Trẻ nhỏ bé nào cũng thường hiếu động, nên với bố mẹ việc giữ an toàn trong tầm kiểm soát không phải là việc dễ dàng. Nhưng chỉ cần lơ là một giây thôi là bố mẹ có thể sẽ hối hận cả đời, vì đã để con rơi vào tình huống nguy hiểm.
Ví dụ như trường hợp mới đây xảy ra ở một ga tàu điện ở Giang Sơn, Chiết Giang (Trung Quốc) đã tạo nên làn sóng tranh luận dữ dội giữa các bậc phụ huynh. Cụ thể, một hành khách trên chuyến tàu đã đăng tải đoạn video, và chia sẻ câu chuyện một bé gái 2 tuổi suýt gặp tai nạn khi cùng mẹ đi tàu điện về quê.
Người này kể lại sự việc xảy ra vào khoảng 19h. Trước đó vài phút nhân viên ga tàu đã thông báo về việc tàu sắp khởi hành, và nhắc nhở một vài lưu ý để hành khách không phải gặp bất cập khi di chuyển. Tuy nhiên vào khoảnh khắc tàu điện chuẩn bị đóng cửa và khởi hành thì một bé gái tầm 2 tuổi bất ngờ chạy ra khỏi cửa, cách đó khoảng 1m. Trong cơn hoảng loạn, một số hành khách đã la lên và ra sức cản đứa trẻ nhưng không kịp, sau đó tàu đã từ từ di chuyển.
May mắn là từ ngoài cửa lúc đó có một nhân viên ga tàu đang đứng, không suy nghĩ nhiều anh nhân viên đã nhanh chóng đưa tay ôm lấy bé gái, rồi gay lập tức sử dụng hệ thống liên lạc nội bộ để liên lạc với người điều khiển tàu để thông báo tình hình.
Sau khi người điều khiển tàu liên lạc với mẹ của đứa trẻ, và cho biết bé đang được nhân viên nhà ga tạm thời chăm sóc thì ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Nhân viên nhà ga đã mua đồ ăn nhẹ, lấy điện thoại di động ra cho đứa trẻ xem phim hoạt hình và nói với nhóc tỳ rằng mẹ sẽ sớm đến đón. Với sự an ủi của mọi người, đứa trẻ đã dần bình tĩnh trở lại. Các nhân viên trực thay phiên nhau chăm sóc cô nhóc trong thời gian nghỉ.
Khoảng 20h ngày hôm đó, mẹ bé đã bắt chuyến tàu từ ga Kim Hoa quay về ga Giang Sơn để đón con gái. Khi nhìn thấy con vẫn an toàn, người mẹ ôm con bật khóc. Thuật lại sự cố lúc trên tàu, cô cho biết: “Sau khi lên tàu, con nói muốn đi vệ sinh nên tôi đã bế cháu vào nhà vệ sinh. Chỉ một, hai giây khi tôi đang lấy giấy vệ sinh thì cháu bất ngờ chạy khỏi và rồi tình huống đáng sợ vừa rồi đã xảy ra. Tôi thật sự vẫn còn rất sợ hãi, không dám tưởng tượng đến hậu quả xấu nhất nếu chẳng may nó đến với con”. Vài giờ sau, người mẹ tiếp tục bắt chuyến tàu và lần này đã đưa con gái về quê một cách suôn sẻ, và an toàn.
Trước đây, truyền thông đã đưa tin về một số tai nạn khi bố mẹ đưa con đi phương tiện công cộng tương tự như vậy. Trên thực tế, trẻ nhỏ nhận thức chưa hoàn thiện, bé sẽ không có kỹ năng quản trị rủi ro như người lớn, đó là lý do mà quanh trẻ luôn tồn tại những mối nguy.
Vậy trẻ em nên được bố mẹ dạy về rủi ro từ độ tuổi nào là hợp lý nhất, để hạn chế tối đa những tình huống nguy hiểm như trên xảy ra?
1. Từ 2-3 tuổi
Nhận thức cơ bản: Ở độ tuổi này, trẻ có thể bắt đầu hiểu về những khái niệm đơn giản về sự an toàn. Bố mẹ có thể dạy trẻ cách nhận biết một số rủi ro cơ bản như không chạy ra đường, không chạm vào đồ vật nguy hiểm như dao hoặc lửa.
Giới hạn hành vi: Hướng dẫn trẻ về những hành động an toàn trong môi trường xung quanh, như cách ngồi đúng trên xe đẩy hay không trèo lên đồ vật cao.
2. Từ 4-5 tuổi
Giáo dục về an toàn: Trẻ có thể bắt đầu hiểu rõ hơn về rủi ro và cách tự bảo vệ mình. Bố mẹ nên dạy trẻ về khái niệm "nguy hiểm" và cách nhận diện các tình huống nguy hiểm.
Nhấn mạnh an toàn giao thông: Dạy trẻ về những quy tắc giao thông cơ bản, như đi bộ trên vỉa hè, nhìn trước khi băng qua đường và sử dụng ghế an toàn trên xe hơi.
3. Từ 6-8 tuổi
Kỹ năng tự bảo vệ: Trẻ bắt đầu có khả năng tư duy độc lập hơn và có thể học về cách tự bảo vệ mình trong các tình huống thực tế. Bố mẹ có thể khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động an toàn, như học bơi hoặc tham gia các lớp thể thao.
Nhấn mạnh về sự giám sát: Dạy trẻ về việc không nói chuyện với người lạ và cách xử lý khi gặp phải tình huống không an toàn.
4. Từ 9-12 tuổi
Nhận thức sâu hơn về rủi ro: Trẻ em ở độ tuổi này có thể hiểu rõ hơn về các khái niệm phức tạp hơn liên quan đến rủi ro, như quyết định có tính toán và hậu quả của những hành động.
Giáo dục về an toàn trực tuyến: Với sự phát triển của công nghệ, việc giáo dục trẻ về an toàn trên mạng cũng trở nên cần thiết. Bố mẹ nên dạy trẻ cách bảo vệ thông tin cá nhân và không chia sẻ quá nhiều trên mạng xã hội.
5. Từ 13 tuổi trở lên
Giáo dục về rủi ro trong cuộc sống: Ở tuổi vị thành niên, trẻ cần được giáo dục về những rủi ro liên quan đến việc sử dụng chất kích thích, quan hệ tình dục an toàn và cách xử lý tình huống khẩn cấp.