Cậu bé tiểu học bị mẹ đổ 3 chậu nước lên người, thay vì chỉ trích cộng đồng mạng lại tấm tắc khen ngợi

Cách dạy con của bà mẹ này khiến nhiều người nể phục.

Giáo dục con là hành trình dài, có gian nan, vất vả nhưng được thấy con khôn lớn trưởng thành mỗi ngày là niềm hạnh phúc của bố mẹ. Mỗi đứa trẻ có tính cách, tốc độ phát triển khác nhau, nên dĩ nhiên mỗi ông bố bà mẹ cũng sẽ có cách nuôi dạy con khác nhau để mang lại sự phù hợp và hiệu quả.

Gần đây, phương pháp giáo dục của một bà mẹ ở Chiết Giang (Trung Quốc) đã trở thành chủ đề nóng trên mạng. Theo Sohu, người mẹ đã để con mình đứng ở dưới sân nhà, sau đó bà đã đổ 3 chậu nước từ tầng 1 lên người con trai. Ban đầu khi chưa biết sự tình, nhiều người cảm thấy hoang mang, thậm chí còn phẫn nộ trước hành động của bà mẹ. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu toàn bộ vấn đề thì cộng đồng mạng đồng loạt dành lời khen cho cách dạy con của người mẹ này.

Cụ thể, chuyện bắt đầu khi cô giáo đã gọi điện và tố cáo lại tình huống trong giờ ra chơi ở trường học, con trai chị đã nghịch ngợm, đổ nước từ tầng 3 xuống khiến một bạn cùng lớp đang ở dưới sân trường bị ướt, không dừng lại ở đó, nhóc tỳ còn ném hộp sữa vào người bạn học. Sau đó, cậu bé đã giải thích rằng ở lớp ai cũng làm như thế và bản thân cảm thấy trò này rất vui.

Thấy con trai chưa nhận ra vấn đề, người mẹ thay vì la mắng hay dùng đòn roi thì đã sử dụng cách nuôi dạy ngược, để con được trực tiếp trải nghiệm làm “nạn nhân” của trò chơi này. Đó là lý do mà người mẹ đã tái hiện, bắt chước lại hành động của con trai, bằng cách đổ nước lên người đứa trẻ.

Sau khi bị mẹ làm như thế, cậu nhóc vừa mếu máo vừa phản kháng. Lúc này, người mẹ mới hỏi đứa trẻ: “Con thấy sao, con bảo trò này vui mà, giờ con đã hiểu cảm giác của các bạn ra sao khi bị con dội nước vào người chưa”, cho đến khi nghe con trai nhận lỗi, người mẹ mới hài lòng. 

Cách dạy con “độc lạ” so với số đông của người mẹ này đã nhận về nhiều đánh giá tích cực từ cõi mạng. Chỉ bằng cách này, cậu con trai mới có thể bước ra khỏi những sai lầm của bản thân, và bắt đầu rèn luyện để trở thành một phiên bản hoàn hảo hơn.

Nói đến phương pháp giáo dục của bà mẹ trên, có người xếp nó vào loại “giáo dục trải nghiệm”. Đúng như tên gọi, cách dạy con này của bố mẹ sẽ cho phép trẻ nhận ra lỗi lầm của mình thông qua trải nghiệm cá nhân. Ví dụ, nếu một số trẻ không vâng lời và đòi chạm vào lửa, bố mẹ chỉ cần cho trẻ chạm vào (tất nhiên là có sự kiểm soát của người lớn trong giới hạn phù hợp) để trẻ biết lửa nguy hiểm ra sao.

Hoặc, đôi khi trẻ không muốn đến trường thì cha mẹ chỉ cần chiều theo ý trẻ và cho bé ở nhà vài ngày. Kết quả là khi con thấy buồn chán, con sẽ tự giác muốn quay lại trường học. Trên thực tế, phương pháp này đôi khi hiệu quả nhưng nó cũng là “con dao hai lưỡi”.

Một mặt, nó cho phép trẻ hiểu và cảm nhận được hậu quả từ hành động của mình một cách trực quan hơn, để chúng có thể sẵn sàng sửa chữa lỗi lầm của mình. Mặt khác, nếu phương pháp giáo dục quá căng thẳng có thể để lại bóng tối tâm lý cho trẻ. Đặc biệt khi đứa trẻ còn nhỏ, và sức chịu đựng tâm lý còn hạn chế.

