Bà mẹ tay chân co giật, nhập viện cấp cứu vì dạy con làm bài tập hè

Tình huống của người mẹ này gây hoang mang dư luận.

Nghỉ hè là khoảng thời gian trẻ được vui chơi, nhưng bên cạnh đó nhiều bố mẹ cũng muốn dành thời gian để dạy con học, giúp bé chuẩn bị thật tốt cho hành trình bước vào năm học mới sắp tới. Tuy nhiên trong vấn đề dạy con học, không phải bố mẹ nào cũng có kinh nghiệm và bởi vì như thế nên họ chắc chắn sẽ đối diện với không ít khó khăn. Thậm chí, một số phụ huynh còn gặp bất ổn tâm lý và cảm xúc chỉ vì hướng dẫn mãi nhưng con không hiểu bài. Tiêu biểu như trường hợp của một bà mẹ ở Trung Quốc mới đây đã gây ra rất nhiều sự hoang mang cho dư luận.

Cụ thể theo truyền thông xứ Trung đưa tin, một người phụ nữ họ Từ ở trấn Nam Tường, quận Gia Định, Thượng Hải (Trung Quốc) đã nhập viện trong tình trạng tức ngực, khó thở, tê tay chân và co giật dữ dội. Được biết nguyên nhân dẫn đến hoàn cảnh này là do cô đã xảy ra mâu thuẫn với con trong lúc dạy đứa trẻ làm bài tập hè.

Theo chia sẻ, con trai cô Từ có thái độ không tốt và rất hay trì hoãn làm bài tập về nhà. Vì không tập trung nên cậu bé liên tục không hiểu bài dù cô Từ đã cố gắng kiên nhẫn, nhẹ nhàng hướng dẫn con từng chút một. Tuy nhiên trước thái độ học tập của cậu con trai, cô Từ đã không thể nào kiềm chế được cơn tức giận. Bởi vậy mới dẫn đến tình huống trên xảy ra. 

Sau khi khám, bác sĩ chẩn đoán cô mắc "hội chứng tăng thông khí", là tình trạng trong đó cơ thể bài tiết quá nhiều carbon dioxide do nhịp thở quá nhanh, từ đó làm tăng giá trị pH của máu. Tình trạng này thường thấy trong những trường hợp người bệnh cực kỳ lo lắng hoặc căng thẳng, và là biểu hiện sinh lý của phản ứng cơ thể trước những cảm xúc hưng phấn cực độ. 

Khi dây thần kinh hô hấp bị “kích động”, có thể gây ra tình trạng giảm thông khí và các triệu chứng như đau ngực, nhịp tim nhanh, sau đó sẽ bị tê ở tay và chân. Bác sĩ nhắc nhở, mặc dù bệnh này hầu như không phải là vấn đề nghiêm trọng nhưng khi trở nên thực sự nghiêm trọng thì nó vẫn có thể gây tử vong. May mắn thay, với sự hỗ trợ y tế kịp thời, các triệu chứng của cô Từ đã được kiểm soát.

Vụ việc đã làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội. Nhiều bậc phụ huynh bày tỏ sự đồng cảm với cô Từ vì họ cũng thấy bóng dáng của bản thân trong câu chuyện này. Trên thực tế, có rất nhiều ông bố bà mẹ phải chịu áp lực lớn trong chuyện dạy học ở nhà cho con. Họ không thể kiểm soát tốt được cảm xúc của mình, từ đó rơi vào những tình huống tiêu cực, không chỉ có hại cho chính bản thân mà còn cho các con.

Vậy bố mẹ phải làm gì khi trẻ chậm hiểu, thiếu tập trung, mau quên khi học bài?

Như đã kể ở trên dường như rất nhiều bậc phụ huynh gặp phải tình trạng khó khăn khi dạy kèm con học bài vì trẻ mất tập trung, không tự giác học bài hoặc chậm hiểu.

Trong trường hợp này, nhiều bậc cha mẹ nghĩ đến việc thuê gia sư cho con. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương, Giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, con không tập trung, học trước quên sau mà cha mẹ kèm con học, thuê gia sư là làm hỏng con. Cha mẹ không được quyền nhắc con học bài, làm bài tập, không dạy con hay thuê gia sư vì như vậy con sẽ hiểu việc học là việc của bố mẹ và gia sư.

Muốn con tự giác học bố mẹ phải dạy cho con đó là trách nhiệm của mình. Nếu con không làm bài tập thì trước khi đi ngủ nhắc con: "Con ơi, tối nay con không làm bài tập". Rồi cha mẹ cho con đi ngủ. Sáng hôm sau đưa con đi học bảo cô: "Cháu không làm bài tập, cô phạt đi". Lần sau con sẽ làm bài tập vì sợ cô phạt.

Có thể một vài lần con chưa quen, chưa sợ. Vì vậy bố mẹ cần lặp lại nhiều lần và nói khi con không còn sự lựa chọn "Bây giờ đi ngủ, không được học nữa". Nếu luôn nhắc nhở thì con sẽ ỷ lại đó là việc của bố mẹ, có bố mẹ nhắc cho và sẽ không quan tâm đến việc học.

Bên cạnh đó, không được mắng con điểm số. Con được điểm 10 hay điểm 1 cha mẹ nên giữ thái độ giống nhau vì đó là việc của con. Nếu không con sẽ sợ nói chuyện học với bố mẹ hoặc sẽ nói dối. Nên hỏi cô bài tập đó có thực sự khó không. Nếu khó thì không nên trách phạt vì đó là ngoài khả năng của con. Nhưng con chưa nghĩ mà đã buông bỏ, không nhắc được đề bài thì phải nhắc cô phạt nặng.

Về việc có nên cho trẻ chơi trò chơi rèn luyện tập trung cho con hay không, tiến sĩ Hương cho rằng, đó chỉ là hoạt động vui chơi giải trí chứ không phải trong lúc học. Ví dụ như con ngồi chơi xếp hình sẽ rất tập trung nhưng đến lúc học chán lại lơ là. Vậy điều khiến con tập trung là xác định đó là việc của mình. Làm nhanh thì được chơi, làm chậm thì cứ ngồi đó. Thêm nữa, trẻ con rất nhạy. Khi con kêu buồn ngủ trong lúc học, bố mẹ đồng ý cho con ngủ thì vô tình tạo nên thói quen cứ học là kiếm cớ buồn ngủ.

Bố mẹ cần phải nhúng tay khi nào? Đó là khi con có lượng bài tập tết, hè quá nhiều, con không biết phân bổ bài thế nào, ngồi cả ngày không xong thì bố mẹ giúp con chia nhỏ lượng bài theo ngày. Nên nhớ không trả lời khi con hỏi bài, vì con sẽ ỷ lại không chịu nghe lời cô mà về hỏi bố mẹ.

KIỀU TRANG