Bé gái 7 tuổi nhiễm cúm A sau biểu hiện sốt nhẹ, một hành động của bác sĩ khiến đứa trẻ ra đi mãi mãi

Bác sĩ lắc đầu, nói đã quá muộn khiến cả gia đình bé gái suy sụp.

Không giống như người lớn, sức đề kháng của trẻ sẽ yếu hơn rất nhiều nên chỉ cần một chút tác động xấu lên người, bé có thể bị bệnh, gặp bất ổn về sức khoẻ ngay lập tức, đó là lý do mà bình thường tỷ lệ mắc bệnh vặt ở trẻ thường rất cao. Nhưng nếu bố mẹ lơ là hoặc chủ quan, con rất dễ rơi vào tình huống nguy hiểm, thậm chí là đe doạ đến tính mạng bất cứ lúc nào.

Điển hình như trường hợp đau lòng xảy ra vào ngày 14 tháng 12 năm 2024 vừa qua, một cơn sốt nhẹ tưởng chừng như bình thường nhưng cuối cùng đã cướp đi mạng sống của cô bé 7 tuổi Tiểu Vũ (Trung Quốc), khiến nhiều người vừa xót xa vừa hoang mang.

Theo đó, Tiểu Vũ đột nhiên sốt nhẹ mà không có triệu chứng cảm lạnh rõ ràng. Ban đầu, bà và mẹ của cô bé nghĩ con bị cảm lạnh và bà ngoại đã cho cháu gái uống thuốc ibuprofen.

Đến 5 giờ sáng, nhiệt độ cơ thể bé gái lại tăng cao, bà ngoại vội vã đưa cháu đến bệnh viện gần nhà. Ban đầu, bác sĩ chẩn đoán bé bị nhiễm virus nhưng không tiến hành kiểm tra thêm và cho đứa trẻ về nhà theo dõi. Đến chiều, bé gái lại bị sốt cao hơn và gia đình lại lần nữa gấp rút đưa con nhập viện. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, bác sĩ vẫn không thể xác định được loại virus và đề nghị điều trị bằng đường tĩnh mạch.

Truyền dịch xong, nhiệt độ của Tiểu Vũ tạm thời giảm xuống, nhưng cô bé bắt đầu co giật vào khoảng 7 giờ tối và sốt lên tới 41 độ. Ngay sau đó, Tiểu Vũ đã nhanh chóng được chuyển đến bệnh viện thành phố, và cuối cùng được chẩn đoán mắc bệnh não hoại tử cấp tính tại Bệnh viện Nhi trực thuộc Đại học Y Trùng Khánh, nguyên nhân là do nhiễm trùng cúm A.

Các bác sĩ đã cố gắng hết sức để cứu mạng cô bé nhưng không thành công. Vào ngày 17 tháng 12, Tiểu Vũ được điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt trong ba ngày nhưng cuối cùng đã ra đi mãi mãi. Trước cái chết đột ngột của con gái, gia đình Tiểu Vũ đã hoàn toàn suy sụp, không ai có thể chấp nhận được sự thật quá đau đớn này.

Sự ra đi của Tiểu Vũ đã gây nên làn sóng tranh luận sôi nổi. Có nhiều quan điểm khác nhau về việc phân định trách nhiệm. Một số người cho rằng, thảm kịch này xảy ra do sự tắc trách của gia đình vì đã lơ là và chủ quan, không điều trị kịp thời ở giai đoạn đầu phát hiện bệnh của đứa trẻ.

Nhóm phụ huynh khác lại cho rằng nguyên nhân là do những khiếm khuyết trong hệ thống y tế, vì các bác sĩ đã không xác định chính xác tình trạng Tiểu Vũ nhiễm virus cúm A trong quá trình chẩn đoán ban đầu, để rồi mọi chuyện dẫn đến kết cục xấu nhất, và không thể cứu chữa được nữa.

