Gần đây, nhiệt độ mỗi ngày đều vượt quá 30℃, chỉ cần ra ngoài một lúc là mồ hôi nhễ nhại. Ở nhà nếu không bật điều hòa thì cũng vô cùng oi bức. Để được mát mẻ, nhiều người "cắn răng" bật điều hòa.
Tuy nhiên, việc “ham mát” như vậy không những khiến đồng hồ điện quay vù vù, mà nếu dùng điều hòa không đúng cách còn dễ gây khô rát cổ họng, chóng mặt, cảm lạnh, đau khớp, thậm chí là liệt mặt, những bệnh thường gọi là “bệnh điều hòa”.
Thật ra, khi bật điều hòa không nên chỉ sử dụng mỗi chế độ “Làm lạnh”, tức chế độ Cool. Điều hòa có nhiều chế độ, chỉ cần biết cách sử dụng đúng, kết hợp một cách khéo léo thì sẽ vừa nâng cao sự thoải mái vừa giảm đáng kể lượng điện tiêu thụ, thậm chí tiền điện mỗi tháng dành cho điều hòa còn chưa tới 400 nghìn đồng.
Bật điều hòa đừng chỉ chọn chế độ “làm lạnh”, những chế độ này tiết kiệm điện hơn!
- Dùng “Hút ẩm” thay cho “Làm lạnh”
Nếu độ ẩm trong phòng khoảng 60% và thời tiết oi bức, ví dụ như vào mùa mưa hoặc ở các thành phố ven biển, bạn có thể bật chế độ “Hút ẩm” (Dry Mode) để ưu tiên giảm độ ẩm trong không khí, từ đó giúp cơ thể cảm thấy mát mẻ ngay lập tức.
Cứ mỗi khi độ ẩm giảm 10%, cảm giác nhiệt độ cơ thể cũng giảm khoảng 1~2℃, tạo cảm giác dễ chịu và mát lạnh hơn. Ngoài ra, chế độ hút ẩm còn tiết kiệm khoảng 30% điện năng so với chế độ làm lạnh, đồng thời giúp tránh tình trạng hạ nhiệt độ quá mức dẫn đến cảm lạnh.
Lưu ý, nếu thời tiết khô hanh hoặc nhiệt độ quá cao (ví dụ trên 35℃), thì vẫn nên chuyển về chế độ “Làm lạnh” để đảm bảo hiệu quả làm mát.
- Kết hợp hai chế độ “Làm lạnh + Quạt gió”
Khi vừa bật điều hòa, hãy chỉnh tốc độ gió lên mức cao nhất và đặt nhiệt độ ở mức 26℃. Nhờ luồng gió mạnh, không khí lạnh sẽ được lưu thông nhanh hơn, giúp làm mát toàn bộ căn phòng chỉ trong khoảng 5–10 phút.
Sau khi phòng đã mát đều, bạn có thể giảm tốc độ gió xuống để tránh bị gió lạnh thổi trực tiếp vào người, vừa thoải mái lại tiết kiệm điện.
- Bật “Chế độ ngủ” vào ban đêm
Khi đi ngủ vào buổi tối, hãy bật chế độ “Ngủ” (Sleep Mode) của điều hòa. Sau khi bạn ngủ khoảng 1–2 tiếng, điều hòa sẽ tự động tăng nhiệt độ lên khoảng 1~2℃, giúp tiết kiệm điện và tránh bị lạnh vào ban đêm.
Một số dòng điều hòa còn cho phép tùy chỉnh “đường cong giấc ngủ”, tức là có thể lập trình mức nhiệt theo từng khung giờ trong đêm. Tổng cộng trong 8 tiếng ngủ, điều hòa chỉ tiêu tốn khoảng 1 số điện mà thôi!
Xem thêm: 3 mẹo đơn giản giúp da luôn ẩm mịn, không khô ráp dù ngồi điều hòa cả ngày
6 mẹo tiết kiệm điện điều hòa, giảm ngay 30% tiền điện!
- Cài đặt nhiệt độ hợp lý
Nhiệt độ lý tưởng khi bật điều hòa là từ 26℃ đến 28℃. Cứ mỗi lần tăng 1℃, bạn có thể tiết kiệm từ 10% đến 30% điện năng.
Giữ nhiệt độ quá thấp không giúp làm mát nhanh hơn, mà chỉ khiến điều hòa tiêu tốn nhiều điện hơn.