Đó là lý do mà bố mẹ hãy lưu ý 3 điều mà bố mẹ có thể nói với con khi con phạm lỗi:

Lời xin lỗi chưa giải quyết được vấn đề, quan trọng là cách khắc phục

Khi con mắc lỗi, nếu bạn chỉ buộc con phải xin lỗi, nó sẽ chưa đủ để dạy cho con bài học gì. Nó sẽ chỉ khiến con ngay lúc đó cảm thấy tức giận và xấu hổ khi phải thừa nhận mình sai. Thậm chí, một số đứa trẻ sẽ không hề cảm thấy hối hận lí do là bởi trẻ không hiểu được bản chất của vấn đề, không biết vì sao mình cần phải nói lời xin lỗi.

Khi ấy, câu “Xin lỗi” nói ra chỉ là hình thức và không thành thật. Nó chỉ là cách giúp trẻ dễ dàng thoát ra khỏi hậu quả từ hành động mà trẻ làm trước đấy.

Thay vào đó, bạn nên cho con mình thấy con đã làm sai điều gì và nó ảnh hưởng tới người khác như thế nào. Đồng thời, bố mẹ cũng chỉ ra cho con thấy con cần phải thay đổi hành vi để việc này không lặp lại nữa. Nếu con bạn làm tổn thương ai đó, hãy cố gắng giải thích cho hiểu hành động con làm là chưa đúng đắn để tự bản thân con cảm thấy mình cần phải làm một việc gì đó để “chuộc lỗi” với người mà mình vừa gây tổn thương.

Con bạn chắc chắn sẽ nhận được nhiều thứ tốt hơn là chỉ nói một lời xin lỗi. Thừa nhận hành động sai trái của mình có ý nghĩa hơn nhiều khi thực hiện bằng hành động và thay đổi trong nhận thức chứ không phải chỉ bằng một lời nói. Đồng thời, nó cũng khiến con không cảm thấy xấu hổ khi phải cúi đầu nhận lỗi. Lời xin lỗi không nhất thiết phải nói ra bằng lời, nó có thể thể hiện bằng một cái ôm hoặc một hành động tốt.

Giúp con có sự đồng cảm và xin lỗi đúng cách

Khi thấy con gây thương tích cho bạn, hãy nói với con về những gì đang xảy ra, người bạn kia cảm thấy như thế nào, chịu tổn thương ra sao. Bạn hãy giúp con đặt mình vào vị trí của người khác để cảm nhận.

Ví dụ con bạn đã làm đau tay một bạn khác, hãy nói với con rằng: “Con nhìn xem, con đã làm cho tay bạn bị bầm tím, bạn chắc chắn là rất đau đấy”. Thể hiện sự đồng cảm với người bị con làm tổn thương sẽ giúp trẻ nhận ra rằng mình nên hỏi thăm bạn có ổn không, có cần giúp đỡ gì không.

Sau khi giúp con cảm nhận được những tác hại từ việc mình làm và những gì mà bạn kia phải trải qua, hãy giúp con “dọn dẹp” lại những hỗn độn mà con tạo ra, sửa sai bằng hành động cụ thể như mua thuốc bôi, bông gạc, chườm đá… cho bạn… Cuối cùng, điều quan trọng là đảm bảo rằng con sẽ không được cư xử như thế về sau.

Những điều cần phải có trong một lời xin lỗi trung thực

Đừng chỉ nói một câu “Xin lỗi” cộc lốc, hãy dạy con lời xin lỗi cần phải có sự chân thành. Cha mẹ cần phân tích để con hiểu bản chất của vấn đề và để lời xin lỗi của con sẽ có đủ những yếu tố:

- Nói rằng “Tôi thấy tiếc vì đã làm như vậy…”: Câu nói này giúp con bạn hiểu và thừa nhận những gì mình làm trước đó là sai và khiến đối phương buồn.

- “Việc làm của tôi là sai bởi vì…”: Con bạn có cái nhìn từ quan điểm của người khác, khách quan hơn, thay vì suy nghĩ chủ quan từ phía trẻ. Hiểu được cảm xúc và suy nghĩ của người khác sẽ thay đổi cách cư xử và ngăn chúng không lặp lại sai lầm trong tương lai.

- "Trong tương lai tôi sẽ…": Điều quan trọng với người bị gây tổn thương là việc họ sẽ không phải trải qua việc đó thêm một lần nào nữa. Vì vậy, họ sẽ cảm thấy tốt hơn nếu con bạn hứa rằng chúng sẽ cư xử đúng đắn vào lần tới, ví dụ như việc không tự ý lấy đồ chơi của bạn chẳng hạn.

- “Bạn sẽ tha thứ cho tôi chứ”: Mặc dù không có gì đảm bảo rằng con bạn sẽ được tha thứ nhưng chúng ta vẫn nên cố gắng xin sự tha thứ. Nó sẽ có thấy rằng con bạn có động thái muốn khôi phục lại tình bạn với người mà con làm tổn thương và cho cả hai thêm cơ hội để làm bạn một lần nữa.

KIỀU TRANG