Vừa qua, bà Lê Thị Nhuệ Phái là một trong số 66 nghệ nhân của Hà Nội được Chủ tịch nước trao tặng bằng vinh danh Nghệ nhân ưu tú năm 2022 trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Sự kiện diễn ra tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây là nơi tôn vinh các nghệ nhân đã có đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, cũng là dịp động viên, khích lệ, tuyên truyền đến thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống, duy trì và phát huy các di sản văn hóa quý báu của cha ông truyền lại. Bên cạnh đó, Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng mong muốn các nghệ nhân bằng tâm huyết và lòng say mê nghề nghiệp, tiếp tục đóng góp tài năng, trí tuệ của mình cho văn hóa Thủ đô, luôn gương mẫu trong đời sống hàng ngày, là nhân tố tích cực trong giữ gìn, truyền dạy di sản.
Được biết, Nghệ nhân ưu tú Lê Thị Nhuệ Phái sinh năm 1950 tại thôn Trung Lập, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Nơi đây là một trong những cái nôi của nghệ thuật chèo và có truyền thống hát diễn văn nghệ dân gian như: hát đúm, trống quân, diễn tuồng, cải lương... Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã theo anh chị đi nghe hát chèo ở sân đình, và tình yêu đối với những làn điệu chèo từ đó cứ ngấm dần trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với bà.
Năm 1965, với niềm đam mê nghệ thuật chèo và được sự ủng hộ của gia đình, bà Nhuệ Phái bắt đầu tham gia vào đội văn nghệ của làng. Bà và các thành viên trong đội đã tích cực dàn dựng, biểu diễn các vở chèo ngắn phục vụ bà con trong xã và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo người dân. Đến năm 1969, với những thành tích đạt được, bà được cử đi học bồi dưỡng các lớp về đạo diễn và biểu diễn như: Lớp đạo diễn không chuyên do Sở Văn hóa tỉnh tổ chức, lớp tập huấn hát diễn chèo do huyện tổ chức... Ngoài ra, với tinh thần ham học hỏi và được sự truyền dạy tận tình của những anh chị của đoàn chèo Hà Tây, bà đã được rèn luyện từ cách hát, cách lấy hơi, nhả chữ đến cách luyến láy sao cho vang, rền, nền, nảy đúng chuẩn hát chèo.
Từ đó đến nay, bà vừa tham gia vào công tác xã hội vừa góp phần xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ, xây dựng các CLB dân ca tại quê nhà. Bên cạnh đó, bà còn là người trực tiếp dàn dựng kịch bản, biên đạo múa cho các CLB lân cận và tham gia vào nhiều vai diễn, vở chèo để phục vụ nhân dân thôn xã. Đặc biệt, có nhiều tết mục được đi tham dự hội thi, hội diễn văn nghệ.... do huyện, tỉnh, trung ương tổ chức và đạt nhiều giải thưởng cao. Những thành tích đáng nể phải kể đến như: 12 huy chương Vàng, Bạc qua các kỳ hội diễn văn nghệ quần chúng, huy chương "Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng" được Bộ Văn hóa Thể thao trao tặng năm 1999, Danh hiệu Nghệ nhân dân gian được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng năm 2020 và danh hiệu Nghệ nhân ưu tú do Chủ tịch nước trao tặng vào ngày 20/12 vừa qua.
Tính đến thời điểm này, Nghệ nhân ưu tú Lê Thị Nhuệ Phái đã có gần 60 năm gắn bó với nghệ thuật chèo, bà mang tiếng hát của mình đi biểu diễn nhiều nơi, giới thiệu loại hình nghệ thuật truyền thống đến với đông đảo mọi người. Không chỉ vậy, bà còn đi truyền dạy cho nhiều thế hệ trẻ, các CLB mà bà tham gia. Nhờ đó, phong trào văn hóa văn nghệ của quê hương luôn được duy trì và ngày càng phát triển, thu hút được đông đảo mọi người tham gia, đặc biệt là nghệ thuật chèo.
Những lớp dạy hát chèo của bà Phái lúc nào cũng đông vui, tràn ngập tiếng cười
Đây chính là nguồn động lực lớn, động viên bà ngày càng miệt mài, nỗ lực truyền dạy và gìn giữ nghệ thuật chèo. Bởi với bà, chèo là một loại hình sân khấu nghệ thuật truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, nó giống như một dòng chảy không bao giờ tắt và gieo niềm đam mê cho thế hệ trẻ chính là tiếp nối dòng chảy tuyệt vời đó cho mai sau.
Lê Vân