Tại nghĩa trang Công giáo Chabrignac có một phần mộ nhỏ, trên bia có ghi dòng chữ tiếng Pháp "Ici Repose L'impératrice Nam Phuong Née Jeanne Mariette Nguyen Huu Hao" (Dịch là: Đây là nơi an nghỉ của Hoàng hậu Nam Phương, nhũ danh Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào), cùng thời gian ngày sinh và ngày mất là 4/12/1914 - 15/9/1963. Ở mặt sau tấm bia có dòng chữ Hán: “Đại Nam Nam Phương Hoàng hậu chi mộ”. Đó là phần mộ của Nam Phương Hoàng hậu, vị Hoàng hậu duy nhất của triều Nguyễn và cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam.
Cuộc đời của bà Nam Phương có nhiều thăng trầm, đúng nghĩa “hồng nhan bạc mệnh”. Nam Phương Hoàng hậu có tuổi thanh xuân êm đềm, xuất thân tiểu thư nhà giàu, bước vào cuộc hôn nhân tưởng chừng viên mãn với vua Bảo Đại, nhưng rồi rạn nứt, sống thiếu hạnh phúc, muộn phiền và mất trong cô độc nơi đất khách quê người.
Nam Phương Hoàng hậu bên vua Bảo Đại và 5 người con
Ngày 20/3/1934, người con gái tên Nguyễn Hữu Thị Lan sánh đôi bên vua Bảo Đại trong đám cưới tại Huế, ngay hôm đó được tấn phong làm Hoàng hậu với danh hiệu Nam Phương, có nghĩa là “Người con gái phương Nam”. Lần đầu tiên trong lịch sử nhà Nguyễn có một phụ nữ xuất hiện giữa triều đình. Nam Phương cũng là Hoàng hậu duy nhất của triều Nguyễn được tấn phong khi còn sống, trong khi những đời vua trước đó đều lập hậu sau khi mất.
Bà Nam Phương và vua Bảo Đại có với nhau 5 người con (2 trai 3 gái). Thời gian đầu chung sống, vua Bảo Đại rất yêu thương chiều chuộng vợ, gia đình êm ấm được nhiều người ngưỡng mộ. Cuộc hôn nhân với vua Bảo Đại khiến cuộc đời Nam Phương Hoàng hậu trải qua những thăng trầm, từ hạnh phúc yên ấm đến những năm tháng chia ly, đau khổ khi chồng qua lại với nhân tình. Cùng với những biến động trong nền chính trị nước nhà khiến cuộc sống bị đảo lộn, nhiều muộn phiền. Năm 1947, Nam Phương Hoàng hậu quyết định đưa các con sang Pháp sinh sống.
Hình ảnh của Nam Phương Hoàng hậu tại Pháp
Ngày 15/9/1963, Nam Phương Hoàng hậu qua đời. Theo thông tin được kể lại, hôm đó sau khi ra ngoài chơi, bà đi tắm rồi cảm thấy đau cổ, sốt, gọi bác sĩ đến thì chẩn đoán viêm họng nhẹ, chỉ cần uống thuốc vài hôm. Nhưng khi bác sĩ vừa đi được vài tiếng thì Nam Phương Hoàng hậu thấy khó thở rồi qua đời ngay trong đêm, hưởng dương 49 tuổi.
Lúc mất, vị Hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn ra đi trong cô đơn, không có người thân ruột thịt nào bên cạnh ngoài những người hầu vì các con đều học hành, làm việc tại Paris, còn Bảo Đại sống ở miền Nam nước Pháp.
Tang lễ của Nam Phương Hoàng hậu được tổ chức ở nhà thờ Chabrignac, theo nghi thức Công giáo, các con trai, con gái đều về chịu tang mẹ, riêng Bảo Đại thì không thấy đâu. Bà được an táng ngay cạnh khu mộ thuộc gia đình bá tước De La Besse ở nghĩa trang Công giáo Chabrignac. Bá tước chính là công chúa Như Lý (con gái vua Hàm Nghi).
Phần mộ của Nam Phương Hoàng hậu được dựng đơn sơ, nằm tách biệt giữa những phần mộ bề thế khác. Ngôi mộ được đào xuống sau lưng một bức vách nhỏ lát đá, xung quanh có trồng vài cây hoa. Trên mộ còn có ảnh chân dung, hai phù điêu có hình bà lúc trẻ.
Phần mộ của Nam Phương Hoàng hậu được đặt trong khuôn viên nghĩa trang Công giáo Chabrignac. Ngôi mộ được làm chìm, phần nền thấp hơn so với những ngôi mộ xung quanh
Người dân đến thăm viếng thường sẽ đặt hoa lên phần mộ của Nam Phương Hoàng hậu để bày tỏ tấm lòng yêu mến thành kính
Có một số thông tin rằng vì thương mến bà nên nhiều người đã an táng theo thi hài nhiều đồ trang sức quý giá. Điều này vô tình để lại hậu quả xấu khi bọn trộm mộ nhiều lần tới đào bới để tìm vàng.
Ngoài ra, trong cuốn sách “Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng” của tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang có ghi bà Nam Phương từng mong muốn trở về Việt Nam, để khi qua đời được an táng bên cạnh mộ cha mẹ ở Đà Lạt, nhưng ước nguyện này không thành.
Cuộc đời nhiều thăng trầm, trắc trở của Nam Phương Hoàng hậu về sau sử sách còn lưu truyền. Vẻ đẹp phúc hậu, tấm lòng nhân từ, những giai thoại, câu chuyện về cuộc đời Nam Phương Hoàng hậu vẫn còn được người đời sau nhắc đến.