Bài 2: Phòng khám ĐTH 171 Trần Cung tư vấn trị bệnh bằng tế bào gốc trái quy định

Sau một hồi tư vấn về truyền tế bào gốc, người xưng danh ThS.BS Nguyễn Mạnh Hiệp hối thúc chúng tôi làm xét nghiệm gan: “Xét nghiệm xong thì uống nước ngồi chơi, đợi khoảng 1 tiếng đánh giá kết quả ra sao, sau đó sẽ được báo chi phí và lên tầng để truyền”.

Tế bào gốc lấy từ cuống rốn trẻ sơ sinh?

Như đã đề cập trong bài viết: “Bộ Y tế chưa cấp phép, tế bào gốc từ người đã “có mặt” ở phòng khám”, sau cuộc gọi vào hotline trên Fanpage “Viện Nghiên Cứu & Ứng Dụng Công Nghệ Tế Bào Gốc”, PV được nhân viên gọi lại và tư vấn nhiệt tình.
 

te-bao-goc-1-1713861838.jpg
Từ số hotline trên trang Facebook này, chúng tôi được giới thiệu đến phòng khám ĐTH 171 Trần Cung. Ảnh chụp màn hình.

Khi phóng viên giới thiệu là một người đàn ông 36 tuổi, có nhiều vết chân chim, nhân viên tên Thúy (tên nhân vật đã được thay đổi – PV) tư vấn: “Không phẫu thuật hay kéo căng mà bên em dùng tế bào gốc. Phương pháp là truyền thẳng vào tĩnh mạch máu. Khi truyền sẽ kết hợp tế bào gốc cùng các vi chất và hoạt chất giúp tăng cường sức khỏe, trẻ hóa các cơ quan, da dẻ sáng khỏe hơn”.

“Đang có chương trình hỗ trợ, nếu dùng 1 triệu tế bào gốc thì tương đương 20 triệu đồng, 5 triệu tế bào gốc sẽ khoảng 50-62 triệu đồng”, Thúy tiết lộ và cho biết: “Tế bào gốc bên em là loại trung mô, được lấy trực tiếp từ cuống rốn của trẻ sơ sinh, đang nuôi cấy, chiết tách. 100% nuôi sống, là tế bào gốc non trẻ, có đủ các giấy tờ đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Bên em có 2 phương pháp, một là sử dụng tế bào gốc trung mô đồng loài và hai là tế bào gốc tự thân, lấy từ thân mình luôn. Anh yên tâm là bên em có liên kết với ngân hàng tế bào gốc, đầy đủ giấy tờ xác nhận, đóng dấu đỏ. Vì tế bào gốc phải sống trong môi trường cực chuẩn là âm 164 độ C”, Thúy nói liền một mạch để tăng độ tin cậy với khách hàng.

Truyền tế bào gốc điều trị xơ gan?

Sự dẫn dắt của Thúy đưa chúng tôi đến với phòng khám Đa khoa ĐTH số 171 Trần Cung, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Tại đây, nhóm phóng viên được người xưng danh ThS.BS Nguyễn Mạnh Hiệp trực tiếp tư vấn.

te-bao-goc-2-1713861838.jpg
  Tại Phòng khám Đa khoa ĐHT 171 Trần Cung, nhóm phóng viên được tư vấn bởi một người xưng là ThS.BS Nguyễn Mạnh Hiệp.
te-bao-goc-3-1713861767.jpg
Trên trang Facebook này cũng dẫn chỉ đến địa chỉ 171 Trần Cung và còn có logo Cellab trên các clip đăng tải tại trang. Ảnh chụp màn hình.

Để trẻ hóa cho làn da, vị bác sĩ giới thiệu tế bào tươi ở dây rốn trẻ sơ sinh làm cho da mặt đầy lên. Loại này được lấy từ cuống rốn của đứa trẻ, sàng lọc, kết hợp nuôi tăng sinh cả một mẻ trong labo, chi phí sẽ rẻ.

Người này còn ví truyền tế bào gốc cảm giác như cho một tí đạm vào cơ thể, phương thức thì “như kiểu truyền nước”.

