Bác sĩ cảnh báo những biến chứng nguy hiểm khi tự dùng thuốc giảm đau

Uống thuốc giảm đau không theo chỉ định của bác sĩ có thể gây ra những hậu quả khôn lường.

Suýt mất mạng do tự ý uống thuốc giảm đau

Theo Báo Phụ nữ đưa tin, bác sĩ Diêu Hà Lam - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Quận 2 (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ đã từng có những trường hợp vì uống thuốc giảm đau sai cách mà phải đi cấp cứu. Đối tượng bệnh nhân này thường là người lớn tuổi. Chính vì thế khi gặp những triệu chứng thiếu rõ ràng, họ không thể nhận biết vì nghĩ do tuổi già nên không khoẻ. Chỉ sau một thời gian sử dụng thuốc giảm đau lâu dài và gặp biến chứng nặng thì họ mới bắt đầu tìm bác sĩ.

Nhiều người tự lựa chọn thuốc giảm đau mà không thông qua ý kiến bác sĩ. Ảnh minh hoạ: Usada

Một trong những ca bệnh nặng nhất phải nhắc đến chính là cụ bà P.T.B. (76 tuổi, trú tại Q.2, TP. Hồ Chí Minh), được đưa đến viện vì ngất xỉu. Cụ thể, khi được bác sĩ thăm khám, dạ dày của cụ đã có vết trợt loét, rỉ máu. Theo lời bệnh nhân và người nhà chia sẻ, trước đó cụ B. xanh xao, ăn ít, đi phân đen suốt cả tuần. Sau khi nghi ngờ đây là kết quả của biến chứng từ một loại thuốc nào đó, bác sĩ điều tra bệnh sử và biết bệnh nhân đã tự ý uống thuốc giảm đau trong cả tháng trời do thường đau mỏi xương khớp.

Thuốc giảm đau có thể thành “độc dược” nếu kết hợp sai cách

Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cũng tiếp nhận một ca nguy kịch vì sử dụng thuốc giảm đau sai cách. Trường hợp được nói đến là bà N.T.S. (53 tuổi, quê quán Bến Tre). Nguyên nhân nhập viện là bởi bà có dấu hiệu nôn ra máu, đi phân đen. Khi bác sĩ hỏi về tiền sử sử dụng thuốc, bà S. cho biết bản thân đã từng sử dụng thuốc giảm đau vì bị bong gân ở mắt cá chân. Trong cùng thời điểm này, bà cũng đang dùng thuốc điều trị bệnh tim mạch (tăng huyết áp và rung nhĩ).

Được biết, khi mua thuốc giảm đau bà S. đã không thông báo rõ cho dược sĩ về tình trạng bệnh của mình và các loại thuốc đang sử dụng. Điều này càng cho thấy rằng việc trao đổi thông tin giữa bệnh nhân và bác sĩ là vô cùng quan trọng khi sử dụng thuốc. Nếu như bà tham vấn kỹ hơn để bác sĩ, dược sĩ kê đơn thuốc phù hợp thì đã không gặp phải tình trạng trên.

Thuốc giảm đau là con dao hai lưỡi

Việc tự ý kết hợp thuốc là điều không nên. Ảnh minh hoạ: Cronica

Theo dược sĩ Đặng Nguyễn Đoan Trang - Trưởng khoa Dược Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, thuốc giảm đau có thể được chia thành hai nhóm lớn. Nhóm thứ nhất là các loại thuốc giảm đau không kê đơn. Đây là những loại thuốc người bệnh có thể tự mua ở các nhà thuốc dưới sự tư vấn của dược sĩ mà không cần đơn của bác sĩ. Nhóm thuốc này rất hữu ích đối với những cơn đau ở mức độ nhẹ như đau đầu, đau răng, đau bụng kinh, viêm khớp…

Nhóm thứ hai là các loại thuốc có kê đơn, chữa đau mức độ nặng hơn và phải nhờ đến bác sĩ kê đơn. Trong nhóm thứ hai này có những loại thuốc giảm đau rất mạnh, sử dụng không đúng cách sẽ gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Do đó, để chắc chắn, bất kỳ loại thuốc nào khi sử dụng phải đều thông qua việc theo dõi, giám sát từ nhân viên y tế.

Một số thống kê trên thế giới đã cho thấy, tình trạng báo động cũng như những hậu quả khôn lường từ việc sử dụng không hợp lý thuốc giảm đau. Tại Anh, trong số các trường hợp nhập viện do tác dụng phụ của thuốc, số trường hợp liên quan đến thuốc giảm đau nhóm NSAID chiếm đến 30%. Tại Mỹ, Opioid là một trong bốn nhóm thuốc chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các nguyên nhân nhập cấp cứu liên quan đến sử dụng thuốc.