Loại quả dân dã đang vào mùa rất bổ máu, giúp hạ đường huyết, không dùng là hết cơ hội vì đã chín ồ ạt

Dù là loại quả dân dã, hay được dùng làm món quà ăn vặt, nhưng biết cách kết hợp và sử dụng thì loại quả này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như bổ máu, giúp chống bạc tóc, hạ đường huyết...

Vào cuối Xuân, đầu Hạ những mẹt quả dâu tằm được các bà, các mẹ gánh đi bán khắp phố phường. Dâu tằm chín rộ chỉ khoảng 3-4 tuần là hết, vì thế nếu không mua nhanh sẽ không còn cơ hội thưởng thức loại quả này. Chính vì mùa dâu tằm qua đi rất nhanh nên nhiều người đã tranh thủ mua về ngâm lấy nước dùng dần, cách làm này cũng mang lại nhiều tác dụng cho sức khỏe nếu sử dụng đúng liều lượng. 

Các nghiên cứu của y học hiện đại chỉ ra rằng, trong 100g quả dâu tằm có đến 88% nước, calo, ngoài ra còn có thêm 9,8% carbs (là những loại đường đơn giản chẳng hạn như glucose và fructose), 1,7% chất xơ giúp hỗ trợ tiêu hóa, giảm mức cholesterol, 1,4% protein và 0,4% chất béo. Ngoài ra dâu tằm còn chứa nhiều vitamin và các loại khoáng chất như: Vitamin C, sắt, vitamin K1, kali, vitamin E… đây đều là những dưỡng chất tốt cho cơ thể.

Lương y Đỗ Minh Tuấn (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, trong đông y dâu tằm có nhiều tác dụng, có thể hỗ trợ điều trị nhiều bệnh. Nếu biết cách kết hợp, dùng đều và đúng đối tượng thì dâu tằm có thể hỗ trợ dưỡng huyết, bổ thận, sinh tân, an thần, thanh nhiệt nhẹ.

Dâu tằm chín rộ chỉ 3-4 tuần, vì thế mọi người nên tranh thủ mua về chế biến để dùng dần. Ảnh minh họa. 

Dưới đây là một số tác dụng tuyệt với của dâu tằm theo tư vấn của lương y Đỗ Minh Tuấn:

Bổ can, dưỡng huyết giúp hỗ trợ người thiếu máu, rối loạn kinh nguyệt

Dâu chứa nhiều vitamin C, sắt, anthocyanin – giúp tăng tạo máu, cải thiện vi tuần hoàn và giảm mệt mỏi. Dâu tằm có vị ngọt, tính hàn, đi vào kinh Can và Thận. Dâu giúp bổ huyết – nhu can, tức là làm mềm gan, giúp khí huyết lưu thông đều đặn hơn. Thường được dùng trong các trường hợp:

- Người hay mệt mỏi, chóng mặt;

- Phụ nữ rối loạn kinh nguyệt, da sạm;

- Sau ốm dậy, mất máu, suy nhược.

Phối hợp dâu với đương quy, kỷ tử sẽ nâng cao hiệu quả bổ huyết.

Ích thận, bổ tinh – chậm bạc tóc, tăng cường sinh lực

Y học cổ truyền có câu “thận tàng tinh, tinh sinh tủy, tủy sinh huyết và nuôi dưỡng tóc". Với người bị thận yếu thường hay bạc tóc sớm, lưng mỏi, tai ù, yếu sinh lý.

Dâu tằm giúp ích thận thủy, bổ âm thận – tức là tăng cường phần "tinh âm" vốn dễ bị tiêu hao bởi lao lực, stress, tuổi tác. Khi thận âm được bổ, tinh tủy đầy đủ thì tóc đen bóng, cơ thể bền bỉ hơn. Không chỉ có vậy, dâu chứa resveratrol và các polyphenol chống oxy hóa mạnh – giúp làm chậm lão hóa tế bào, hỗ trợ nội tiết tố. Cách dùng phổ biến là dâu tằm ngâm rượu, chưng mật ong, sắc cùng hoài sơn – dùng cho người tóc bạc sớm, sinh lý yếu, gối mỏi lưng đau.

Dâu tằm có rất nhiều tác dụng với sức khỏe nếu biết kết hợp và sử dụng đúng cách. Ảnh minh họa.

Sinh tân dịch, nhuận táo – cải thiện khô miệng, táo bón, nóng trong

Dâu tằm thuộc nhóm thuốc bổ âm sinh tân, tức là giúp sinh ra tân dịch (nước cơ thể) – rất cần cho người khô miệng, họng khát, táo bón, nhiệt trong người. Dâu có nhiều chất xơ hòa tan, acid hữu cơ nhẹ, giúp điều hòa nhu động ruột và bảo vệ niêm mạc ruột.

Đặc biệt với người hay ăn cay nóng, làm việc trí óc căng thẳng – cơ thể dễ mất nước, âm dịch suy, từ đó phát sinh chứng nhiệt. Dâu có tác dụng thanh nhiệt nhẹ, lại làm mềm đường ruột, giúp đi tiêu dễ dàng. Cách dùng: Dâu khô hãm trà, sắc nước uống, ăn dâu chín. Kết hợp kỷ tử, hoa cúc giúp tăng tác dụng nhuận gan, mát máu.

An thần, dễ ngủ – hỗ trợ người mất ngủ kinh niên, suy nhược thần kinh

Một công dụng nổi bật nữa là dâu giúp an thần nhẹ, nhất là trong thể mất ngủ do huyết hư, can khí uất, lo nghĩ nhiều. Theo Đông y “tâm huyết hư thì thần không yên, can khí uất thì mộng nhiều”. Dâu tằm đi vào can và thận – khi hai tạng này yên ổn thì tâm thần cũng tự điều hòa. Y học hiện đại cho thấy dâu chứa một lượng melatonin tự nhiên và các chất hỗ trợ dẫn truyền thần kinh, có ích cho người rối loạn giấc ngủ. Có thể dùng dâu tằm khô hãm trà, kết hợp tâm sen, táo nhân, liên nhục – giúp ngủ sâu, giảm mộng mị, đầu óc bớt căng thẳng.

Hỗ trợ điều hòa đường huyết và mỡ máu

Dâu tằm – nhất là dâu non hoặc lá dâu – có chứa DNJ (1-deoxynojirimycin) – một chất có khả năng ức chế men phân giải tinh bột, từ đó giảm lượng đường huyết sau ăn. Dù không phải là thuốc trị tiểu đường, nhưng dâu dùng đều có thể hỗ trợ người có nguy cơ tiền tiểu đường, mỡ máu cao, người ăn nhiều tinh bột. Tuy nhiên, việc dùng dâu tằm chỉ là bổ trợ giúp hạ đường huyết, trong cuộc sống vẫn cần kết hợp lối sống – không dùng dâu để thay thuốc.

LÊ PHƯƠNG.