Nam sinh biết bị lợi dụng vẫn mang tiền cung phụng bạn gái, bác sĩ tiết lộ do rối loạn nhân cách phụ thuộc

CTV
Khát khao được yêu thương, thậm chí sẵn sàng chu cấp tiền cho người yêu, để rồi khi bị chia tay, nam thanh niên khóc lóc, hoảng loạn đến mức phải đi gặp bác sĩ trị liệu tâm lý.

Cung phụ, chu cấp cho bạn gái hết mực vẫn bị chia tay

Hoàng Nhật Nam, 20 tuổi, đang là sinh viên năm nhất ở Thái Nguyên. Gia đình Nam có điều kiện về kinh tế, nhưng do bố mẹ mải làm ăn, ít quan tâm tới con nên từ nhỏ Nam luôn khát khao được yêu thương.

Năm học lớp 10, Nam yêu một cô gái hơn mình một tuổi. Sau khi tốt nghiệp THPT, bạn gái tới Hà Nội học, còn Nam  theo học ở quê nhà. Nam thường xuyên tới thăm người yêu và cùng đi ăn, xem phim... Tất cả chi phí nam sinh này đều lo hết.

Từ cuối năm 2023, Nam nhận ra bạn gái có sự thay đổi, nhất là việc thường xuyên xin tiền người yêu. “Trước kia hai đứa đi chơi, chỉ 20-30.000 là vui rồi. Giờ mỗi lần gặp nhau phải hết tiền triệu. Rồi cô ấy còn đòi tiền mặt nữa. Đến giờ em cũng chẳng nhớ mình đã chuyển bao nhiêu tiền cho người yêu. Khi có tiền thái độ người yêu khác hẳn, còn những lúc không có tiền thì cái nắm tay cũng rất khó”, Nam chia sẻ.

Chàng thanh niên cảm thấy bị lợi dụng nhưng vẫn chấp nhận vì cần sự quan tâm, muốn được yêu thương, thậm chí là cả sự che chở từ bạn gái.

Khi bị bạn gái chia tay, Nam vẫn muốn níu kéo dù biết mình từng bị lợi dụng. Ảnh minh họa. 

Gần đây, khi thấy thái độ bạn gái ngày càng bất thường, Nam có hỏi nhưng người yêu không thừa nhận. Thật ra, nam sinh đã biết hết mọi sự tình nhưng vẫn cố chấp nhận. “Khi đi chơi, bạn gái ngồi sau xe không hề ôm em như trước, mà nhắn tin cho người khác, rồi cười khúc khích. Với một người vừa nhắn tin, vừa cười thì chỉ có thể là nhắn cho bạn hoặc người tình. Trong khi người yêu em ít bạn lắm, cũng đều là bạn chung của cả hai đứa, nên em biết đó là "người mới”, Nam chia sẻ.

Cách đây 3 tháng, cô gái này quyết tâm chia tay Nam để theo người mới. Dù đã nghĩ tới tình huống này, chàng trai vẫn cảm thấy hụt hẫng và muốn níu kéo. Bao viễn cảnh tươi đẹp về tương lai đều tan biến, đầu tư nhiều nhưng lại bị phản bội. Càng suy nghĩ, Nam càng chán nản, rồi rơi vào trạng thái hoảng loạn, khóc nhiều, thậm chí là tự hại và tự làm đau bản thân.

Khi trạng thái hoảng loạn lên đến đỉnh điểm, ảnh hưởng đến cuộc sống và học tập, Nam được giới thiệu tới Ths.BS Nguyễn Hồng Bách, giám đốc Viện Tâm lý học và Truyền thông (Hội Tâm lý Việt Nam) để được tư vấn và trị liệu. Bác sĩ Bách cho biết, qua những chia sẻ và test tâm lý chuyên môn, nam sinh này được chẩn đoán bị rối loạn nhân cách phụ thuộc. “Rối loạn này hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm được, quan trọng cần có sự hợp tác, kiên trì của người mắc hội chứng, cũng như sự kết hợp từ phía gia đình", bác sĩ Bách cho hay.

Bác sĩ Bách cho biết, rối loạn nhân cách phụ thuộc hoàn toàn có thể điều trị khỏi. 

