Lưu Hương Giang nói mặt trái của câu đùa "khai giảng là ngày giải phóng phụ huynh" khiến nhiều cha mẹ giật mình

Những dòng chia sẻ của nữ ca sĩ trên trang cá nhân chỉ ai làm mẹ mới hiểu.

Sau kỳ nghỉ hè kéo dài 3 tháng, các búp măng non cuối cùng cũng quay trở lại với nhiệm vụ rèn chữ của mình. Đối với nhiều ông bố bà mẹ bận rộn, họ luôn mong chờ đến ngày con đi học, bởi chỉ có như vậy thì các bậc phụ huynh mới phần nào yên tâm và có thời gian để ra ngoài kiếm tiền, làm những công việc khác thay vì chỉ ở nhà chăm con. Thế nhưng, với quan điểm của một số người mẹ, họ lại luôn lo sợ con xa mình, vì đến độ tuổi đi học và càng lớn thì thế giới của con sẽ càng rộng hơn, nó không chỉ còn giới hạn trong phạm vi gia đình nữa.

Là mẹ 2 con, Lưu Hương Giang dường như hiểu rất rõ điều đó. Chính vì vậy mà ngày đưa ái nữ tựu trường 5/9, cô đã có rất nhiều tâm tư, trên trang cá nhân, những dòng bộc bạch mà Lưu Hương Giang nói ra đã khiến CĐM rất xúc động. 

“Các mẹ ơi, người ta nói ngày khai giảng là ngày giải phóng phụ huynh nhưng mà các con nó lớn nhanh lắm, sớm muộn nó cũng rời xa vòng tay mình nên tranh thủ ôm hôn, hít hà, gần nó không chớp mắt nó thành người lớn nó không cho mình ôm nữa thì buồn lắm. Mình giờ này rảnh là vẫn đưa đón 2 đứa con đi học và đó là 1 trong những giờ phút vui nhất trong ngày vì mấy mẹ con tâm sự được nhiều điều. Chúc các con của chúng ta 1 năm học mới tràn ngập niềm vui và học được nhiều điều bổ ích” - Lưu Hương Giang viết.

Bên dưới những dòng bày tỏ nỗi lòng là bức hình chụp nữ ca sĩ và cô con gái thứ 2, bé Misu tại trường học của con. Misu (tên thật là Hồ Tú Anh) ở độ tuổi lên 8 được mẹ nuôi dạy cẩn thận nên phát triển vượt bậc, cô nhóc trổ mã cao lớn hơn trông thấy so với trước đây. 

Việc Lưu Hương Giang nhẹ nhàng tâm tình suy nghĩ của cô về mặt trái của câu đùa "khai giảng là ngày giải phóng phụ huynh" khiến nhiều cha mẹ giật mình bởi đúng thật: Con mình có bao năm đi học nữa đâu là sẽ trưởng thành, rời xa vòng tay bố mẹ.

Được biết, sau khi chia tay Hồ Hoài Anh, Lưu Hương Giang làm mẹ đơn thân nuôi 2 ái nữ. Cả Mina và Misu đều được mẹ đầu tư học trường quốc tế xịn sò, có chi phí đắt đỏ ở TP.HCM, chỉ riêng tiền học của 2 chị em đã rơi vào tầm khoảng hơn 1 tỷ đồng/năm. Điều này chứng minh Lưu Hương Giang là một bà mẹ rất coi trọng giáo dục, muốn các con của mình được học tập và rèn luyện trong môi trường chất lượng nhất.

Không những thế, dù bận rộn với công việc nhưng cô vẫn cố gắng dành thời gian cho các con, đưa đón các bé đi học. Trước đây từng có một khoảng thời gian, Lưu Hương Giang tiết lộ cô và con gái lớn đang ngày càng xa cách, bởi bé Mina bước vào độ tuổi dậy thì, vừa có sự nhạy cảm, vừa có sự nổi loạn nên hai mẹ con thường xuyên xảy ra bất đồng quan điểm. Có lẽ, đó cũng là lý do mà Lưu Hương Giang muốn kết nối với 2 con nhiều hơn, bằng cách dành thời gian đồng hành cùng các con trên suốt hành trình trưởng thành.

