63 anh trai đại chiến âm nhạc: Chưa đủ "say" đã thấy nhiều "gai"

Lên sóng cùng khung giờ vàng cuối tuần, 2 chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai" và "Anh trai say hi" đang cạnh tranh khốc liệt, là chủ đề được so sánh nhiều trên mạng xã hội lúc này.

Sau nửa năm "ảm đạm" vì thiếu những reality show (chương trình truyền hình thực tế) bùng nổ về truyền thông, làng giải trí Việt rộn ràng hơn từ giữa tháng 6 khi 2 chương trình quy tụ 63 mỹ nam, anh tài ở nhiều lĩnh vực cùng lên sóng. Không chỉ "đụng độ" về khung giờ phát sóng vào tối thứ Bảy, format 2 chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai Anh trai say hi cũng na ná nhau, vừa thi đấu âm nhạc giữa cá nhân và nhóm, vừa khai thác mối quan hệ của các nghệ sĩ sau sân khấu và những câu chuyện về sự khổ luyện, thay đổi bản thân.

Lên sóng cùng thời điểm, sự cạnh tranh của 2 show âm nhạc đã "giải cứu" thị trường giải trí Việt đang trong thời kỳ ảm đạm.

Một bên là phiên bản Việt hóa từ gameshow Call Me By Fire đình đám quốc tế, một bên tự hào khẳng định là show "sống còn" có format 100% sáng tạo của Việt Nam. Sự cạnh tranh ban đầu từ những cái tên cho đến ngày giờ phát sóng đã khiến dân tình có dịp thổi bùng lên tranh cãi, đưa 2 gameshow âm nhạc trở thành những từ khóa hot hiện nay.

Hào quang hay Tham vọng: Ai hơn ai?

Dễ nhận thấy, từ lúc 2 "ông lớn" là Yeah1 và Vie Channel công bố sẽ đầu tư trăm tỷ cho 2 chương trình sẽ lên sóng vào giữa năm 2024, khán giả đã trông đợi rất nhiều để được theo dõi các thần tượng "đối đầu" trong âm nhạc. 

Sự khác biệt rõ từ ban đầu là Anh trai vượt ngàn chông gai quy tụ những ngôi sao trên 30 tuổi ở nhiều lĩnh vực, thậm chí là võ sư, danh thủ bóng đá, nhiếp ảnh gia…, chỉ cần có chung tình yêu âm nhạc. Chương trình đề cao sự thay đổi để tìm lại hào quang của những quý ông nổi tiếng một thời, giúp khán giả gợi nhớ ký ức âm nhạc từ những hit cũ nay được remake, mang hơi thở trẻ hơn để tiệm cận với người xem hiện tại.

Trong khi đó, Anh trai say hi lại hướng tới phần đông đối tượng là khán giả Gen Z, khi dàn nghệ sĩ tham gia đều là gương mặt "mỹ nam" tài năng, từ ca sĩ, rapper, diễn viên… cho tới những thực tập sinh từng tham gia đào tạo nhóm nhạc ở nước ngoài. Với lời tuyên bố là format do người Việt sản xuất, chương trình say hi mạnh tay sáng tác 100% nhạc mới, mong muốn sẽ tạo ra "kho tàng hit mới" cho Vpop. Ở khía cạnh này, say hi có nhiều tham vọng hơn chông gai.

"Anh trai say hi" mang tham vọng đem tới sân chơi với format sáng tạo của người Việt, muốn hình thành một boyband thần tượng đúng nghĩa.

Nhưng, tham vọng luôn đi kèm với rủi ro. Thực tế việc tạo hit còn phụ thuộc vào "thiên thời - địa lợi - nhân hòa". Dù có nắm "công thức" đi chăng nữa, điều đó chưa chắc đã dẫn tới thành công. Nhưng nếu remake một ca khúc nổi tiếng đã cũ, phần trăm "ăn may" cao hơn hẳn khi nó đã có sẵn lứa khán giả hâm mộ. 