Rối loạn thường gặp trong chuyện tình cảm, yêu đương

Bác sĩ Bách cho biết, rối loạn nhân cách phụ thuộc được đặc trưng bởi một nhu cầu toàn thể, quá mức về việc cần được chăm sóc, dẫn đến hành vi phục tùng và bám víu. Rối loạn này được thể hiện rõ nét nhất trong khía cạnh tình cảm, yêu đương. Hoặc cũng có thể gặp ở những cá nhân có một quá khứ bị phụ bạc, bị đối xử không công bằng, luôn khát khao được chăm sóc…

Ví dụ như trường hợp trên, từ nhỏ đã khát khao được yêu thương nhưng không được đáp ứng. Khi có bạn gái, họ sẽ làm tất cả vì yêu, phụ thuộc vào tình yêu và luôn khát khao được chăm sóc. Vì thế, họ không chịu được cú sốc chia tay, cố níu kéo dù bị phản bội, từ đó ảnh hưởng đến tâm lý, hoảng loạn đến mức tự hại bản thân.

Theo bác sĩ Bách, rối loạn này nếu không được can thiệp sẽ biến chuyển theo hai xu hướng, đó là rối loạn phụ thuộc hoặc rối loạn đa nhân cách bạo lực chiếm hữu. Cụ thể, có trường hợp sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào người khác, làm bất kể điều gì được sai khiến. Ngược lại, có người sẽ dùng mọi cách trong, kể cả bạo lực, để chiếm hữu và sở hữu, bất chấp việc vi phạm pháp luật.

"Khi mắc rối loạn này, nếu thể nhẹ có thể hoàn toàn điều trị dứt điểm được bằng các liệu pháp tâm lý lâm sàng. Khi tiến triển nặng, dẫn đến rối loạn lưỡng cực, mất kiểm soát cảm xúc thì chắc chắn phải can thiệp bằng thuốc”, bác sĩ Bách cho hay.

Trường hợp bị rối loạn nhân cách phụ thuộc nhưng tìm mọi cách để chiếm hữu sẽ rất dễ vi phạm pháp luật. Ảnh minh họa. 

Những biểu hiện của rối loạn nhân cách phụ thuộc

Ngoài chuyện tình cảm, rối loạn nhân cách phụ thuộc cũng có thể gặp ở nhiều lĩnh vực như cuộc sống, gia đình, công việc,… Một người nghi ngờ bị rối loạn nhân cách, cần đi khám tâm lý thường có các biểu hiện như:

- Hầu hết các hoạt động, công việc quan trọng trong cuộc sống đều cần có sự hướng dẫn, chỉ đạo của người khác.

- Luôn cảm thấy khó khăn và không thể đưa ra lựa chọn, quyết định cho những sự việc diễn ra hàng ngày nếu không có sự góp ý, lời khuyên từ người khác.

- Họ khó có thể biểu hiện được sự phản đối, không hài lòng đối với người khác vì sợ bị mất đi người hỗ trợ, giúp đỡ.

- Mất rất nhiều thời gian để có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ người khác để thực hiện một công việc mà họ không hứng thú, yêu thích.

- Không tự tin vào khả năng của bản thân nên khó có thể tự bắt đầu để thực hiện bất cứ việc gì, mặc dù việc đó nằm trong khả năng của bản thân.

Người bị rối loạn nhân cách phụ thuộc luôn tìm cách bấu víu, muốn được người khác che chở. Ảnh minh họa. 

- Khi các mối quan hệ với người thân bị rạn nứt và kết thúc sẽ nhanh chóng tìm kiếm một sự giúp đỡ từ những người khác.

- Luôn cảm thấy lo lắng, bất an và hoảng sợ khi phải ở một mình vì họ cảm thấy không có ai chăm sóc và giúp đỡ.

- Dễ bị tổn thương, tủi thân vì những lời từ chối nhỏ.

- Sợ hãi và mang nỗi ám ảnh lớn về việc bị người khác bỏ rơi, luôn cảm thấy bản thân bị cô lập.

- Luôn suy nghĩ và bận tâm về việc không có ai chăm sóc và lo lắng cho mình.

Những người bệnh rối loạn nhân cách phụ thuộc thường luôn đưa ra yêu cầu về sự trấn an, quan tâm của người khác. Đồng thời họ cũng có thể gây nên những hành vi làm tổn thương bản thân hoặc những người bệnh cạnh khi các mối quan hệ hiện tại bị chấm dứt.

Rối loạn nhân cách thường nhầm lẫn với rối loạn lo âu, trầm cảm. Để phân biệt, mọi người cần chú ý khi xuất hiện các triệu chứng trên khiến cho người bệnh trở nên kém linh hoạt, các chức năng sống bị suy giảm đáng kể và khiến họ cảm thấy đau khổ thì có thể đang bị rối loạn nhân cách phụ thuộc.

* Tên và quê quán bệnh nhân đã được thay đổi