Tỉnh dậy giữa đêm con gái luôn nói “Trong tủ quần áo có người”, tôi mở ra thì cả đêm mất ngủ

Không chỉ một lần mà nhiều lần con gái lặp lại hành động này khiến tôi hoảng sợ, bàn với chồng tìm cách tìm ra sự thật.

Vợ chồng tôi mới chỉ có một cô con gái 6 tuổi và đang lên kế hoạch sinh thêm con trong năm sau. Chính vì thế khoảng thời gian này chúng tôi làm dần công tác tư tưởng cho cháu, từ việc giúp con độc lập trong cuộc sống, không phụ thuộc quá nhiều vào bố mẹ cho đến việc hình thành tính cách trách nhiệm và chia sẻ của con với em, cho con hiểu được gia đình chuẩn bị đón thêm thành viên mới.

Con gái tôi là đứa trẻ khá nhút nhát lại dựa dẫm vào bố mẹ, bởi vậy 6 năm qua chưa có em nên con vẫn ngủ cùng bố mẹ trong một phòng.

Cách đây 1 tháng chúng tôi sửa sang lại căn phòng còn lại cho sạch và đẹp để tách con ngủ riêng. Ban đầu đứa trẻ không thích việc ngủ riêng nhưng ngay lập tức bị thu hút bởi sự mới, đẹp trong căn phòng đó nên con đồng ý luôn.

Ảnh minh họa

Phòng của con cũng đầy đủ tiện nghi với một chiếc giường hình công chúa, tủ quần áo rộng rãi, bàn học và một góc để đồ chơi.

Khoảng 1 tuần đầu tiên con gái hợp tác rất tốt việc ngủ riêng phòng với bố mẹ nên chúng tôi vô cùng yên tâm. Thế nhưng vui mừng chưa được bao lâu thì sang đến tuần thứ 2 con bắt đầu có những biểu hiện lạ khiến vợ chồng tôi khó hiểu.

Cứ cách 1 đêm thì cháu lại vác chăn gối sang xin ngủ cùng với bố mẹ. Ban đầu con chỉ nói là con nhớ bố mẹ nên ngủ cùng bố mẹ thì mới ngủ được. Chúng tôi nghĩ cũng không nên ép con quá, phải cho con thích nghi dần dần nên chiều theo ý con nhưng càng về sau con lại đòi sang ngủ cùng bố mẹ nhiều hơn. Chúng tôi hỏi kĩ con về lý do khiến con không hợp tác như tuần đầu tiên nữa thì đứa trẻ nói:

- Con ngủ một mình sợ lắm. Con muốn ngủ cùng bố mẹ.

- Không có gì phải sợ con nhé, chúng ta vẫn sống trong một nhà và chỉ là khác phòng thôi mà. Bố mẹ luôn để mắt đến con mà.

- Nhưng con vẫn sợ lắm, trong tủ quần áo luôn có một người lạ nhìn con ngủ nên con sợ lắm.

Câu nói của con khiến hai vợ chồng tôi giật mình. Ban đầu chồng tôi cho rằng chắc đứa trẻ tự tưởng tượng ra mà thôi nhưng có những đêm đang ngủ cùng bố mẹ con cũng nói trong giấc mơ “Trong tủ quần áo có người, con sợ lắm!”.

Điều đó khiến vợ chồng tôi lại càng lo sợ hơn nữa nên đón con sang ngủ nhiều hơn lúc trước. Một thời gian tôi nghĩ rằng nếu sang năm mà có thêm em bé, cứ ngủ cùng như thế này chắc không thể được. Vả lại chúng tôi đã đầu tư cả trăm triệu vào căn phòng mới cho con giờ không thể bỏ không như thế được. Tôi và chồng quyết tìm ra sự thật.

Tối hôm đó hai vợ chồng cùng con gái ngủ chung trong căn phòng của con suốt đêm đều không thấy hiện tượng lạ nào xảy ra và đứa trẻ ngủ cũng rất ngon. Đêm thứ hai chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi, thậm chí chồng tôi còn dậy giữa đêm kiểm tra nhà cửa, mở tủ quần áo đều không thấy điều gì bất thường cả. Vợ chồng tôi nhiều đêm không ngủ để suy nghĩ.

Ảnh minh họa

Tất cả mọi nghi ngờ đều không xảy ra khiến vợ chồng tôi đau đầu không hiểu chuyện gì nên tôi tìm đến người bạn làm bác sĩ tâm lý để hỏi. Qua lời khuyên của người bạn tôi về làm việc với con gái để tìm ra sự thật.

