Con dậy thì sớm, bố đổ lỗi do mẹ nhưng chuyên gia chỉ ra 4 yếu tố này mới là "thủ phạm"

CTV
Dậy thì sớm luôn là vấn đề phụ huynh đặc biệt quan tâm nhưng nhiều người còn chưa hiểu rõ, đặc biệt là nguyên nhân gây bệnh.

Đi khám dinh dưỡng phát hiện con dậy thì sớm

TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết tình trạng trẻ dậy thì sớm đang gia tăng nhanh qua từng năm. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), so với 10 năm trước, số trẻ dậy thì sớm đã tăng gần 35 lần. Độ tuổi dậy thì của trẻ đang ngày càng rút ngắn, 2-3 năm với bé gái, 1-2 năm với bé trai.

Qua thực tế thăm khám, bác sĩ Sơn cho biết, đa số các trẻ dậy thì sớm thường đi kèm với tình trạng thừa cân, béo phì do có chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh. Điều đáng buồn là nhiều phụ huynh lại không nhận ra điều đó.

Hai vợ chồng chị Trần Hồng Nhung (35 tuổi, ở Hà Nội) đưa con gái 7 tuổi 9 tháng đến khám dinh dưỡng vì có tình trạng thừa cân, béo phì. Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm, chụp chiếu xương cổ tay, bàn tay của trẻ để kiểm tra sự trưởng thành xương so với tuổi, các bác sĩ chẩn đoán bé bị dậy thì sớm, đồng thời tư vấn gia đình nên đi khám chuyên sâu về nội tiết để các bác sĩ có hướng dẫn hoặc can thiệp kỹ hơn.

Rất nhiều phụ huynh bàng hoàng khi bác sĩ thông báo con bị dậy thì sớm. Ảnh: Lê Phương. 

Khi nhận được kết luận từ bác sĩ, vợ chồng chị Hồng Nhung vô cùng bàng hoàng, cả hai không nghĩ con gái nhỏ tuổi vậy mà đã dậy thì. Thậm chí, người mẹ còn thắc mắc: “Con gái chưa có kinh nguyệt, chưa thể dậy thì được”. Còn chồng chị Nhung liên tục quay sang quở trách vợ và cho rằng con dậy thì sớm là do theo gen di truyền từ mẹ. “Hồi trước, vợ tôi 12-13 tuổi đã lớn phổng phao như thiếu nữ 16-17 tuổi rồi, chắc con tôi theo gen mẹ dậy thì sớm”, chồng chị Nhung nói.

Tuy nhiên, khi hỏi về chế độ ăn uống, sinh hoạt thì các bác sĩ nhận định nguyên nhân con chị Nhung dậy thì sớm nhiều khả năng là do chế độ ăn uống không lành mạnh, lười vận động… Theo chia sẻ của gia đình, từ nhỏ bé gái này đã thích đồ ăn nhanh, cháu có thể uống một hơi hết chai nước ngọt 330ml. Ngoài ra, do bố mẹ bận công việc nên ngoài thời gian đi học, cháu thường xuyên làm bạn với tivi, điện thoại, rất ít vận động thể thao.

“Việc trẻ ít không gian vui chơi, không hoạt động thể lực, kèm với đó là “làm bạn” với máy tính, điện thoại nhiều, ăn đồ ăn nhanh, uống nước ngọt… Tất cả những yếu tố này tác động đến trẻ làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì và dậy thì sớm”, bác sĩ Trương Hồng Sơn cho hay.

Dinh dưỡng tác động rất nhiều đến dậy thì sớm

TS.BS Trương Hồng Sơn cho biết, dậy thì sớm có liên quan đến vấn đề nội tiết, di truyền… Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại phụ huynh cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng. Theo bác sĩ Sơn, dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển ở tuổi dậy thì.

Chế độ ăn uống, dinh dưỡng ảnh hưởng rất nhiều đến việc dậy thì sớm của trẻ. Ảnh minh họa. 

