Bánh trôi, bánh chay dịp Tết Hàn thực ăn sao cho hợp? Thèm tới đâu những người này cũng đừng ăn bánh trôi bánh chay

Dù là món bánh truyền thống nhưng nếu ăn không đúng cách và hợp lý, bánh trôi bánh chay cũng tiềm ẩn hàng loạt nguy cơ đối với sức khỏe mọi người.

Ngày 3/3 (âm lịch) hàng năm còn gọi là Tết Hàn thực và theo truyền thống, mọi người thường ăn bánh trôi, bánh chay với ý nghĩa tưởng nhớ những người đã khuất, hướng về cội nguồn, tổ tiên. Trước đây, khi đến ngày này, các thành viên quây quần bên mâm bột, bếp củi để nặn bánh, sau đó dâng cúng lên ban thờ, rồi cùng nhau thưởng thức Còn ngày nay, đa số mọi người thường hay mua sẵn loại bánh này ở các cửa hàng về sử dụng, điều này có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia về Công nghệ thực phẩm cho biết, việc mọi người mua sẵn bánh trôi, bánh chay sẽ tiềm ẩn một số nguy cơ với sức khỏe như sau:

- Bột bị pha tạp, kém chất lượng hoặc có thể bị chua ăn vào dễ gây ngộ độc thực phẩm.

- Hiện có nhiều loại bánh được kết hợp với các loại thực phẩm, phẩm màu khác để có màu sắc bắt mắt. Tuy nhiên, việc trộn màu này dễ có nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là các loại phẩm màu không rõ nguồn gốc.

- Đa số các cửa hàng bán loại bánh này đều ở vỉa hè, góc phố nên việc bảo quản có thể không đảm bảo, dễ bị vi khuẩn xâm nhập nên nguy cơ nhiễm khuẩn là rất dễ xảy ra.

Bánh trôi đối diện với nhiều nguy cơ như bán ở vỉa hè, dùng phẩm màu và dễ bị ôi thiu. 

“Ngày Tết Hàn thực vào cuối tuần, tốt nhất mọi người nên tự mua nguyên liệu về làm và thưởng thức hoặc gia đình, bạn bè cùng nhau làm cũng rất thú vị. Ngoài đảm bảo an toàn thì đây là dịp để mọi người quây quần bên nhau, giáo dục giá trị văn hóa cổ truyền”, PGS Thịnh chia sẻ.

Dưới góc độ dinh dưỡng, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, bánh trôi bánh chay được làm từ bột nếp, loại gạo giàu các chất dinh dưỡng như protein, đường các loại, tinh bột, vitamin nhóm B (có nhiều trong cám gạo) và chất vô cơ... Cụ thể, trong 100 gam gạo nếp có 74,9g glucid, 8,6g protid, 1,5g lipid, 14g nước, 0,6g xeluloza, 0,8g tro, 32mg canxi, 98mg photpho, 1,2mg sắt và một số vitamin như B1, B2, PP.

Không chỉ vậy, loại bánh đặc trưng trong ngày Tết Hàn thực còn được dùng khá nhiều đường làm nhân và tạo vị cho nước. Do vậy mọi người cần lưu ý khi ăn. “Không nên ăn quá nhiều, nếu ăn liên tục trong thời gian dài còn có thể gây tăng cân, rối loạn tiêu hóa. Đó là lý do tại sao khi làm loại bánh này nhiều người cho vài sợi gừng vào để vừa tạo vị, vừa giúp dễ tiêu hóa hơn”, bác sĩ Hưng chia sẻ.

Ngoài là đồ nếp bánh còn rất ngọt vì thế nên hạn chế ăn nhiều, nhất là một số đối tượng nguy cơ. (Ảnh minh họa)

Cùng quan điểm trên, bác sĩ Đoàn Hồng (Viện Y học ứng dụng Việt Nam) cũng cho rằng, mọi người không nên ăn quá nhiều bánh trôi, bánh chay cùng một lúc. Một số người dưới đây nên hạn chế dùng món ăn này:

- Người mắc bệnh tiêu hóa: Tinh bột trong gạo nếp là loại tinh bột phân nhánh, khó tiêu hóa hơn tinh bột trong gạo tẻ, do đó dạ dày thường phải hoạt động co bóp và tiết dịch vị ra nhiều hơn để tiêu hóa được, từ đó có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng trào ngược, đầy bụng, ợ hơi, ợ chua, viêm loét... ở những người bị bệnh lý về đường tiêu hóa.

- Người bị thừa cân, béo phì: Bánh trôi, bánh chay chứa nhiều calo và có thành phần chủ yếu là tinh bột và đường, không phù hợp với người thừa cân, béo phì hoặc đang muốn giảm cân.

- Người bệnh tiểu đường, mỡ máu, tim mạch: Tiêu thụ nhiều bánh trôi, bánh chay có thể khiến cơ thể nạp quá nhiều tinh bột và đường, làm đường máu tăng cao đột ngột, không tốt cho người bệnh tiểu đường, mỡ máu cao hay người mắc bệnh tim mạch.

- Phụ nữ mang thai: Tiểu đường thai kỳ là mối nguy lớn với thai phụ do ảnh hưởng xấu tới thai nhi, do đó nếu bạn đang mang thai thì không nên ăn quá nhiều loại bánh ngọt và giàu tinh bột này.

Người khỏe mạnh, yêu thích món bánh này cũng chỉ nên thưởng thức một khẩu phần nhỏ, khoảng 100-200g mỗi lần tùy nhu cầu và thể trạng, không nên ăn quá thường xuyên.

LÊ PHƯƠNG.