Ăn một chén nhỏ thứ này, tránh được 2 biến cố sức khỏe chết người

Các nhà khoa học Úc phát hiện ra một thứ "thần dược" bất ngờ mà bạn chỉ cần... ăn để tránh được nhiều lần nhập viện trong đời, bao gồm do các biến cố sức khỏe dễ gây chết người và tàn tật.

Theo SciTech Daily, thứ "thần dược" đó chính là vitamin K1, một loại vitamin mà bạn rất dễ nạp vào cơ thể thông qua các món ăn thường ngày.

Nghiên cứu dẫn đầu bởi Trường Đại học Edith Cowan (Úc) và Đại học Tây Úc cho biết việc bổ sung đầy đủ vitamin K1 không chỉ giúp bạn hạn chế các nguy cơ bệnh tim mạch và các tai biến đi kèm, mà còn giúp hạn chế nguy cơ gãy xương, bao gồm các tai nạn đáng sợ như gãy xương hông.

Thêm rau màu xanh đậm vào các bữa ăn không chỉ cứu bạn khỏi bệnh tim mà còn giúp bạn khó bị gãy xương, nhất là các vùng xương phức tạp như hông - Ảnh: HEALTHLINE

Gãy xương hông (có thể xảy ra ở chỏm, cổ xương đùi, tại hoặc dưới khu vực khối mấu chuyển) phổ biến nhất ở phụ nữ nhưng cũng gặp ở nhiều nam giới cao tuổi, có nguy cơ cao dẫn đến tàn tật nghiêm trọng và tử vong sớm nếu không được hoặc không thể điều trị. Việc giải quyết chấn thương lớn này cũng vô cùng khó khăn và tốn kém, mất nhiều thời gian để khôi phục khả năng vận động nếu có thể.

Thế nhưng chỉ cần tiêu thụ khoảng 100 microgram vitamin K1, tương đương với 125 g rau lá sẫm màu mỗi ngày - chỉ một chén nhỏ, khả năng gãy xương nói chung giảm tận 31% so với người chỉ ăn khoảng 60 g hằng ngày.

Thậm chí với những người "ghiền" rau xanh, nguy cơ nhập viện do gãy xương giảm gần một nửa (49%).

Tiến sĩ Marc Sim, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết kết quả này là bằng chứng rõ ràng về lợi ích nhiều mặt của vitamin K1. Đối với hệ xương khớp, vitamin này đóng vai trò quan trọng trong quá trình carboxyl hóa các proteiin xương như osteocalcin, được cho là giúp cải thiện độ dẻo dai của xương. Một thí nghiệm trước đây cho thấy ăn ít hơn 100 microgram vitamin K1 mỗi ngày có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình này.

Vitamin K1 cũng có thể tăng cường sức khỏe xương bằng cách ức chế các tác nhân của quá trình hủy xương tự nhiên, vốn tăng lên khi bạn càng lớn tuổi.

Vitamin K vốn có 2 loại là K1 và K2, vitamin K1 hiện diện trong nhiều loại thực phẩm hơn và đặc biệt có nhiều trong rau xanh và dầu của một số loại thực vật; trong khi vitamin K2 đến từ động vật và một số thực phẩm lên men như natto (đậu nành lên men của người Nhật Bản).

Theo Medical News Today, một số loại thực phẩm giàu vitamin K1 nhất mà bạn có thể thêm vào bữa ăn là cải bó xôi, cải xanh và hạt cải xanh, bông cải xanh, bắp cải, rau diếp, cải xoong, húng quế, kinh giới, rau mùi, mùi tây, rau củ cải (phần ngọn xanh đậm của củ cải), dầu và bơ thực vật...

Ăn thêm một chén rau xanh đậm, nhất là các loại rau có thể nấu chín, hoặc cho thêm rau xanh vào các món ăn, được xem như lựa chọn tốt và tiện lợi nhất.

(Theo Người lao động)

Người đàn ông bán thịt lợn ở Hà Nội nguy kịch vì nhiễm khuẩn liên cầu lợn

Thông tin từ CDC Hà Nội cho biết, một ngày sau khi sốt cao (39-40 độ C), kèm mệt mỏi và yếu nửa người phải, bệnh nhân đến Bệnh viện 103 khám với tình trạng tỉnh táo nhưng tiếp xúc chậm, cứng gáy. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy có tình trạng nhồi máu não, kết quả nuôi cấy dịch não tủy dương tính với Streptococcus suis - vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn.

Như vậy, trong năm 2022, Hà Nội ghi nhận 4 ca mắc liên cầu lợn (tăng 3 ca so với cùng kỳ năm 2021).

Vi khuẩn S.suis gây bệnh liên cầu lợn. (Ảnh minh họa)

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, năm 2022, đơn vị này ghi nhận rải rác các ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn, chủ yếu là thể viêm màng não. Bệnh nhân ở các tỉnh miền Bắc, thuộc các lứa tuổi khác nhau, với các biểu hiện như sốt cao, đau đầu, nôn, buồn nôn, nặng hơn thì lơ mơ, hôn mê.

Bác sĩ cho biết, bệnh liên cầu khuẩn lợn xảy ra quanh năm nhưng có xu hướng tăng vào cuối và đầu năm âm lịch vì đây là thời điểm nhiều gia đình mổ lợn để liên hoan, tụ họp, trong đó không ít người làm và ăn tiết canh.

Thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, bệnh liên cầu khuẩn lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên, có thể lây cho người. Người có nguy cơ lây nhiễm và phát bệnh khi tiếp xúc với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh. Biểu hiện lâm sàng chính là: viêm màng não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong (tỷ lệ khoảng 7%) do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết... 

Theo các chuyên gia, nhiều người cho rằng lợn do gia đình tự nuôi hay mua ở nơi quen, biết rõ nguồn gốc thì sẽ an toàn nhưng thực tế, vi khuẩn liên cầu lợn có thể tồn tại ở cả lợn nhà. Loại vi khuẩn này thường lưu trú tại vùng hô hấp (nhất là họng) của lợn, ít gây bệnh cho vật nuôi và chỉ phát ra khi lợn có sức miễn dịch kém. 

Ở Việt Nam, bệnh liên cầu lợn mới được biết đến từ năm 2003. Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, 81% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là nam giới. 

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo một số biện pháp để phòng bệnh:

+ Nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y.

+ Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. 

+ Nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng (Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo trên 70 độ C). Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn.

+ Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống.

+  Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.

HẢI PHONG (TỔNG HỢP)