Khuê Phạm sinh năm 1982 tại Berlin, là con cả trong một gia đình người Việt. Cô từng là phóng viên chính trị cho tuần báo Die Zeit suốt 15 năm, đồng tác giả cuốn sách phi hư cấu "We New Germans" xuất bản năm 2012, nói về thế hệ nhập cư thứ 2 tại Đức. Tiểu thuyết đầu tay của Khuê Phạm, "Wo auch immer ihr seid" (tựa tiếng Anh: "Brothers and Ghosts"), ra mắt tại Đức năm 2020 và đã được xuất bản tại Anh, Úc và Mỹ vào năm ngoái. Tác phẩm này cũng được chuyển thể thành vở kịch mang tên KIM.
Nhà văn gốc Việt Khuê Phạm.
"Brothers and Ghosts" kể về hành trình của một người phụ nữ trẻ gốc Việt tại Berlin, khám phá lại quá khứ gia đình bị chia cắt bởi chiến tranh. Nhân vật chính - Kiều - đối mặt với những kỳ vọng truyền thống và khao khát tìm kiếm bản sắc cá nhân giữa 2 nền văn hóa. Tác phẩm phản ánh những trải nghiệm của gia đình tác giả và nhiều gia đình di dân khác, về sự đứt gãy thế hệ và hành trình hòa nhập trong xã hội mới.
Mới đây, Khuê Phạm đã có những chia sẻ về vai trò của người phụ nữ nhân dịp có mặt tại Hà Nội trong khuôn khổ "Những ngày Văn học châu Âu 2025".
- Chào Khuê Phạm, chị từng chia sẻ rằng mình lớn lên trong một gia đình Việt tại Berlin, nơi văn hóa Việt và Đức cùng tồn tại. Là một phụ nữ, chị cảm nhận thế nào về việc dung hòa 2 nền văn hóa này trong quá trình trưởng thành và định hình bản sắc cá nhân?
Tôi lớn lên trong một gia đình người Việt ở Đức, nơi 2 nền văn hóa giao thoa. Tôi là chị cả trong 3 chị em và được nuôi dạy theo cách "rất Việt Nam": luôn đặt gia đình lên trước bản thân, phải biết chăm sóc các em, sống có trách nhiệm.
Bố mẹ tôi không phân biệt con trai hay con gái. Cả tôi, em gái và em trai đều được kỳ vọng như nhau: phải học giỏi, làm việc chăm chỉ, cư xử tốt, không gây rắc rối. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm nhận được - từ khi còn nhỏ - rằng con trai luôn được xem là đặc biệt hơn. Dù ở trong gia đình hay ngoài xã hội, tôi vẫn thấy phụ nữ thường là người nấu ăn, chăm lo, phục vụ đàn ông. Tôi lớn lên với cảm giác rằng mình không muốn sống như thế. Vai trò của phụ nữ luôn bị hạn chế, ở Việt Nam, ở phương Tây, dù bạn đi đâu, cũng đều không dễ dàng. Tôi tin rằng đàn ông và phụ nữ nên được đối xử như nhau - và tôi phải cố gắng gấp đôi để chứng minh điều đó.
Tôi từng là phóng viên chính trị, làm việc trong một tòa soạn báo với nhiều người rất nổi tiếng, nhiều chính trị gia lớn tuổi - chủ yếu là nam giới. Khi họ nhìn thấy một cô gái trẻ, tóc đen như tôi, họ thường nghĩ tôi yếu đuối hay rụt rè. Nhưng tôi muốn chứng minh rằng mình có thể làm được như bất kỳ ai.
- Trong "Brothers and Ghosts", chị đề cập đến những áp lực mà phụ nữ phải đối mặt. Chị có thể chia sẻ thêm về điều này?
Cuốn tiểu thuyết là hành trình của một người phụ nữ đi tìm lại cội nguồn và quá khứ gia đình. Nhân vật chính - Kiều - phải đối mặt với kỳ vọng của gia đình rằng cô phải sinh con. Nhưng cô không muốn. Cô từ chối trở thành một người phụ nữ "hy sinh", chỉ sống để phục vụ người khác. Cô ấy lớn lên với tư tưởng nữ quyền phương Tây, nhưng bản thân vẫn có những mâu thuẫn và áp lực riêng - như phải làm mẹ, phải làm tròn "bổn phận".