So với chông gai, say hi lên sóng truyền hình trước 2 tuần, "phủ đầu" truyền thông bằng MV The Stars. Tuy nhiên, sản phẩm này chưa làm hài lòng kỳ vọng của số đông khi phần hát và rap chưa rõ lời, giảm phân nửa sự thích thú khi khán giả phải vừa nghe vừa… xem phụ đề. Chưa kể, nhiều gương mặt chỉ lướt qua "cho có" trong khung hình, chia câu hát chưa đồng đều, từ đó tạo ra tranh cãi về câu chuyện "con cưng - con ghẻ" hay những cam kết đằng sau hợp đồng. Có thể, đây là sự tính toán từ nhà sản xuất để tạo drama truyền thông từ đầu, làm dấy lên cuộc "nội chiến" giữa các fanclub. Nhưng với khán giả, đây lại là "điểm trừ" đầu tiên.

Điểm cộng lớn nhất từ "say hi" là việc dàn dựng những tiết mục đẹp trên sân khấu, đề cao tính biểu diễn của nhóm.

Khi lời chào đầu từ say hi có "sạn", khán giả càng hướng sự tò mò về chông gai. Vì ra mắt muộn hơn, chông gai khắc phục được nhiều lỗi của đối thủ. MV Hỏa ca được đánh giá có cách biên tập hình ảnh và âm nhạc đồng đều hơn. Quan trọng hơn, tinh thần máu lửa, cảm giác hào quang trở lại của những ngôi sao một thời được truyền tải đúng. Sự "nhỉnh" hơn có tính toán đã tạo cú "bùng nổ" về truyền thông. Chỉ vài tiếng sau khi MV ra mắt, đông đảo nghệ sĩ Việt, trong đó có cả 33 "anh tài" và 30 "chị đẹp" đã đều rầm rộ chia sẻ dự án. Rõ ràng, chông gai đã thắng thế trước say hi về truyền thông MV hình hiệu.

Với việc quy tụ những ngôi sao đình đám một thời, "Anh trai vượt ngàn chông gai" thuyết phục nhiều khán giả hơn từ tập đầu tiên.

Khi tập 1 của cả 2 chương trình lên sóng, khán giả dần nhận diện được 2 show rõ ràng hơn. Với kinh nghiệm của một đơn vị sản xuất chuyên tạo ra những gameshow đề cao tính giải trí, tương tác vui nhộn, say hi đáp ứng đủ tiêu chí ngay tập đầu tiên. Với bản full gần 3 tiếng rưỡi, say hi "chào sân" bằng những tiểu phẩm hài của các ngôi sao trẻ mới nổi, thay vì mong muốn của khán giả là tập trung vào âm nhạc. Tính cả 3 tập vừa lên sóng, chỉ duy nhất tập 2 đáp ứng sự kỳ vọng khi nghe được nhiều ca khúc mới. Phần còn lại chỉ làm vừa vặn yếu tố giải trí, tương tác nghệ sĩ của một gameshow cuối tuần. Đó là chưa kể chương trình hay cài cắm yếu tố quảng cáo, lạm dụng quá đà để "trả quyền lợi tài trợ". Điều này dễ trở thành "con dao 2 lưỡi".

Về điểm cộng, số đông đánh giá cao sự sáng tạo về mặt hình ảnh, dàn dựng tiết mục chỉn chu trên sân khấu, mang đến tinh thần và năng lượng trẻ. Không thể phủ nhận dàn 30 mỹ nam say hi đều được chăm chút như những ngôi sao Kpop thực thụ: hát hay, nhảy giỏi, rap chất… Mang thông điệp của một chương trình trẻ, cạnh tranh công bằng và khao khát chiến thắng, say hi đang làm hài lòng đối tượng khán giả mà họ hướng tới.

Trong khi đó, chông gai tuân thủ đúng format quốc tế khi đề cao yếu tố âm nhạc ngay từ tập đầu tiên. Lấy kinh nghiệm sau lần sản xuất Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, phía sản xuất đã gọt giũa phần gặp gỡ, tập trung phân nửa thời lượng vào màn trình diễn của các "anh tài", ngôi sao kỳ cựu. So với đối thủ là đơn vị từng thực hiện rất nhiều format giải trí trên truyền hình, khâu sản xuất và biên tập từ phía chông gai có phần non kinh nghiệm hơn. Bù lại, những cái tên như "đạo diễn triệu view" Đinh Hà Uyên Thư, "phù thủy âm nhạc" SlimV đã "cứu" chương trình về mặt chất lượng. Ít ai biết, Đinh Hà Uyên Thư từng là người được thay thế để "giải cứu" cho chương trình Chị đẹp sau những tập công diễn đầu tiên bị thất bại về mặt hình ảnh sân khấu. Nhưng năm nay, mọi sự chỉn chu được thấy rõ từ tập 1. Quan trọng, khán giả thấy được sân khấu hoành tráng, hiệu ứng ánh sáng mang tinh thần của những concert quốc tế. 

