Con trai lấy điện thoại của mẹ nhắn tin với phụ huynh của bạn cùng lớp, nội dung cuộc nói chuyện khiến mẹ sốc

Người mẹ vô tình biết được sự việc khi kiểm tra điện thoại của mình.

Trẻ nhỏ không tránh được việc mắc sai lầm nhưng cách trẻ đối diện và chịu trách nhiệm với sai lầm của mình như thế nào mới là điều quan trọng.

Ảnh minh họa

Mới đây, một tài khoản mạng xã hội chia sẻ câu chuyện xảy đến với một cậu học sinh lớp 6 đã thu hút sự chú ý của nhiều người.

Theo chia sẻ của người này, trong một lần kiểm tra điện thoại, bà vô tình phát hiện ra việc con trai đã âm thầm sử dụng tài khoản của mình để liên lạc với phụ huynh bạn học cùng lớp. Cuộc trò chuyện xoay quanh việc cậu bé thừa nhận bản thân đã làm vỡ kính của bạn ở lớp học nên gửi lời xin lỗi, đồng thời hứa đền bù cho người bạn.

Điều đáng bàn chính là cách đáp trả của người phụ huynh kia đã khiến người mẹ khá bất ngờ, bày tỏ sự khâm phục.

Người này viết:

"Hôm trước vô tình tìm địa chỉ liên lạc trong zalo cậu con trai lớp 6 và bắt được đoạn chat này các bác ạ.

Mẹ hỏi lại vì sao không thấy kể với mẹ thì anh chàng ngớ ra rồi À... và nhớ lại rằng:

- Con không kể vì hôm ấy mẹ bệnh nên nằm riêng trong phòng ho khụ khụ nên con mở máy tính mẹ để lấy danh sách số điện thoại của các bác phụ huynh rồi còn nhắn cho mẹ bạn. Con định là sẽ lấy tiền trong quỹ tiết kiệm của con để đền cho bạn, nếu thiếu thì xin mẹ. Nhưng mẹ bạn không lấy dù con đã năn nỉ xin được trả nên về sau con cũng quên mất không kể lại  .

Cảm ơn bác phụ huynh đã cư xử hiền hòa và bao dung. Cảm ơn con trai vì đã cư xử rất văn minh, có trách nhiệm và thành thật. Bởi sai không đáng sợ, quan trọng chính là thái độ và trách nhiệm sau khi xảy ra mọi việc.

Cảm ơn vì con đang lớn dần".

Ảnh Giun Dat

Theo đó, bậc phụ huynh không một câu trách mắng cậu nhóc cũng không bắt cậu bé phải đền tiền mua kính mới cho con họ, thay vào đó còn cảm ơn vì bé trai đã rất thành thật.

Được biết, đây là một câu chuyện có thật được bà mẹ có tài khoản mạng xã hội Giun Dat (Hà Nội) chia sẻ cách đây khá lâu nhưng khi được đăng tải lại vẫn tạo nên cơn "sốt mạng".

Sau khi câu chuyện được chia sẻ, rất nhiều người cũng dành lời khen ngợi cho cả em học sinh lẫn phụ huynh. Bởi cách thể hiện của đứa trẻ cho thấy được sự giáo dục tốt của bố mẹ và cách xử trí của người phụ huynh cũng rất đáng khen ngợi.

- Đứa trẻ ngoan thật sự. Nhiều người mượn đồ làm hỏng hay mất còn chỉ cười cho qua.

- Con chắc chắn trở thành người tử tế và có trách nhiệm. Quá đáng yêu.

- Dạy được đứa con mát lòng mát dạ, mong là trưởng thành cháu sẽ là chính mình, công dân tốt có trách nhiệm.

- Đấy, phải như vậy chứ? Có gan làm, có gan chịu, nhận trách nhiệm chứ? Thật đáng yêu!

- Dạy được đứa trẻ như thế này không hề dễ dàng. Ai làm cha mẹ rồi mới hiểu, 1 đứa trẻ không tự dưng "ngoan".

Thực tế, trong quá trình phát triển của trẻ không thể tránh khỏi việc mắc sai lầm. Đây là một phần tự nhiên của quá trình học hỏi và trưởng thành. Tuy nhiên, cách trẻ đối diện và chịu trách nhiệm với sai lầm của mình lại là điều rất quan trọng. Bố mẹ có vai trò quyết định trong việc hướng dẫn trẻ nhận biết và sửa chữa những lỗi lầm của mình.

1. Tạo môi trường an toàn

Để trẻ cảm thấy thoải mái khi mắc lỗi, điều đầu tiên bố mẹ cần làm là tạo ra một môi trường an toàn. Trẻ cần biết rằng việc mắc sai lầm không phải là điều xấu và sẽ không bị phạt hay chỉ trích quá mức. Một không gian như vậy giúp trẻ dần dần hình thành sự tự tin trong việc thừa nhận lỗi của mình.

2. Khuyến khích trẻ nhận lỗi

Khi trẻ mắc sai lầm, hãy khuyến khích trẻ tự nhận diện lỗi thay vì chỉ ra lỗi cho trẻ. Bạn có thể hỏi: "Con nghĩ điều gì đã xảy ra?" hoặc "Con cảm thấy thế nào về việc này?" Những câu hỏi này giúp trẻ tự suy nghĩ và phân tích tình huống. Việc này không chỉ giúp trẻ nhận ra lỗi, mà còn phát triển khả năng tư duy phản biện.

3. Dạy trẻ cách xin lỗi

Xin lỗi là một phần quan trọng trong việc nhận trách nhiệm. Bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ cách xin lỗi một cách chân thành. Hãy giải thích rằng lời xin lỗi không chỉ là một câu nói, mà còn là một hành động thể hiện sự cảm thông và tôn trọng người khác. Bạn có thể đưa ra ví dụ cụ thể hoặc mô phỏng tình huống để trẻ dễ hiểu hơn.

4. Hướng dẫn trẻ cách sửa lỗi

Sau khi nhận lỗi, bước tiếp theo là sửa chữa. Bố mẹ nên hướng dẫn trẻ tìm ra các cách để khắc phục sai lầm. Ví dụ, nếu trẻ làm hỏng đồ chơi của bạn bè, hãy cùng trẻ nghĩ ra cách để sửa chữa hoặc bù đắp cho bạn. Điều này không chỉ giúp trẻ hiểu rằng mọi sai lầm đều có thể được sửa chữa, mà còn dạy trẻ tính trách nhiệm và sự đồng cảm.

5. Khuyến khích tinh thần học hỏi

Cuối cùng, hãy nhấn mạnh với trẻ rằng mỗi sai lầm là một bài học quý giá. Trẻ nên được khuyến khích suy ngẫm về những gì đã xảy ra và tìm hiểu cách tránh những sai lầm tương tự trong tương lai. Bạn có thể cùng trẻ ghi chú lại những bài học rút ra sau mỗi sự cố để trẻ dễ nhớ và áp dụng.

CHI CHI