Lệnh trừng phạt Nga “không có tác động tiêu cực như EU mong đợi”

Theo ước tính của Phần Lan, 13 gói trừng phạt chỉ giới hạn 49% hàng xuất khẩu của châu Âu sang Nga và 58% hàng nhập khẩu của các nước EU từ Nga.

Các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga không có tác động tiêu cực như mong đợi, và các nước EU tiếp tục giao thương với Nga trong nhiều lĩnh vực, hãng thông tấn nhà nước TASS dẫn nguồn cổng thông tin EUobserver cho biết.

Theo ước tính của Phần Lan được cổng thông tin điện tử trích dẫn, 13 gói trừng phạt chỉ giới hạn 49% hàng xuất khẩu của châu Âu sang Nga và 58% hàng nhập khẩu của các nước EU từ Nga.

Theo cổng thông tin độc lập chuyên đưa tin về EU, kim ngạch thương mại về năng lượng, kim loại, máy móc và hóa chất hiện là 89 tỷ Euro mỗi năm, và trong lĩnh vực dịch vụ là 17 tỷ Euro mỗi năm. EUobserver cũng trích dẫn dữ liệu của Đại học Yale (ở New Haven, Connecticut, Mỹ), theo đó, 63 công ty Đức tiếp tục hoạt động tại Nga.

Thế giới - Lệnh trừng phạt Nga “không có tác động tiêu cực như EU mong đợi”

Gói trừng phạt thứ 14 của Brussels áp đặt lên Moscow bao gồm lệnh cấm tái xuất LNG của Nga qua các cảng của EU. Ảnh: EurActiv

Trước đó, hôm 20/6, các đại diện thường trực của EU đã đồng ý về một gói trừng phạt Nga, bao gồm lệnh cấm vận chuyển LNG của Nga qua các cảng của EU và hạn chế nhập khẩu khí heli từ Nga.

Gói trừng phạt mới nhất của EU, gói thứ 14 mà khối này áp đặt lên Nga kể từ khi nước này phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, có thể chặn khoảng 3 tỷ Euro liên quan đến các dự án LNG và giảm nhập khẩu khí heli của EU thêm 1 tỷ Euro.

Cổng thông tin EUobserver nhận định, những hậu quả như vậy thấp hơn nhiều so với dự kiến của các nước EU khi thảo luận về bất cứ gói trừng phạt mới nào.

Đài Al Jazeera dẫn lời các chuyên gia thị trường khí đốt cho rằng lệnh cấm sẽ có ít tác dụng vì châu Âu vẫn mua khí đốt của Nga và việc vận chuyển qua các cảng của EU tới châu Á chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng xuất khẩu LNG của Moscow.

Ngoài LNG, theo tài liệu dự thảo của EU, gói trừng phạt mới nhất cũng bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với đội tàu chở dầu và hạn chế khả năng tiếp cận của Moscow đối với các công nghệ lưỡng dụng (sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự).

EU cũng nhắm tới hệ thống nhắn tin ngân hàng SPFS của Moscow, được Nga sử dụng để cố gắng giảm bớt tác động của việc bị phương Tây cắt khỏi hệ thống SWIFT toàn cầu.

 

Minh Đức (Theo TASS, Al Jazeera)