“Hôm nay mà tiện thì em xét nghiệm, khám, lên phác đồ, điều trị gan cho anh (tức PV). Bị rối loạn viêm mạc đường giai đoạn đầu mà truyền cái tế bào gốc này là sẽ khỏi luôn. Tế bào gốc phải bảo quản rất kỹ, đóng đá rồi pha thành nước để truyền, chứ để bình thường truyền thì chết người”, vị này tiếp tục tư vấn.

PV bày tỏ lo ngại trước thực trạng chạy quảng cáo Facebook, đưa sản phẩm kém chất lượng vào cơ thể như một sốcơ sở bị xử phạt, ông Hiệp trấn an: “Ở đây còn có bác sĩ và thuốc hỗ trợ phản vệ nên sẽ an tâm hơn nhiều”.

Về lộ trình, “bác sĩ Hiệp” nói: “Một buổi truyền mất tầm 2 tiếng, một đợt điều trị 5-6 buổi, tuần đến 2-3 buổi, khoảng 2 tuần là xong. Chi phí sẽ tuỳ từng người và tình trạng bệnh lý. Dùng tế bào gốc thì khoảng từ 50 triệu đồng, hoặc 20-30 triệu đồng cũng có.  Những trường hợp như bệnh nhân xơ gan hoặc rối loạn chức năng gan, chỉ số lúc nào cũng 200-300 trên giấy tờ xét nghiệm thì lượng tế bào gốc cần truyền sẽ khoảng 15-30 triệu. Với 2 bệnh cộng dồn thì thêm chi phí”.

Thắc mắc nguồn của tế bào gốc, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Một là nhập khẩu từ Mỹ, hai là của Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam ở Hoàng Quốc Việt. Khi dùng, khách được xem lọ tế bào gốc, có mã vạch, số lượng tế bào, hạn sử dụng”.

Rồi người này hối thúc chúng tôi làm xét nghiệm gan: “Xét nghiệm xong thì uống nước ngồi chơi, đợi khoảng 1 tiếng đánh giá kết quả ra sao, sau đó sẽ được báo chi phí và lên tầng để truyền”.

Bày tỏ còn băn khoăn và mong muốn bảo lưu kết quả xét nghiệm để suy nghĩ kỹ hơn, ông Hiệp đưa lời khuyên: “Nếu mà làm thì hãy xét nghiệm, còn xét nghiệm chỉ để nghiên cứu thì thôi, để lúc khác”.

Cuộc tư vấn dừng lại.

Trao đổi với PV, Chánh văn phòng Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam Lê Sỹ Tùng khẳng định: “Viện không có bất cứ mối liên hệ nào với phòng khám ĐTH 171 Trần Cung. Các thông tin hoàn toàn là mạo danh và làm ảnh hưởng đến uy tín của Viện”.

2023-05-03-1713866546.jpg
Phòng khám Đa khoa ĐTH số 171 Trần Cung, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hiện nay, Việt Nam mới chỉ cho phép sử dụng tế bào gốc tự thân nghĩa là tế bào của người nào sử dụng cho đúng người đó, còn tế bào đồng loài (của người này dùng cho người khác) thì chưa. Đối với tế bào gốc từ cuống rốn trẻ sơ sinh, Bộ cũng đang nghiên cứu, xem xét đề xuất để có thể sử dụng cho những người trong gia đình có cùng huyết thống.

Riêng ứng dụng tế bào gốc trong chỉ định làm đẹp vẫn đang trong quá trình triển khai các nghiên cứu để đưa ra minh chứng liên quan đến tính an toàn, hiệu quả của những phương pháp, liệu trình này. Còn chính thức thì chưa được phép ứng dụng”, TS. Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) khẳng định.

Luật sư Dương Văn Phúc (đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên - Huế) đưa góc nhìn pháp lý: “Hiện tượng quảng cáo làm đẹp bằng tế bào gốc khi chưa được cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì không đúng quy định pháp luật, có thể bị xử phạt theo khoản 3, Điều 56, Nghị định 38/2021/NĐ-CP, từ 30 đến 40 triệu đồng. Đồng thời, người thực hiện hành vi vi phạm trên còn buộc phải tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo, theo khoản 5 Điều 56 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.

Nếu cố tình thực hiện hành vi khám chữa bệnh mà gây hậu quả nghiêm trọng có thể đối mặt với trách nhiệm hình sự tùy vào hậu quả xảy ra và hành vi thực hiện liên quan đến hậu quả, hành vi này được BLHS 2015 quy định tại Điều 315. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”.

N.P.V