3 điểm yếu dễ được chấp nhận khi trả lời phỏng vấn

Thông thường khi phỏng vấn câu hỏi bạn hay gặp nhất và cũng khó trả lời nhất là về điểm yếu của bản thân. Mục đích của nhà tuyển dụng khi hỏi câu hỏi này là gì? Họ không muốn biết chính xác những điều thiết sót bạn mắc phải mà muốn đánh giá khả năng phân tích và khả năng giải quyết vấn đề của bạn.

Bạn nên trả lời phỏng vấn như thế nào để vừa thể hiện khả năng của bản thân vừa ghi điểm với các nhà tuyển dụng ở Bình Thuận, TP.HCM hay Bình Dương?

Điểm yếu có hai loại là điểm yếu về tính cách và điểm yếu về kỹ năng. Tùy vào công việc bạn đang ứng tuyển mà câu trả lời sẽ khác nhau. Một điều không nên là tập trung trả lời điểm yếu liên quan đến yêu cầu của công việc ứng tuyển. Ví dụ, bạn đang phỏng vấn cho một vị trí nhân viên kinh doanh, thì bạn không nên trả lời rằng điểm yếu của bản thân là không nói nhiều, sợ đứng trước đám đông, thuyết trình kém…

cv-tim-viec-lam-38-1625192840.jpg
Ảnh minh họa

Những ví dụ sau đây sẽ cung cấp cho bạn những câu trả lời chuyên nghiệp hơn khi trả lời phỏng vấn:

Quá cầu toàn

“Tôi là một người cầu toàn trong công việc. Tôi có xu hướng khắt khe với bản thân. Bất kì lúc nào khi hoàn thành một hạng mục công việc, tôi đều cho rằng mình có thể hoàn thiện công việc đó tốt hơn, cho dù là đồng nghiệp có phản hồi tốt hay khách hàng hài lòng đối với kết quả công việc tôi hoàn thành.

Điều này đôi khi khiến tôi trở nên mệt mỏi và kiệt sức. Tôi đã nhận ra điều này khi bắt đầu làm việc quá sức mình mỗi ngày. Sau đó, tôi đã cố gắng dành thời gian để tận hưởng thành quả nhiều hơn, khiến bản thân tự tin hơn vào công việc, để hòa hợp hơn với đồng nghiệp.”

Hướng nội

“Trong cuộc sống hay trong công việc, tôi đều là một người hướng nội, tính cảnh giác của tôi khá cao. Vì điểm yếu này, tôi đã hạn chế bản thân rất nhiều. Từ việc đóng góp những ý tưởng trong công việc với đồng nghiệp xung quanh đến những buổi họp chung, tôi biết mình có những ý tưởng nên được chia sẻ, nhưng không phải lúc nào tôi cũng thoải mái để trình bày.

Sau một khoảng thời gian làm việc chưa đạt kết quả cao, đội của tôi cũng không thực sự thành công, tôi quyết định mình phải thay đổi. Tôi bắt đầu làm quen với việc chia sẻ ý tưởng với đồng nghiệp nhiều hơn. Tôi đặt lợi ích của cả nhóm, của cả công ty lên trên bản thân. Từ đó tôi đã đạt được nhiều kết quả tốt hơn lúc làm việc quá hướng nội. Đến nay, tôi vẫn đang tích cực cải thiện điểm yếu của bản thân.”

Thích làm việc độc lập

“Tôi thích tự mình hoàn thành công việc mà không cần sự giúp đỡ từ đồng nghiệp hay bất kì ai khác. Chính điều này đã khiến công việc cũng như cuộc sống của tôi không được tốt. Tôi bị áp lực và căng thẳng trong một khoảng thời gian rất dài. Có một dự án tôi từng suýt phải bỏ dở khi có quá nhiều việc phải làm, mà tôi lại không muốn nhận sự giúp đỡ từ ai. Khối lượng công việc đè nén khiến tôi rất kiệt sức.

Để vượt qua được điểm yếu của bản thân, tôi đã cố gắng cải thiện kỹ năng mềm, bắt đầu từ việc giao tiếp nhiều hơn với đồng nghiệp, sẵn sàng tìm kiếm sự giúp đỡ của đồng nghiệp trong công ty nếu bản thân có việc không biết hoặc không thể hoàn thành. Tôi cố gắng giữ tinh thần tỉnh táo và luôn tin tưởng vào đồng nghiệp, tin rằng họ luôn sẵn sàng giúp đỡ khi mình gặp khó khăn.”

Mỗi vị trí tuyển dụng sẽ có những yêu cầu khác nhau và những điểm yếu không nên đề cập. Mỗi cá nhân sẽ có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, luyện tập là cách tốt nhất để trở thành một ứng viên chuyên nghiệp. Hãy dành nhiều thời gian chuẩn bị trả lời phỏng vấn về điểm yếu thật tốt và biến chúng trở thành ưu điểm mà không phải ai cũng có được. Chúc bạn có được một buổi phỏng vấn thành công.