Tư tưởng "dân là gốc" xuyên suốt trong di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Di sản mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại vượt lên giới hạn của một cá nhân, mang tầm vóc thời đại và tiếp tục truyền cảm hứng mãnh liệt cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhất là thế hệ trẻ, chinh phục những vinh quang mới.

Để không ai bị bỏ lại phía sau

Những ngày này, cả nước đang hướng về kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024). Người Đưa Tin đã lắng nghe những chia sẻ từ PGS.TS Tường Duy Kiên – Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về những giá trị di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại trong việc góp phần khơi gợi tình yêu quê hương đất nước hiện nay.

Trong cuộc trò chuyện, ông Kiên cho biết, ông không có cơ hội được gần gũi với cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các bài viết, bài phát biểu, phong cách nói chuyện, cử chỉ trong lãnh đạo, chỉ đạo các công việc của Đảng, Nhà nước, theo dõi qua các chuyến thăm, làm việc của Tổng Bí thư tại các địa phương, tiếp xúc với người dân, với cử tri và kể cả các chuyến công tác nước ngoài, tiếp khách quốc tế một điều cảm nhất rõ nhất ở Tổng Bí thư, đó là một con người vĩ đại giữa đời thường, giản dị, mộc mạc, gần gũi và rất chân thành.

Tư tưởng "dân là gốc" xuyên suốt trong di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Ảnh 1.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một con người vĩ đại giữa đời thường, giản dị, mộc mạc, gần gũi và rất chân thành.

Chia sẻ về những quan điểm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về hoạt động quyền con người, PGS.TS Tường Duy kiên nhấn mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại một di sản lý luận về nhiều lĩnh vực trong đó có lý luận về quyền con người mà tư tưởng xuyên suốt là đề cao vai trò của nhân dân - chủ thể hưởng quyền con người; với quan điểm "dân là gốc", lấy con người, nhân dân là chủ thể, trung tâm, mục tiêu, động lực phát triển đất nước.

Yêu cầu toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị "phải có trách nhiệm cao nhất với dân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân". Khi trên cương vị là Chủ tịch Quốc hội, đồng chí có bài viết "Quốc hội Việt Nam với việc bảo đảm và thực hiện quyền con người", với quan điểm tôn trọng, bảo vệ quyền con người là trách nhiệm của Nhà nước pháp quyền, xuất phát từ bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân; Nhà nước hoạt động là vì con người, bảo đảm và thực hiện quyền con người.

Trên cương vị là Tổ trưởng Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XI và Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XII, XIII, đồng chí có nhiều đóng góp để hình thành quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quyền con người trong thời kỳ đổi mới. Hiến pháp năm 2013 là đỉnh cao trong hoạt động lập pháp bảo đảm, bảo vệ quyền con người, được thông qua trong thời gian đồng chí là Tổng Bí thư của Đảng.

Với mục tiêu, khát vọng xây dựng một xã hội vì tự do, vì quyền con người được tôn trọng, bảo đảm thực hiện dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định và tiếp tục làm rõ hơn về một xã hội, xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang theo đuổi xây dựng.

Đó là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Quan điểm của Tổng Bí thư đó là: Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xoá đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn.

Tổng Bí thư rất quan tâm đến quyền tham gia và quyền thụ hưởng của người dân; tham gia thực chất vào các công việc của Nhà nước, xã hội, thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng. Thụ hưởng quyền con người, thụ hưởng thành quả phát triển, thành quả của công cuộc đổi mới, đó mới là đích cần đạt tới. Vì thế, theo Tổng Bí thư "Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội".

Cần đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đảm bảo thực hiện tốt an sinh xã hội, an ninh con người, chú trọng các địa bàn chiến lược, trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà nước pháp quyền, phải được thực hiện đồng bộ toàn diện, cả trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong đó, tòa án có nhiệm vụ quan trọng, thực hiện quyền lực tư pháp, chăm lo bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, là nơi biểu hiện sâu sắc nhất bản chất của Nhà nước, là biểu tượng của nền công lý quốc gia.

