luật bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, trong đó giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống 75 tuổi (hiện hành 80 tuổi).

Riêng với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Cùng với đó, bổ sung quy định nhằm gia tăng sự liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm xã hội cơ bản. Trong đó bổ sung chế độ trợ cấp hằng tháng với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Luật cũng mở rộng đối tượng được tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội bằng việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc với chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố...

Luật mới cũng gia tăng cơ hội được hưởng lương hưu của người tham gia thông qua việc giảm điều kiện về số năm đóng tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã bổ sung chế độ thai sản vào nhóm quyền lợi mà người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng. Cụ thể, người tham gia BHXH được hưởng chế độ thai sản 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra; Và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên không may chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.

Điều kiện để được hưởng trợ cấp thai sản này là người lao động tham gia BHXH tự nguyện có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Một điểm mới khác, theo bà Hà, luật đã bổ sung quy định nhằm gia tăng quyền lợi, tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Một số điểm mới khác theo bà Hà, luật đã bổ sung việc nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội, tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bổ sung một chương quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Ngoài ra, quy định cụ thể về mức tham chiếu thay cho mức lương cơ sở...

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà thông tin về Luật Bảo hiểm xã hội 2024. (Ảnh: ANTĐ)

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà thông tin về Luật Bảo hiểm xã hội 2024. (Ảnh: ANTĐ)

4 trường hợp rút bảo hiểm xã hội một lần từ 1/7/2025

Về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong Luật Bảo hiểm xã hội, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, những người tham gia bảo hiểm xã hội trước 1/7/2025 (khoảng 18 triệu người) hoàn toàn có quyền hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Người tham gia bảo hiểm xã hội sau 1/7/2025 vẫn có quyền hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhưng chỉ trong 4 trường hợp: người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội; người lao động ra nước ngoài định cư; người lao động một số mắc bệnh hiểm nghèo; người có mức suy giảm lao động từ 81% trở lên.

Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng khẳng định, không có chuyện cấm hay dừng quyền lợi hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội sau ngày 1/7/2025.

Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Phạm Trường Giang cũng khẳng định trên Tuổi trẻ: "Không có chuyện cấm, dừng quyền hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người tham gia từ 1/7/2025".

Ông Giang cho hay luật quy định nếu người lao động bảo lưu để hưởng lương hưu thay vì hưởng bảo hiểm xã hội một lần sẽ có cơ hội tăng 1 trong 4 quyền lợi.

Trong đó, có cơ hội được hưởng các quyền lợi, chế độ ngắn hạn cao hơn. Thêm vào đó, người lao động có cơ hội hưởng trợ cấp hằng tháng sớm trước 75 tuổi, trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng đó có cơ hội hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng. Bên cạnh đó được tiếp cận các quyền lợi, chính sách khác như tín dụng...

Việt Hương (T/h)/DSPL