Cởi bỏ áo cầu thủ trên sân cỏ, Quang Hải về nhà liền vào vai bố bỉm, tích cực phụ vợ chăm quý tử

Khoảnh khắc chàng cầu thủ ĐTQG đưa con trai Lido đi tiêm khiến dân tình xuýt xoa.

Trên hành trình khôn lớn của con, vai trò của bố và mẹ đều có tầm ảnh hưởng và quan trọng như nhau. Thiếu đi sự hiện diện của một trong hai người sẽ là thiệt thòi lớn với trẻ, thậm chí còn khiến cho sự phát triển của con không đạt được mức toàn diện nhất. Có lẽ vì hiểu rõ điều đó, nên dù bận trăm công nghìn việc, nhiều bố mẹ vẫn cố gắng tranh thủ thời gian bên con. Vợ chồng chàng cầu thủ ĐTQG Quang Hải vẫn đang làm rất tốt việc này.

Sau khoảng thời gian dài vắng nhà, vì phải dồn toàn tâm toàn sức cho thi đấu, để rồi mang về vinh quang cho nước nhà khi dành chức vô địch giải AFF Cup 2024, cầu thủ Quang Hải lập tức cởi bỏ lớp áo cầu thủ thường thấy trên sân cỏ để vào vai bố bỉm, hỗ trợ bà xã hot girl Chu Thanh Huyền chăm cậu quý tử Lido.

Mới đây, đoạn video Quang Hải “hộ tống” đưa con trai đi tiêm ở bệnh viện được Chu Thanh Huyền đăng tải trên trang cá nhân đã thu hút lượng tương tác lớn từ cộng đồng mạng. Khoảnh khắc hai bố con cùng chung một khung hình khiến nhiều người thích thú, không ngừng xuýt xoa. Không chỉ có bố Quang Hải, Lido còn có sự đồng hành của cả bà nội. 

Được nghỉ phép về nhà với vợ con, Quang Hải rất tích cực phụ vợ trông Lido. Chu Thanh Huyền tiết lộ, con trai rất hào hứng khi được chơi với bố, mỗi lần thấy bố là lại cười tít cả mắt. Dù là lần đầu tiên làm bố, nhưng có thể thấy Quang Hải đã luôn nỗ lực để có thể hoàn thành tốt trách nhiệm của mình. Nhờ vậy mà chàng cầu thủ càng ngày càng được nhiều khán giả yêu quý.

Nhận được sự chăm sóc, yêu thương và quan tâm đủ đầy từ cả bố và mẹ, bảo sao cậu nhóc Lido càng lớn càng “trộm vía” đáng yêu, hoạt bát và ngoan ngoãn khiến ai nhìn cũng muốn cưng nựng.

Như đã nói ở trên, sự đồng hành, hiện diện của bố trong quá trình chăm sóc và nuôi dạy con từ tấm bé quan trọng không kém mẹ, vì nó sẽ mang lại nhiều lợi ích bất ngờ sau mà người mẹ không thể nào thay thế được:

1. Tình cảm và sự gắn bó

Sự hiện diện của bố không chỉ đơn thuần là vai trò của một người nuôi dưỡng mà còn là nguồn cảm hứng và tình yêu thương. Khi bố tham gia vào các hoạt động chăm sóc con, như chơi đùa, đọc sách hay đơn giản là dành thời gian bên nhau, điều này giúp trẻ cảm thấy an toàn và được yêu thương. Mối liên kết tình cảm này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành sự tự tin ở trẻ, giúp trẻ dám thể hiện bản thân và khám phá thế giới xung quanh. Một nghiên cứu cho thấy trẻ em có sự gắn bó chặt chẽ với cả cha và mẹ thường có xu hướng có sức khỏe tâm lý tốt hơn trong suốt cuộc đời.

2. Mô hình vai trò

Bố là một hình mẫu quan trọng trong cuộc sống của trẻ, đặc biệt trong việc hình thành các giá trị, thái độ và kỹ năng sống. Trẻ em thường học hỏi từ hành vi và cách cư xử của cha, từ những điều nhỏ nhặt như cách xử lý xung đột đến cách thể hiện cảm xúc. Sự hiện diện của bố giúp trẻ hiểu rõ hơn về các khía cạnh của cuộc sống, như sự kiên nhẫn, trách nhiệm, và cách giao tiếp hiệu quả. Khi trẻ thấy bố thể hiện những phẩm chất tích cực, chúng sẽ học theo và áp dụng vào cuộc sống của mình, từ đó phát triển nhân cách mạnh mẽ và tích cực.

3. Định hình giới tính

Sự tham gia của bố trong việc nuôi dạy trẻ không chỉ giúp trẻ hình thành nhận thức về giới tính mà còn về sự bình đẳng trong gia đình. Khi trẻ thấy cha mình cùng tham gia vào việc chăm sóc và giáo dục, chúng sẽ nhận thức rằng trách nhiệm nuôi dạy không chỉ thuộc về mẹ mà còn là nhiệm vụ của cả hai phụ huynh. Điều này không chỉ giúp trẻ phát triển cái nhìn tích cực về sự bình đẳng giới mà còn giúp trẻ học cách tôn trọng và hợp tác với người khác, bất kể giới tính. Việc này đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách và thái độ của trẻ đối với các mối quan hệ xã hội trong tương lai.

4. Khả năng phát triển toàn diện

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em có sự tham gia tích cực của cha trong việc nuôi dạy có xu hướng phát triển toàn diện hơn. Chúng thường có khả năng học hỏi tốt hơn, tự tin hơn trong giao tiếp và có kỹ năng xã hội phát triển hơn so với trẻ không có sự hiện diện của bố. Sự đa dạng trong cách nuôi dạy, từ sự nghiêm khắc của mẹ đến sự vui vẻ và tự do của bố, giúp trẻ phát triển kỹ năng linh hoạt và khả năng thích ứng với nhiều tình huống khác nhau. Sự hiện diện của bố cũng giúp trẻ học hỏi cách thể hiện cảm xúc và xử lý các mối quan hệ, từ đó tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển cá nhân và xã hội.

KIỀU TRANG