Bác sĩ Sơn phân tích cụ thể các yếu tố ảnh hưởng như sau:

- Ảnh hưởng của protein và dậy thì sớm: Nghiên cứu chỉ ra rằng khẩu phần ăn với lượng protein động vật quá cao trong thời thơ ấu có thể liên quan đến việc bắt đầu dậy thì sớm hơn do protein động vật làm tăng tiết hormone tăng trưởng IGF-1 có liên quan đến dậy thì sớm.

- Ảnh hưởng của chất béo và dậy thì sớm: Chế độ ăn nhiều chất béo, ít chất xơ sẽ thúc đẩy sự phát triển của một số vi khuẩn chuyển đổi axit mật thành hormone sinh dục qua đó ảnh hưởng đến giai đoạn dậy thì của trẻ

- Tiêu thụ đồ uống có đường: Nghiên cứu cho thấy trẻ gái 9-14 tuổi tiêu thụ >1.5 khẩu phần đồ uống có đường mỗi ngày có kinh nguyệt sớm hơn 24% so với trẻ chỉ tiêu thụ <2 phần đồ uống có đường hàng tuần. Mối liên quan này không nhất thiết phải do đường mà có thể liên quan đến các hợp chất khác có trong những đồ uống này, bao gồm cả caffeine.

- Ảnh hưởng của vi chất: Các nghiên cứu gần đây cho thấy tình trạng vitamin D có liên quan đến thời điểm dậy thì: sự thiếu hụt vitamin D gặp nhiều hơn ở trẻ dậy thì sớm so với trẻ có tuổi dậy thì bình thường.

“Khi trẻ bị dậy thì sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phát triển, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như tim mạch, ung thư, cao huyết áp, buồng trứng đa nang. Ngoài ra, còn gặp những vấn đề xã hội như dễ bị lạm dụng tình dục, mang thai ngoài y muốn, ảnh hưởng đến học tập…”, bác sĩ Sơn cảnh báo.

Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý và thường xuyên vận động để hạn chế tình trạng trẻ dậy thì sớm. Ảnh minh họa. 

Để hạn chế tình trạng dậy thì sớm, bác sĩ Sơn đưa ra một số giải pháp:

- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Chế độ ăn phong phú, đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu rau củ quả, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích,... hay những thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo và có hàm lượng đường cao.

Việc tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu quercitin cũng góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của estrogen ngoại lai. Quercitin có nhiều trong các loại quả họ cam chanh bưởi, táo, nho đỏ, hành tây đỏ, cà chua, bông cải xanh và các loại rau xanh, trà xanh và trà đen

- Tăng cường vận động: Nên khuyến khích trẻ tập luyện thể dục ít nhất là 30 phút mỗi ngày và chơi thể thao.

- Hạn chế cho tiếp xúc với estrogen và testosteron: Phụ huynh cần lưu ý khi cho trẻ sử dụng sản phẩm kem, thuốc có thành phần liên quan đến hormone sinh dục, tránh đồ có BPA, phtalate (đồ nhựa có tam giác tái chế số 7 và số 3).

- Hạn chế bật đèn khi ngủ, vì sẽ làm giảm bài tiết melatonin trong tuyến yên - hormone ức chế giải phóng gonadotropin tuyến yên và ngăn ngừa dậy thì sớm.

Cuối cùng cần đi khám và tư vấn sớm nếu có các dấu hiệu của dậy thì sớm ở cả trẻ nam và nữ.

Theo TS Trương Hồng Sơn, trẻ được coi là dậy thì sớm khi bắt đầu dậy thì trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. Một số dấu hiệu phát hiện trẻ dậy thì sớm bao gồm:

- Ở bé gái: Cân nặng và chiều cao tăng nhanh, ngực phát triển, mọc lông mu hoặc lông nách, thay đổi cơ quan sinh dục ngoài, bắt đầu có kinh nguyệt.

- Ở bé trai: Trẻ phát triển cân nặng và chiều cao nhanh chóng, tinh hoàn hoặc dương vật to lên, xuất hiện lông mu hoặc lông nách, nổi mụn trứng cá, giọng trầm đi.