Gợi ý, ban ngày bạn có thể cài nhiệt độ cố định ở mức 26℃. Ban đêm trời mát hơn, nên điều chỉnh ở mức 27℃ ~ 28℃. Khi ngủ, bật chế độ “Ngủ” (Sleep Mode) để tự động điều chỉnh phù hợp và tiết kiệm điện hơn.
- Ra ngoài thời gian ngắn không cần tắt điều hòa
Điều hòa khi mới khởi động tiêu tốn rất nhiều điện năng, gần tương đương với lượng điện tiêu hao trong 30 phút hoạt động liên tục. Việc bật tắt liên tục không chỉ tốn điện mà còn ảnh hưởng đến tuổi thọ của máy nén.
Vì thế, nếu bạn chỉ ra ngoài trong thời gian dưới 2 tiếng, không cần tắt điều hòa. Thay vào đó, hãy tăng nhiệt độ lên 1~2℃, sẽ tiết kiệm điện hơn nhiều so với việc tắt rồi bật lại. Khi về nhà, bạn cũng không cần đợi làm mát lại, vừa tiện lợi vừa tiết kiệm!
- Tận dụng chế độ “ECO tiết kiệm điện”
Nhiều người chưa từng dùng qua chế độ ECO – chế độ tiết kiệm năng lượng thông minh. Nó sử dụng thuật toán để tự động điều chỉnh công suất hoạt động, phù hợp khi sử dụng điều hòa trong thời gian dài.
Ở chế độ ECO, điều hòa tiêu thụ ít hơn khoảng 20% điện năng so với chế độ thông thường, rất lý tưởng cho gia đình bật điều hòa cả ngày lẫn đêm.
- Kết hợp điều hòa + quạt điện: Bộ đôi “vàng” tiết kiệm điện
Khi sử dụng điều hòa, bạn có thể bật thêm quạt điện để giúp luồng khí lạnh lan tỏa đều khắp phòng. Điều này giúp tránh tình trạng chỗ quá lạnh, chỗ quá nóng, tạo sự dễ chịu hơn.
Ngoài ra, nhờ có gió quạt thổi trực tiếp lên da, bạn có thể tăng nhiệt độ điều hòa lên 1~2℃ mà vẫn cảm thấy mát mẻ như cũ. Việc này giúp tiết kiệm điện đáng kể.
- Chặn ánh nắng từ bên ngoài
Ánh nắng chiếu trực tiếp vào phòng sẽ khiến nhiệt độ trong nhà tăng lên rõ rệt. Khi bật điều hòa, nếu kéo rèm che nắng hoặc dùng rèm cản sáng, bạn có thể giảm đến 50% lượng nhiệt bức xạ từ bên ngoài, từ đó giúp phòng mát nhanh hơn, tăng hiệu quả làm lạnh, giảm công suất hoạt động và tiết kiệm điện đáng kể.
- Vệ sinh lưới lọc định kỳ
Sau một thời gian sử dụng, lưới lọc của điều hòa sẽ bám đầy bụi bẩn, lông tóc, vừa là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn và virus phát triển, vừa làm giảm tốc độ gió, khiến luồng khí thổi ra không còn trong lành.
Do đó, khoảng 1–2 tháng một lần, bạn nên tháo lưới lọc ra và vệ sinh sạch sẽ. Việc này có thể giúp giảm khoảng 15% lượng điện tiêu thụ.
Ngoài ra, mỗi năm nên vệ sinh sâu dàn lạnh (bộ trao đổi nhiệt) một lần để ngăn ngừa vi khuẩn và nấm mốc tích tụ, đảm bảo sức khỏe và hiệu suất máy.
Bên cạnh các mẹo tiết kiệm điện, việc sử dụng điều hòa sao cho khỏe mạnh cũng rất quan trọng. Bạn nên tránh để gió lạnh thổi trực tiếp vào người, có thể điều chỉnh hướng gió hoặc lắp thêm tấm chắn gió.
Cứ mỗi 3 tiếng, nên mở cửa sổ thông gió khoảng 10 phút, hoặc kết hợp sử dụng máy lọc không khí, hệ thống thông gió. Để giữ ẩm cho không khí, có thể dùng máy tạo ẩm, hoặc đơn giản là đặt một chậu nước trong phòng, giúp giữ độ ẩm ở mức lý tưởng 40%~60%, từ đó nâng cao sự thoải mái và bảo vệ sức khỏe.