Câu chuyện này là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc bố mẹ, tuyệt đối đừng bao giờ xem nhẹ mọi dấu hiệu liên quan đến tình trạng sức khoẻ không ổn của con. Dù nặng, dù nhẹ, diễn biến của nó cũng vô cùng khó lường và phụ huynh không thể lường trước được chuyện gì sẽ xảy đến với đứa trẻ của mình, thế nên tốt nhất hãy đưa con đến bệnh viện, phòng khám gần nhất để chữa trị kịp thời.

Bệnh cúm là gì?

Cúm là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính do vi-rút cúm gây ra. Virus cúm được chia thành bốn loại: A, B, C và D. Virus cúm A và B có thể lây lan và gây ra các bệnh dịch theo mùa.

Cúm không phải là cảm lạnh thông thường. Xét về mức độ gây tử vong ở người, cảm lạnh và cúm không cùng cấp độ. Mỗi năm, trên toàn thế giới có khoảng 3 đến 5 triệu ca mắc cúm nặng và tỷ lệ tử vong do cúm nặng là khoảng 10%.

Có khoảng 20% ​​đến 30% trẻ em bị nhiễm cúm theo mùa. Điều đó có nghĩa là cứ 4 trẻ em thì có gần 1 trẻ bị cúm. Trong đó, tỷ lệ nhiễm bệnh cao nhất ở trẻ em từ 5 đến 9 tuổi. Khoảng 30% trẻ em bị cúm sẽ gặp biến chứng.

Điều đáng sợ nhất là nếu không được điều trị kịp thời, bệnh cúm có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như: viêm phổi, hội chứng suy hô hấp cấp, đông máu rải rác nội mạch cấp tính, viêm cơ tim, suy tim, viêm não,...

Trong những trường hợp nghiêm trọng, nó có thể gây ra tình trạng tàn tật hoặc thậm chí tử vong. Vì vậy, cha mẹ phải chú ý đến bệnh cúm, vì các triệu chứng của bệnh cúm rất giống với bệnh cảm lạnh, nên nếu không chẩn đoán đúng, việc điều trị có thể dễ bị trì hoãn.

Cha mẹ nên phân biệt giữa cúm và cảm lạnh như thế nào?

Ba cách trực tiếp nhất để đánh giá bệnh cúm là:

- Sốt cao đột ngột: Không giống như cảm lạnh thông thường, cúm gây sốt nhanh mà hầu như không có dấu hiệu cảnh báo. Sốt có thể tăng vọt lên đến 39°C hoặc thậm chí cao hơn, và em bé sẽ cảm thấy ớn lạnh và run rẩy.

- Triệu chứng toàn thân rõ ràng: Bệnh cúm sẽ có triệu chứng toàn thân rõ ràng hơn, biểu hiện chính là “đau”.

- Nếu trẻ không sốt 39°C nhưng có các triệu chứng như đau nhức cơ thể, mệt mỏi, chán ăn, mặt đỏ và xung huyết kết mạc thì đó cũng có thể là bệnh cúm.

- Trẻ sơ sinh không thể thể hiện bản thân sẽ khóc, trở nên bám người và không muốn di chuyển vì những cảm giác khó chịu này.

- Trạng thái tinh thần kém. Nếu trẻ bị cảm lạnh nhẹ, trạng thái tinh thần của trẻ thường sẽ tốt hơn, nhưng nếu trẻ bị cúm, trạng thái tinh thần của trẻ rõ ràng sẽ xấu đi.

Đặc biệt khi trẻ có 8 triệu chứng sau đây thì có thể là dấu hiệu báo trước của biến chứng và rất nguy hiểm, cần đưa trẻ đi khám ngay:

1. Nôn mửa hoặc tiêu chảy nghiêm trọng, có dấu hiệu mất nước

2. Đau tai dai dẳng

3. Khó thở

4. Sốt cao kèm theo phát ban trên da

5. Ho không dừng lại

6. Lượng đờm nhiều và có màu xanh

7. Lờ đờ hoặc không muốn giao tiếp, buồn ngủ, hay khóc, bồn chồn hoặc lên cơn co giật

8. Sốt cao liên tục trong 3 ngày hoặc thậm chí lâu hơn, đau đầu, đau nhức cơ thể, ớn lạnh, trạng thái tinh thần kém và chán ăn

KIỀU TRANG