Củng cố niềm tin xã hội, thắt chặt quan hệ giữa dân với Đảng

Trên cương vị công tác của mình, nhiều năm qua, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đau đáu với vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, vì nhân dân, do nhân dân.

Tư tưởng "dân là gốc" xuyên suốt trong di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Ảnh 2.

PGS.TS Tường Duy Kiên – Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Chia sẻ thêm về điều này, PGS.TS Tường Duy Kiên cho biết, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị, đã được Đảng ta đề ra từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1/1994), đưa vào Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001) và các văn kiện của Đảng sau đó đều xác định phải xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

"Nhưng vấn đề rất quan trọng, muốn xây dựng Nhà nước pháp quyền thì phải hiểu Nhà nước pháp quyền như thế nào cho đúng. Từ đó, xác định phương pháp, lộ trình, mục tiêu, nguyên tắc, cách thức xây dựng. Đây là vấn đề mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trăn trở, quan tâm nhất trên các cương vị là Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước", ông Kiên nói.

Kết quả là, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, lần đầu tiên Đảng ta ban hành một Nghị quyết chuyên đề về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Trong đó, đã xác định đầy đủ các quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, trọng tâm, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và cách thức thực hiện để đến năm 2045 khi nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, thì cũng đạt được mục tiêu đề ra là:

Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

Bên cạnh những đóng góp trong hoạt động về quyền con người, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại nhiều bài học quý báu về chống giặc "nội xâm", "ngoại giao cây tre"…

Theo PGS.TS Tường Duy Kiên, trên cương vị là Tổng Bí thư, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại một di sản đồ sộ về phương pháp luận trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh".

Những bài học quý giá cho Đảng, Nhà nước, cán bộ, công chức và nhân dân đó là phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan chống tham nhũng và mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế. Cùng với việc tập trung chỉ đạo, phát hiện, xử lý tham nhũng, thì phải tập trung công tác xây dựng thể chế về phòng, chống tham nhũng, từng bước hoàn thiện các cơ chế phòng ngừa chặt chẽ. Xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng", một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng" và một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng".

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã xây dựng được đường lối đối ngoại mang bản sắc cây tre Việt Nam, có năm bài học kinh nghiệm được rút ra, trong đó "bài học bao trùm và bất biến là luôn luôn bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, quản lý tập trung của Nhà nước đối với công tác đối ngoại, ngoại giao".

Theo ông Kiên, đường lối đó đã giúp tạo lối và mở đường, từng bước phá thế bao vây, cấm vận và mở ra cục diện mới thuận lợi cho đất nước. Hiện nay Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan hệ với 253 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới; từ một nước bị bao vây và cấm vận, nay đã mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ. Trong số này có 3 nước quan hệ đặc biệt, năm nước Đối tác chiến lược toàn diện, 13 nước Đối tác chiến lược và 12 nước Đối tác toàn diện.

"Nghệ thuật ngoại giao thời đại mới mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" trên cơ sở cốt cách con người Việt Nam "Dĩ bất biến, ứng vạn biến", "hòa hiếu", "lấy chí nhân thay cường bạo". Việt Nam trở thành đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm trên trường quốc tế; không ngừng hội nhập sâu rộng, toàn diện vào nền chính trị quốc tế, nền kinh tế thế giới và nền văn minh nhân loại", ông Kiên nói.

Theo Viện trưởng Viện Quyền con người, cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hệ thống tư tưởng và lý luận quý giá về con đường cách mạng Việt Nam trong thời đại mới; về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng và chỉnh đốn Đảng, về phát huy nhân tố con người, chăm lo cho con người, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, về xây dựng con người mới, nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc…

"Chính bằng tài năng, trí tuệ, và nhân cách lớn, Tổng Bí thư đã và sẽ truyền cảm hứng mãnh liệt cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và nhất là thế hệ trẻ một ý chí mới, quyết tâm mạnh mẽ, nhân cách và danh dự người chiến sĩ cộng sản, đó là phải hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, với câu nói nổi tiếng ai cũng thuộc và nhắc "Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất", ông Kiên chia sẻ.

Hoàng Thị Bích/Người đưa tin