Không chỉ Lưu Hương Giang, mà bất kỳ người mẹ nào cũng đều mong muốn, dù con có lớn đến đâu đi chăng nữa thì mối quan hệ giữa mẹ và con vẫn sẽ gắn bó, thân thiết giống như ngày con còn bé hay bám dính mẹ. Để làm được điều đó, mối quan hệ này vẫn cần được chăm sóc và nuôi dưỡng mỗi ngày bằng cách:

Bầu bạn với con nhiều hơn

Các nhà khoa học đến từ ĐH Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts và ĐH Pennsylvania đã thực hiện nghiên cứu với hơn 30 trẻ em từ 4-6 tuổi ở thành phố Boston (Mỹ).

Sau quá trình quan sát hoạt động não và phân tích các đoạn ghi âm của trẻ, tương tác của cha mẹ, các nhà nghiên cứu phát hiện những trẻ nói chuyện với cha mẹ thường xuyên có vùng ngôn ngữ vận động phát triển mạnh mẽ hơn.

Trẻ em học hỏi từ những người gần gũi thường ngày bằng cách quan sát và bắt chước. Ngoài việc học hỏi từ môi trường, trẻ sơ sinh học cách phát triển ngôn ngữ từ cha mẹ, trong đó có ngôn ngữ nói và ngôn ngữ cơ thể.

Do đó, việc thường xuyên trò chuyện có thể thúc đẩy mối quan hệ gia đình, đồng thời phát triển các kỹ năng xã hội của trẻ. Khi được nói chuyện, trao đổi, trẻ có cơ hội phát triển nhiều kỹ năng cùng một lúc như tư duy, phản biện, chia sẻ, lắng nghe.

Con người luôn thiết lập một mối liên hệ sâu sắc với những người đã tiếp xúc lâu ngày với họ, đó là lý do tại sao một số trẻ sơ sinh luôn đến gần người mà mình thường xuyên tiếp xúc. Nếu mẹ muốn vun đắp mối quan hệ mẹ - con thì hãy dành nhiều thời gian trò chuyện và chơi với con hơn.

Đối với những bé từ cấp tiểu học, trong quá trình trò chuyện, mẹ có thể kể về những khó khăn mình đang đối mặt để con hiểu mình hơn hay kể về những sự việc mà bạn thấy trong ngày. Bằng cách chia sẻ này, trẻ sẽ thấy mình được coi trọng, tin tưởng và từ đó thắt chặt mối quan hệ giữa mẹ và con.

Tăng tương tác tình cảm 

Một trong những cách tốt nhất để gắn kết tình cảm với con là dành ra những khoảng thời gian để vui đùa cùng nhau, dành cho con những cử chỉ, hành động yêu thương.

Mẹ có thể cùng trẻ xem phim hoạt hình mà trẻ thích, cùng trẻ đọc sách và lắng nghe sự hiểu biết của trẻ về các câu chuyện; hướng dẫn trẻ chia sẻ những câu chuyện vặt trong cuộc sống...

Chỉ bằng cách chủ động tìm hiểu thế giới của con cái và lắng nghe tiếng nói của trẻ, mẹ mới có thể đi vào tâm hồn con cái.

Mẹ chú ý, không nên coi trọng việc dành cho trẻ bao nhiêu hoạt động hay dẫn trẻ đi chơi những đâu mà hãy chú tâm đến thời gian cả gia đình được bên nhau. Đôi khi gia đình chỉ cần cùng xem một bộ phim hoạt hình mà bé yêu thích cũng đã giúp con cảm thấy vui vẻ hơn.

Ngoài ra, mẹ nên chủ động dành cho trẻ những cái ôm, đây là một cách tuyệt vời để kết nối với con và giúp củng cố tình cảm của cả hai.

Thêm vào đó, các nghiên cứu còn chỉ ra rằng phương pháp này giúp làm giảm tỷ lệ mắc bệnh. Vì vậy, hãy dành cho trẻ thật nhiều cái ôm, trẻ cũng sẽ đáp lại tình yêu của bố mẹ qua hành động tương tự.

