21 tỉnh 'lười đẻ', Việt Nam không cấm người dân sinh con thứ 3

Việt Nam đang triển khai nhiều biện pháp để tăng mức sinh tại 21 địa phương. Bộ Y tế cho biết, đây là bài toán khó chưa có nước nào giải được.

Kết hôn muộn và lười đẻ

Tại hội thảo cung cấp thông tin định hướng mới của chương trình dân số Việt Nam, ông Mai Trung Sơn - Phó Vụ trưởng vụ Quy mô dân Dân số, tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình cho biết, Việt Nam đang có tình trạng chênh lệch mức sinh khá lớn giữa các vùng.

Trong đó, 33 tỉnh (chiếm 42% dân số) đang có mức sinh cao, chủ yếu ở trung du, miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ; 21 tỉnh (chiếm 39% dân số) có mức sinh thấp, hầu hết ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đà Nẵng, Khánh Hoà; chỉ có 9 tỉnh đang duy trì được mức sinh thay thế 2,1 con.

Ông Mai Trung Sơn cảnh báo tình trạng chênh lệch mức sinh tại Việt Nam

Trong 21 tỉnh có mức sinh thấp, mức sinh chỉ còn 1,5-1,6 con, riêng TP.HCM từng có năm giảm còn 1,24 con, thấp nhất cả nước.

Đây là tình trạng rất đáng báo động, nếu mức sinh thấp kéo dài sẽ kéo theo hệ luỵ là già hoá dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng an sinh xã hội.

Theo ông Sơn, nguyên nhân khiến người dân ngày càng lười đẻ là do xu hướng kết hôn muộn, không muốn đẻ, đẻ ít, đẻ thưa ngày càng cao. Bên cạnh đó là tỉ lệ đô thị hoá tăng và phát triển kinh tế dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cái ngày càng cao nên các cặp vợ chồng quyết định sinh ít con.

Ông Sơn dẫn chứng, mức lương công nhân chỉ vài triệu đồng, nhưng gửi một đứa con đi nhà trẻ đã hết 3 triệu, nếu 2 đứa là mất 6 triệu, đây là số tiền không nhỏ, chưa kể còn tiền thuê nhà, sinh hoạt phí khác. Trong khi hiện tại chưa có chính sách hỗ trợ đủ mạnh để khuyến khích người dân ở những khu vực này sinh đủ 2 con.

Một số trường hợp ngại đẻ do tâm lý thích hưởng thụ, sống theo trào lưu.

Không cấm sinh con thứ 3

Hiện tại, tổng cục Dân số đang phối hợp với các địa phương thử nghiệm nhiều giải pháp để nâng mức sinh tại 21 tỉnh, song Tổng cục Dân số đánh giá, việc này rất khó.

Ông Nguyễn Doãn Tú - tổng cục trưởng dẫn chứng thêm, ngay trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore cũng gặp tình trạng mức sinh thấp từ hơn 20 năm nay, đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó Hàn Quốc dành khoảng 2 tỉ USD mỗi năm, Nhật Bản dành 20 tỉ USD tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hiệu quả.

Thậm chí tại Hàn Quốc, nếu năm 1996, mức sinh là 1,6 con/phụ nữ, thì 10 năm sau tiếp tục giảm xuống còn 1,08 con.

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình

Quốc gia này cho phép khi sinh con, mẹ được nghỉ 2 năm mà không mất việc và được trợ cấp; chồng được nghỉ 2 tuần khi vợ sinh… Tuy nhiên mức sinh không nhích lên được.

“Mức sinh thấp ở nước ta là vấn đề chúng tôi rất trăn trở. Giảm sinh thì nhiều nước làm được nhưng kích sinh thì chưa có quốc gia nào thành công. Vì vậy chúng tôi xác định khuyến khích sinh để đạt kết quả như mong muốn còn khó hơn nhiều lần giảm sinh”, ông Tú chia sẻ.

Do đó, trong đề án điều chỉnh mức sinh thay thế giữa các vùng, bộ Y tế phối hợp với 21 địa phương bãi bỏ các quy định về tiêu chí giảm sinh con thứ 3, thử nghiệm nhiều mô hình kích sinh, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, kết hôn sớm hơn, có con trước tuổi 35…

Một số tỉnh đã rất chủ động như Long An triển khai hỗ trợ học phí cho các cặp vợ chồng, Bến Tre hỗ trợ các hoạt động cộng đồng.

Trước câu hỏi, Đảng viên tại các tỉnh có mức sinh thấp có được sinh con thứ 3, ông Tú nói rõ, hiện nhà nước không cấm người dân sinh con thứ 3.

Tuy nhiên với Đảng viên (khoảng 3 triệu người), hiện Bộ Y tế vẫn đang phối hợp rà soát lại các văn bản, chưa có văn bản khác thay thế nên vẫn thực hiện theo đúng Điều lệ Đảng hiện hành.

“Người trong Đảng phải thực hiện đúng quy định Đảng viên, công chức. Ngoài ra Đảng viên còn phải vận động bà con theo đường lối của Đảng”, ông Tú thông tin.

Để sửa đổi nội dung này cũng đang còn nhiều ý kiến tranh cãi. Song ông Tú cho biết, việc siết chặt hay nới lỏng quy định với Đảng viên sẽ tùy thuộc vào mức sinh thời gian tới. Nếu mức sinh tiếp tục xuống thấp sẽ có chính sách khuyến sinh, nếu tăng sẽ có chính sách khác.

Ông Tú cho biết thêm, hiện nay ngành dân số đã thay đổi thông điệp dân số phù hợp với từng khu vực, không còn khẩu hiệu “Mỗi cặp vợ chồng dừng ở 2 con để nuôi dạy cho tốt”.

Thay vào đó, vùng nào có mức sinh cao vẫn tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm sinh, vùng có mức sinh thấp sẽ khuyến khích sinh đủ 2 con, các tỉnh còn lại tiếp tục duy trì mức sinh thay thế 2,1 con.

Đảng viên sinh con thứ 3 bị khiển trách

Vi phạm trong trường hợp sinh con thứ 3 (trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác) thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Sinh con thứ 4, kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ).

Nếu sinh con thứ 5 trở lên hoặc gian dối trong việc cho con đẻ hoặc nhận nuôi con nuôi mà thực chất là con đẻ nhằm cố tình sinh thêm con ngoài quy định thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:

Các trường hợp pháp luật có quy định khác, bao gồm: Thuộc dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người; sinh lần đầu hoặc lần 2 nhưng sinh đôi hoặc sinh 3 trở lên; 2 con đầu bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo; đã từng có con riêng; sinh con thứ 3 ngoài ý muốn, nếu đình chỉ thai gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người mẹ…

Theo Quy định 102 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương về xử lý kỷ luật Đảng viên.