Cô ấy gặp những nhân vật nữ khác nhau trong cuốn sách, và sau đó cô ấy hiểu rõ hơn một chút tại sao một số phụ nữ hy sinh bản thân vì gia đình hoặc tại sao họ đặt áp lực lên người khác. Cô ấy hiểu sâu sắc hơn về điều đó.
Khi viết sách, tôi lần đầu đặt những câu hỏi rất riêng tư với các cô, các bác - điều mà trước đây tôi không dám làm vì sợ "vượt giới hạn". Nhưng họ đồng ý chia sẻ, và tôi đã biết được rất nhiều điều đau lòng về chiến tranh, đói nghèo, những cấm đoán trong tình yêu…
Tôi luôn nghĩ rằng làm phụ nữ là phải chịu đựng. Khi tôi nhìn các dì của mình, tôi đã có cảm giác như vậy - rằng phụ nữ sinh ra là để chịu khổ, đó là số phận của họ. Nhưng cùng lúc đó, tôi cũng thấy phụ nữ Việt Nam rất mạnh mẽ. Thế hệ trước dù phải trải qua nhiều khổ cực vẫn luôn kiên cường, cứng cỏi.
Ở phương Tây, người ta hay gán cho phụ nữ châu Á - trong đó có phụ nữ Việt - hình ảnh hiền lành, cam chịu. Nhưng điều đó hoàn toàn sai. Đặc biệt là bây giờ, phụ nữ Việt đã có tiếng nói hơn. Tuy nhiên, tôi cảm thấy vai trò của phụ nữ vẫn đang bị nhầm lẫn, họ vẫn bị nhìn nhận qua lăng kính cũ kỹ của quá khứ.
Vai trò của người phụ nữ Việt Nam phức tạp hơn rất nhiều so với những gì người ta nghĩ. Họ vừa sống trong một xã hội còn nặng định kiến giới, nhưng đồng thời cũng rất kiên cường, mạnh mẽ.
- Trải nghiệm xuất hiện trên sân khấu trong vở kịch "KIM" chuyển thể từ tiểu thuyết của mình đối với chị thế nào?
Tôi hợp tác với đạo diễn gốc Đài Loan Fang Yun Lo để dàn dựng vở KIM. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ đứng trên sân khấu. Đội ngũ diễn viên đến từ nhiều nơi - người Việt lớn lên ở Đức, một người gốc Việt từ Ukraine, một phụ nữ Đức từng sống ở Nhật… Vở kịch kết hợp đọc sách, múa, nhạc sống và hình ảnh, mang lại một trải nghiệm rất xúc động.
Ở Đài Loan, khán giả đã rơi nước mắt. Họ cảm nhận được những câu chuyện về di cư và lịch sử Việt Nam. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một phần của điều gì đó đặc biệt như vậy.
- Là một nhà báo và nhà văn, chị đã tiếp cận nhiều câu chuyện về di cư và bản sắc. Theo chị, phụ nữ gốc Việt tại Đức và các quốc gia khác thường đối mặt với những thách thức gì trong việc giữ gìn truyền thống và hòa nhập vào xã hội mới?
Tôi nghĩ, ví dụ như mẹ tôi chẳng hạn - có lẽ bà cảm nhận rất rõ sự khác biệt, khó khăn khi là người Việt thuộc thế hệ đầu tiên di cư ra nước ngoài. Bà muốn nuôi dạy chúng tôi theo một cách nhất định, và sợ rằng con cái sẽ bị "Tây hóa" quá mức: quá tự do, quá thoải mái, quá lười biếng, không quan tâm đến học hành hay gắn bó với gia đình.
Và rồi các bậc cha mẹ chứng kiến con mình dần rời xa khỏi những giá trị họ biết - những đứa trẻ nói ngôn ngữ khác, hiểu những quy tắc văn hóa khác… trong khi thế hệ đầu tiên, nhất là phụ nữ, không dễ nắm bắt được điều đó. Riêng tôi, là thế hệ thứ 2, sinh ra và lớn lên ở Berlin, tôi cảm thấy mình vẫn mang trong mình nhiều giá trị Việt Nam. Ví dụ như tôi thực sự coi trọng gia đình. Đến bạn trai tôi còn từng nhắc: "Em nên ghé thăm ba mẹ đi, đừng lơ là với họ". Tôi thấy việc giữ gìn tình cảm gia đình là điều cần thiết.