Tôn trọng quan điểm của con

Sự khác biệt lớn nhất giữa mẹ và con gái là có những trải nghiệm khác nhau và rất khó để hiểu nhau. Hiện nay, rất nhiều gia đình định nghĩa sai về sự tôn trọng dẫn đến những vấn đề tiêu cực trong mối quan hệ của cha mẹ và con cái.

Giáo sư Li Meijin cho rằng, trong trường hợp này mẹ nên cư xử đúng mực, không xâm phạm đến quyền riêng tư của con cái, có thái độ quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc và sức khỏe của con cái, từ đó có thể hỗ trợ con trong việc đưa ra các quyết định hợp lý nhất.

Khi trẻ nhận được sự tôn trọng từ mẹ, trẻ sẽ ý thức hơn với hành động, cuộc sống của mình để hoàn thiện nhân cách và có những bước tiến dài trên quá trình phát triển bản thân. 

Vi dụ: Khi trẻ khóc, cảm thấy bị làm sai và buồn, mẹ nên bỏ suy nghĩ của người lớn, không nên trách trẻ dưới góc độ của người lớn mà nên hướng trẻ phản ánh và giải quyết vấn đề từ góc độ của trẻ.

Việc vun đắp mối quan hệ mẹ - con tốt đẹp không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa thuận gia đình mà còn đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển hình thành nhân cách và lối sống của trẻ sau này.

Thường xuyên cùng nhau dùng bữa

Một nghiên cứu gần đây đã cho thấy, mẹ thường xuyên cùng con ăn uống có thể mang đến nhiều lợi ích như: cải thiện thói quen ăn uống, nâng cao tinh thần, cảm xúc với việc trẻ đạt được thành tích cao trong học tập.

Khi được ăn uống cùng gia đình, trẻ có cơ hội trò chuyện, tâm sự và thể hiện bản thân nhiều hơn, trẻ cũng cảm thấy thoải mái khi được dùng bữa trong không khí vui vẻ, dễ chịu.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu Canada năm 2015, những bữa ăn gia đình đều đặn có thể ngăn chặn các vấn đề về rối loạn ăn uống hay trầm cảm, khuynh hướng bạo lực, lạm dụng chất kích thích,...

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra được mối liên hệ của những bữa ăn gia đình với thành tích học tập tích cực của trẻ ở trường. Đặc biệt, điều này này hiệu quả hơn ở đối tượng trẻ em gái. 

Nếu mẹ không có nhiều thời gian để cùng con ăn uống, hãy lập kế hoạch để có thể ăn cùng con vào bất cứ lúc nào trong tuần. 

Trong những bữa ăn tối cha mẹ có thể hỏi bé: “Hôm nay đi học con có gì vui không?” hoặc "Con có cần mẹ giúp đỡ gì không?"...

Để trẻ được giúp đỡ mẹ khi cần

Các nghiên cứu đã tiết lộ trẻ sơ sinh từ 12 tháng tuổi theo bản năng đều muốn giúp đỡ cha mẹ của mình nếu được  cho phép. Điều này dẫn đến việc trẻ sẽ tiếp tục làm điều đó một cách tự nhiên cho đến khi trẻ trưởng thành trong cuộc sống sau này.

Còn với một đứa trẻ không được cha mẹ cho làm việc nhà từ nhỏ, thì khi trở thành thanh thiếu niên, trẻ sẽ không ý thức được bản thân cần chủ động thực hiện các phần việc của mình hay tự nguyện làm việc nhà.

Một trong những bản năng tự nhiên của trẻ nhỏ là muốn chứng tỏ mình có ích. Khi cha giao cho con những việc nhỏ phù hợp với sức bé, con sẽ thấy mình có trách nhiệm hoàn thành và cảm nhận được xem trọng từ người lớn.

Cha mẹ nên khen ngợi khi con thực hiện tốt và dành cho bé một phần thưởng nhỏ. Phương pháp này sẽ giúp cha mẹ và các con đến gần nhau hơn, đồng thời nuôi dưỡng tính cách tự tin, thích giúp đỡ người khác của bé sau này.

KIỀU TRANG