Tôi không ngờ bạn trai mới của mình lại phối hợp với con trai, lừa dối tôi.
Ảnh minh họa
Cách đây 6 năm, khi còn là cô sinh viên mới ra trường, tôi phải lòng chồng cũ - một người đàn ông mới đổ vỡ trong hôn nhân. Chúng tôi kết hôn và nhanh chóng có một cậu con trai đầu lòng sau đó không lâu. Thế nhưng khi con trai được 2 tuổi, tôi phát hiện chồng cũ vẫn lén lút qua lại với vợ đầu tiên của anh ta, thậm chí còn mua nhà cho cô ấy.
Tôi cảm thấy bị phản bội ghê gớm nên đưa ra cho anh ta tối hậu thư:
- Một là anh chia tay cô vợ cũ và quay về với hai mẹ con. Hai là anh cứ làm những điều anh thích với cô ta còn tôi sẽ một mình nuôi con.
Cuối cùng chồng cũ của tôi đã chọn phương án thứ 2. Quá uất hận, tôi chọn đơn phương ly hôn và nuôi con trai đồng thời cũng cắt đứt mối quan hệ với anh ta, không cho anh ta cũng như gia đình nhà nội gặp con trai như một cách trừng phạt những gì anh ta đã đối xử với tôi.
Thậm chí sau khi ly hôn với chồng cũ, tôi bắt đầu thân thiết với bạn thân của anh ta hơn để chồng cũ ghen nhưng tôi lại vô tình vướng vào lưới tình của người đàn ông mới này.
Tôi với người bạn thân này trước kia chỉ dừng lại ở mức chào hỏi xã giao nhưng sau khi biết chúng tôi ly hôn, người bạn thân đã chủ động liên lạc để chia sẻ buồn vui với tôi. Người bạn thân này lớn tuổi nhưng chưa một lần đò, chưa người yêu cũng chưa con cái. Anh thấu hiểu và đồng cảm với những khó khăn, tủi hờn của tôi nên thường xuyên qua lại rồi đặt vấn đề yêu đương với tôi.
Ảnh minh họa
Được con trai ủng hộ, tôi quyết định thử bắt đầu tình yêu với người bạn thân của chồng cũ, dọn về sống chung nhà còn chuyện cưới xin thì phải để tính sau. Thật may mắn, bạn thân của chồng cũ không chỉ yêu thương tôi mà còn quan tâm, chăm sóc cho con trai tôi vô điều kiện. Anh và đứa trẻ như những người bạn thân thiết, như hình với bóng cùng nhau học hành, vui chơi và đi du lịch. Chính vì thế tôi càng yên tâm hơn khi nghĩ rằng quyết định của mình không sai.
Vậy mà cả anh và đứa trẻ đã làm tôi thất vọng một lần nữa.
Theo đó, vì tôi và người yêu mới này sống chung nhà nên mỗi tối, bạn thân của chồng cũ đều nói sẽ dành 1 tiếng trước khi đi ngủ để sang phòng con trai trò chuyện, học bài hay tâm sự cùng cậu nhóc vì dù sao, đàn ông nói chuyện với nhau cũng dễ dàng hơn. Tôi thấy anh vô cùng tinh tế trong vấn đề này bởi tôi biết con trai cũng buồn và tủi thân nếu không có bố bên cạnh, được bù đắp bởi một người cha dượng thế này thì càng tốt.
Vậy nhưng số lần buổi tối trong tuần anh sang phòng con trai ngày một nhiều hơn, mỗi lần sang cũng lâu mãi không thấy về. Tôi tò mò không hiểu hai người đàn ông nói chuyện gì mà lại cuốn như thế.
Do đó một lần đã phải đích thân sang tìm hiểu và sự thật đã khiến tôi vô cùng tức giận. Nhìn qua khe cửa, cảnh tượng con trai dùng điện thoại của ba dượng để gọi điện cho bố đã khiến tôi chết sững. Hóa ra bạn thân chính là người kết nối giúp chồng cũ tôi liên lạc, trò chuyện với con trai mỗi ngày. Bảo sao chồng cũ không thèm năn nỉ tôi cho gặp con trai mà cậu nhóc cũng không mè nheo gì.
Quá tức giận vì hành động lén lút của cả hai, tôi lao vào giật lấy điện thoại tắt đi.
- Hai người đang làm chuyện gì vậy, tại sao anh lại giúp thằng bé liên lạc với bố nó, tại sao con lại làm việc này khi mẹ chưa cho phép?
Ảnh minh họa
Bạn trai lên tiếng:
- Anh xin lỗi nhưng nhìn đứa nhỏ, anh thương lắm, em bớt giận.
- Sao bớt được cơ chứ, anh biết là tôi hận người đàn ông đó như thế nào phải không? Việc này đã diễn ra bao nhiêu lần rồi, các người coi tôi là cái gì? Liệu đây có phải là lý do anh muốn tiếp cận tôi chăng?