Đối lập với "say hi", điều khán giả "chông gai" muốn là thấy được góc nhìn mới của những gương mặt đã cũ ở "chông gai".

Tuy nhiên, vì phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam - vốn đòi hỏi sự kiểm duyệt gắt gao về mặt hình ảnh, format đúng tinh thần show âm nhạc, nên yếu tố giải trí của Anh trai vượt ngàn chông gai đã được cắt giảm.

Cạnh tranh công khai trên mạng xã hội: Khi sự đối đầu trở thành đòn bẩy

Tuy cạnh tranh công bằng khi miếng bánh ngon được chia đều cho 2 "ông lớn", nhưng thực tế đối tượng khán giả hướng tới 2 reality show khá khác nhau.

Sự tươi mới và trẻ trung của say hi phù hợp với những khán giả trẻ thuộc thế hệ Gen Z, yêu nhạc Kpop hay sự sôi nổi trong âm nhạc… Điểm chung dễ nhận thấy ở từng bài thi nhóm là "hơi thở" Kpop, phảng phất hình ảnh boyband xứ Hàn. Chưa kể, sự đẩy mạnh về truyền thông trên nền tảng social hay fanpage cũng cho thấy tham vọng từ "ông lớn" muốn tiếp cận khán giả trẻ. Nắm bắt tâm lý giới trẻ nên ngoài phần trình diễn, chương trình còn thêm thắt nhiều yếu tố game tương tác, tâm tình nghệ sĩ ở nhà chung để những ngôi sao mới có "đất" giới thiệu bản thân.

Anh Tú Atus là một số những cái tên dự đoán đông fan hơn sau "Anh trai say hi".

Trong khi đó, chông gai là câu chuyện lấy lại hào quang của những ngôi sao một thời. Khán giả của họ là thế hệ 8X - 9X yêu nhạc, mong muốn thấy thần tượng trở lại ở một diện mạo mới. Lúc này, yếu tố nghệ sĩ thay đổi bản thân, vượt thử thách làm mới chính mình là điều tiên quyết cần làm rõ. Vì tệp khán giả trải dài nhiều độ tuổi, chưa kể được lên sóng Đài truyền hình quốc gia ở khung giờ vàng cuối tuần, chông gai có lợi thế hơn về mặt kết nối. Tuy nhiên, ở phương diện truyền thông trên mạng xã hội, chông gai khó thắng thế so với đối thủ đã có nhiều kinh nghiệm. 

Với thế mạnh sản xuất và truyền thông nhiều chương trình giải trí lớn, "say hi" vượt trội về mặt tiếp cận so với "chông gai".

Ở phương diện sản xuất, "ông lớn" nào cũng muốn "cầm cương". Nếu nhìn tích cực, sự cạnh tranh công khai này khiến cả 2 bên "được lợi". Khi đơn độc trong cuộc chơi, khán giả không có lựa chọn về "món ăn tinh thần", chỉ chấp nhận những hạt sạn đang có. Ngược lại, những sự so sánh hay đánh giá sẽ tạo thành "đòn bẩy" để truyền thông liên tục nhắc về 2 chương trình. 

Nhiều nghệ sĩ tận dụng thời điểm này để tích cực quảng bá hình ảnh khi đang tham gia show.

Ngoài ra, nghệ sĩ dù "đối đầu" trực tiếp vẫn được lợi. Với say hi, không dễ gì những ngôi sao trẻ mới nổi lại "có đất dụng võ", được bộc lộ, giới thiệu con người và tài năng của mình. Còn với chông gai, các ngôi sao kỳ cựu xuất hiện trở lại chỉ mang mục đích làm mới bản thân trong mắt mọi người, thậm chí muốn gia đình, con cái tự hào về sự vượt lên chính mình. Chưa kể, mỗi nghệ sĩ đều có ekip riêng, tận dụng "sức nóng" của chương trình để giúp họ tiếp cận với nhiều đối tượng khán giả. 

DƯƠNG VŨ