Tôi cũng cảm thấy không muốn con trai mình - năm nay lên 5 tuổi - yếu đuối. Tôi muốn con có ý chí mạnh mẽ, không dễ dàng bỏ cuộc. Có thể điều đó cũng hơi "Việt Nam" - hơi thúc ép một chút, có phần nghiêm khắc. Đừng lười, đừng ỷ lại, đừng mong mọi thứ sẽ tự đến với mình.
Nhưng ngoài những điều đó ra, tôi nghĩ thách thức lớn nhất mà tôi cũng như nhiều phụ nữ khác - dù là người Việt Nam hay người Đức - đều phải đối mặt, chính là làm sao để vừa theo đuổi sự nghiệp riêng, vừa có thể hiện diện trọn vẹn cho con cái.
Con trai tôi không nói được tiếng Việt vì tiếng Việt của tôi không đủ tốt để dạy, nhưng tôi đã đưa con về Việt Nam, cho con ăn món Việt... Tôi tin rằng văn hóa được truyền bằng tình cảm và sự hiện diện, không nhất thiết phải bằng ngôn ngữ.
Điều khiến tôi thấy may mắn là tôi luôn có bố mẹ ở cạnh giúp mình trong việc chăm con. Dù có đôi lúc bất hoà, nhưng đến cuối cùng tôi biết mình có thể dựa vào gia đình. Nhờ vậy mà tôi có thể tiếp tục làm việc, có thể đến Việt Nam lần này. Nếu không có gia đình giúp đỡ, có lẽ tôi đã không thể làm được những điều mình đang làm.
- Chị có lời khuyên nào dành cho những người phụ nữ Việt sống ở nước ngoài, đặc biệt là những người phụ nữ thuộc thế hệ của mình?
Tôi muốn nói với phụ nữ Việt sống ở nước ngoài rằng đừng quá rụt rè, vì người khác có thể đánh giá thấp bạn, thậm chí không nhìn thấy bạn. Tôi luôn khuyến khích mọi người - đặc biệt là phụ nữ - đừng cố thay đổi để làm vừa lòng người khác. Có thể từ nhỏ, chúng ta đã được dạy rằng phải ngoan, phải dễ thương, chiều ý. Với dân nhập cư, điều đó còn rõ ràng hơn nữa: phải thể hiện mình là người "tốt", "xứng đáng", "gương mẫu". Nhưng nếu bạn theo đuổi lĩnh vực sáng tạo hay nghệ thuật, thì bạn cần bỏ phản xạ đó đi. Nói ra suy nghĩ thật của mình, dù đôi khi nó có thể gây khó chịu. Hãy tìm ra tiếng nói của riêng mình.
Tôi luôn cố gắng thành thật khi viết, khi trả lời phỏng vấn, hay khi đứng trên sân khấu. Tôi nói cả việc tốt lẫn việc khó khăn, vì tôi tin rằng khi mình nói ra, những người đang trải qua điều tương tự sẽ thấy khá hơn, cảm thấy không còn đơn độc nữa.
- Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Khuê Phạm hiện đang tham gia sự kiện "Những ngày Văn học châu Âu 2025" tại Hà Nội. Cô cùng các nhà văn gốc Việt khác như Vanessa Vũ, Cecile Pin và Anna Moi sẽ có mặt tại các buổi tọa đàm và workshop, chia sẻ về hành trình sáng tác và trải nghiệm của mình. "Những ngày Văn học châu Âu 2025" là sự kiện văn hóa thường niên do EUNIC (Mạng lưới các Viện Văn hóa châu Âu) tổ chức. Chương trình năm nay mang chủ đề "Từ đâu và đến đâu: Những tiếng nói văn học di dân châu Âu", tập trung vào các tác phẩm và quan điểm của các nhà văn gốc Việt đang sinh sống và sáng tác tại châu Âu. Chương trình là cơ hội để khán giả Việt Nam tiếp cận gần hơn với những chuyển động mới của văn học đương đại châu Âu và thúc đẩy đối thoại văn hóa giữa Việt Nam và khu vực. Sự kiện cũng đánh dấu các cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và châu Âu như 35 năm quan hệ với Liên minh châu Âu, 75 năm quan hệ với Cộng hòa Séc và 50 năm quan hệ với Cộng hòa Liên bang Đức. |