- Em đừng hiểu lầm, mọi việc đều không như em nói, mối quan hệ giữa anh và em hoàn toàn khác với điều này. Chỉ là anh thấy thằng bé và bố của nó đều khao khát được nói chuyện với nhau nên anh giúp đỡ thôi. Anh hứa sẽ không tiếp tục làm việc này khi mà em không cho phép nữa.
Con trai tôi cũng bào chữa:
- Con xin lỗi mẹ, mẹ đừng trách chú, là con chủ động đòi chú làm thế và chú thương con nên đã giúp con nói chuyện với ba. Nhưng sự thật là con rất nhớ ba, con xin mẹ cho con được nói chuyện và gặp ba đi, một lúc thôi cũng được.
- Không đời nào, người đàn ông đó không xứng làm ba của con và không bao giờ mẹ cho phép ông ta được đến gần con và liên lạc với con một lần nào nữa. Đừng bao giờ nhắc lại việc này với mẹ.
Tôi bước ra khỏi phòng và nghe văng vẳng phía sau tiếng khóc nấc lên của đứa trẻ mà cũng có cảm giác tội lỗi. Tôi không biết việc mình làm có đúng hay không nữa?
Tâm sự từ độc giả hanhnguyen...
Vợ chồng ly hôn, đừng bao giờ biến những đứa trẻ trở thành công cụ của những cuộc cãi vã và trả thù. Bởi việc không được sống chung với bố và mẹ trong một gia đình đã là điều khiến trẻ bị thiệt thòi nhiều nên sự quan tâm và yêu thương đầy đủ từ cả bố và mẹ chính là điều may mắn nhất còn sót lại dành cho trẻ.
Chính vì thế, với mỗi cặp cha mẹ sau ly hôn cần phải đảm bảo đem đến điều kiện sống tốt nhất cho con.
1. Giao tiếp hiệu quả
Giao tiếp giữa các bậc phụ huynh sau ly hôn là yếu tố then chốt để đảm bảo trẻ cảm thấy an toàn và ổn định. Cha mẹ nên cố gắng thảo luận một cách tôn trọng và lịch sự, tránh những cuộc cãi vã có thể làm tổn thương cảm xúc của trẻ. Việc thiết lập một quy tắc giao tiếp rõ ràng, như là chỉ thảo luận về trẻ khi có mặt cả hai bên, có thể giúp giảm thiểu xung đột.
2. Đặt lợi ích của con lên hàng đầu
Một trong những điều quan trọng nhất mà cha mẹ cần nhớ là lợi ích của trẻ phải luôn được đặt lên hàng đầu. Điều này có nghĩa là các bậc phụ huynh cần phải gác lại những bất đồng cá nhân và tập trung vào việc làm sao để trẻ có thể phát triển một cách tốt nhất. Việc đồng ý về lịch trình thăm nom, giáo dục, và các hoạt động hàng ngày sẽ giúp trẻ cảm thấy được yêu thương và quan tâm, đồng thời giảm bớt căng thẳng trong gia đình.
3. Duy trì mối quan hệ tích cực
Trẻ em cần có cơ hội để duy trì mối quan hệ tích cực với cả hai cha mẹ. Điều này không chỉ giúp trẻ cảm thấy yêu thương mà còn giúp chúng hiểu rằng mặc dù cha mẹ không sống cùng nhau, nhưng tình yêu dành cho chúng vẫn không thay đổi. Cha mẹ có thể tổ chức những hoạt động chung với trẻ, như đi chơi, tham gia các sự kiện thể thao, hoặc đơn giản là dành thời gian trò chuyện. Những khoảnh khắc này rất quan trọng để xây dựng mối quan hệ bền chặt và ý nghĩa.
4. Hỗ trợ cảm xúc
Trẻ em cần không gian để bày tỏ cảm xúc của mình và nên được khuyến khích làm điều đó. Cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ cảm thấy thoải mái khi chia sẻ những lo lắng, sợ hãi hoặc bất an của chúng. Việc lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc của trẻ sẽ giúp chúng cảm thấy được hỗ trợ và giảm bớt nỗi đau mà chúng đang trải qua. Nếu cần thiết, việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý cũng có thể là một phương án tốt để hỗ trợ trẻ.
5. Thể hiện yêu thương một cách rõ ràng
Cuối cùng, sự thể hiện yêu thương từ cả hai phía cha mẹ là điều không thể thiếu. Những cử chỉ nhỏ như ôm, lời động viên hay những lời khen ngợi có thể mang lại cảm giác an toàn và hạnh phúc cho trẻ. Điều này giúp trẻ cảm thấy rằng mặc dù cuộc sống gia đình đã thay đổi, nhưng tình yêu từ cha mẹ vẫn là điều vững chắc và không thay đổi.