Bấm lỗ tai, nữ sinh 17 tuổi bị hoại tử vành tai

Vài ngày sau khi bấm lỗ tai, nữ sinh 17 tuổi ở TP. Thủ Đức bị mưng mủ phải đến bệnh viện điều trị.

Do muốn đeo bông tai làm đẹp nên Đ.N.M.P. (17 tuổi, ngụ tại phường Phước Long B, Thành phố Thủ Đức) được bạn chở đi bấm lỗ tai mặc cho mẹ cô bé khuyên can.

Bấm xong, tai P. được nhét 2 cây kim loại để thông lỗ tai thì. Vài ngày sau đó, tai M.P. bắt đầu đỏ, sưng mọng, đau và có dấu hiệu hoại tử.

Mẹ P. phải đưa em đến bệnh viện TP. Thủ Đức khám. Bác sĩ cho biết P. bấm khuyên tai nhưng không bảo đảm vô trùng, cần điều trị bằng thuốc uống.

Theo  các bác sĩ, những năm gần đây, nhiều bạn trẻ muốn tạo cá tính nên đã bấm khuyên ở vành tai, khi bị sưng, mưng mủ không đi bác sĩ mà tự mua thuốc về nhà uống. P. chỉ là một trong số những bệnh nhân đến bệnh viện Thành phố Thủ Đức điều trị chỉ vì bấm lỗ tai không đảm bảo vô trùng. Cá biệt, có ca khi tới bệnh viện thì đã bị nhiễm trùng nặng, không giữ được vành tai nguyên vẹn.

bam-lo-tai-thieu-nu-17-tuoi-hoai-tu-vanh-tai-1620131277.jpg

Những ca biến chứng sẹo lồi ở vành tai. Ảnh: Infonet.

Điều trị viêm sụn vành tai rất phức tạp vì vi khuẩn gây viêm sụn phải dùng kháng sinh dài ngày, nạo vét sụn hoại tử dễ để lại di chứng. Nếu bệnh nhân đến bệnh viện muộn, dẫn tới hoại tử hết vành tai khiến cho vành tai bị biến dạng, chỉ còn lại một nhúm, gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng. Những trường hợp này phải phẫu thuật tạo hình lại vành tai.

Việc bấm khuyên tai ở những tiệm làm tóc, gội đầu, massage, bấm tai dạo... rất nguy hiểm vì người thực hiện không có chuyên môn, không găng tay, không vệ sinh dụng cụ, không thuốc sát trùng gây ra tình trạng nhiễm trùng. Việc sử dụng dụng cụ không bảo đảm vô trùng, dùng nhiều lần từ người này sang người kia có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, uốn ván, viêm gan B, thậm chí lây nhiễm HIV.

Nếu muốn bấm lỗ tai, xỏ lỗ ở vành tai, phải đến cơ sở y tế để bác sĩ có chứng chỉ chuyên môn thực hiện, không nên giao tính mạng ở những cơ sở bấm lỗ tai dạo, dụng cụ không bảo đảm vô trùng.

Hải Đăng (T/h)