- Con gái nói con mẹ biết, những đêm con ngủ cùng bố mẹ trong căn phòng của con, con có thấy người lạ nào trong tủ quần áo nữa không?

- Không mẹ ạ, con không thấy, con ngủ ngon lắm.

- Thế tại sao khi con ngủ một mình con lại nói có người trong tủ quần áo?

Đứa trẻ im lặng, cúi đầu trả lời nhỏ:

- Con không biết ạ.

Tôi nói tiếp:

- Sự thật là không có người lạ nào trong tủ quần áo như con nói phải không? Và câu chuyện là do chính con tự đặt ra. Con trả lời cho mẹ xem điều mẹ nói có đúng không?

Đứa trẻ lặng thinh không nói gì.

- Con không trả lời mẹ sao, con nói cho mẹ biết thì mẹ mới giúp con được chứ.

Lúc này con mới thú nhận rằng câu chuyện thực sự là do con bịa ra.

- Con xin lỗi. Con không thích ngủ một mình nên con đã nói dối bố mẹ ạ. Con muốn ngủ cùng bố mẹ như trước kia cơ. Tại sao nhà mình sắp có thêm em con lại phải ngủ một mình? Con không muốn ngủ một mình chút nào.

- Chẳng phải ban đầu con hợp tác rất tốt đó sao?

- Vâng nhưng đêm nằm ngủ con nhớ bố mẹ lắm, con muốn ngủ với bố mẹ cơ, con không muốn ngủ một mình.

Dù cho tôi có nói thế nào đi chăng nữa thì con vẫn chỉ lặp đi lặp lại một điệp khúc “Muốn ngủ với bố mẹ”, “Không muốn ngủ một mình”.

Nghĩ cũng thương con nên từ hôm đó gia đình chúng tôi lại ngủ chung một phòng và chưa nghĩ ra cách nào khác để giúp con dần quen với việc sẽ phải ngủ riêng phòng.

Tâm sự từ độc giả quychau...

Việc trẻ đang ngủ chung bỗng phải tách riêng giường, không ngủ cùng bố mẹ nữa đem đến một cảm giác lạ lẫm, hụt hẫng trong lòng con trẻ. Nhất là việc khi trẻ cảm thấy mình không được ngủ cùng bố mẹ còn em sắp sinh lại khác. Trẻ lại càng có cảm giác không được bố mẹ yêu thương như trước kia nữa.

Chính vì thế bố mẹ cần làm công tác tư tưởng cho con dần dần để trẻ hiểu ra vấn đề và làm theo.

Bên cạnh đó, việc rèn cho trẻ ngủ riêng phòng không phải là điều dễ dàng và nhanh chóng. 

Làm thế nào để giúp bé nhanh chóng thích nghi với việc ngủ riêng?

Để cách tập cho bé ngủ riêng đạt hiệu quả nhanh chóng, các bậc cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

Cha mẹ đồng hành khi trẻ ngủ

Nhiều phụ huynh cho biết trẻ khó ngủ trên giường riêng và các bé luôn đòi cha mẹ phải ngủ cùng. Những trường hợp như thế này là điều bình thường.

Để con có thể dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn, cha mẹ có thể đọc cho con nghe một số câu chuyện hoặc hát một vài câu hát cho con nghe. Điều này có thể giúp xoa dịu cảm xúc sợ hãi của bé, khi con đã ngủ, cha mẹ có thể nhẹ nhàng ra khỏi phòng.

Tách giường trước, sau đó mới chia phòng

Đầu tiên nên bắt đầu bằng việc cho trẻ ngủ riêng nhưng ở gần ngay phòng ngủ của cha mẹ. Cha mẹ cần ở ngay cạnh để quan sát và chú ý sự an toàn của con. Ngoài ra cha mẹ nên tránh để trẻ sợ hãi mang cảm giác bị bỏ một mình.

Khi trẻ đã dần chấp nhận việc phải ngủ một mình, cha mẹ nên để một màn che giữa chỗ ngủ của cha mẹ và con. Cuối cùng là cho trẻ ngủ một mình ở phòng riêng nhưng có sự giám sát của cha mẹ.

Khuyến khích trẻ

Cha mẹ nên có những cách khuyến khích con cái thích hợp để các bé có thể từ từ hình thành sự tự tin của mình.

Cha mẹ nên kiên nhẫn nếu con có sợ hãi hay không hợp tác, không nên la mắng con, điều này sẽ khiến các bé bị ám ảnh và tổn thương tâm lý.

CHI CHI