Nhiều nghiên cứu từ các chuyên gia, và thực tế đã chứng minh con gái gần gũi và thân thiết với bố sẽ tạo ra nhiều giá trị tích cực, không chỉ nâng cao tình cảm gia đình mà bố còn có ảnh hưởng lớn trên hành trình phát triển tâm tính cách của trẻ. Đó là lý do mà ngay từ khi còn nhỏ, ngoài mẹ ra thì người bố cũng cần dành nhiều thời gian để xây dựng sự liên kết mạnh mẽ với nàng công chúa nhỏ của mình.
Tuy nhiên, trong một số gia đình thường xảy ra tình huống con gái tỏ “thái độ” xa lánh, tránh né bố khiến ai nhìn vào cũng “dở khóc dở cười”, đơn cử như gia đình cặp đôi nổi tiếng nhất nhì Vbiz Khánh Thi - Phan Hiển.
Vợ chồng Khánh Thi - Phan Hiển có 3 bé, bao gồm 1 hoàng tử và 2 công chúa. Trong khi anh chị lớn Kubi và Anna rất thích bám bố thì cô em út Lisa lại trái ngược hoàn toàn. Nếu những người hâm mộ có theo dõi gia đình nữ hoàng dancesport Khánh Thi thì sẽ quan sát thấy, qua các video vui nhộn mà bà mẹ 3 con thường quay và đăng tải trên trang cá nhân về cuộc sống gia đình, có không ít khoảnh khắc ái nữ Lisa “phân biệt đối xử” rõ ràng giữa bố và mẹ.
Mỗi lần ở bên mẹ, cô nhóc vui cười tít cả mắt, nhưng hễ thấy bố hay bố muốn bế bồng, trêu chọc là Lisa lại có biểu cảm khó chịu, lảng tránh đi chỗ khác khiến ai xem cũng không nhịn được cười. Thế nhưng khi càng lớn, và có lẽ nhờ bố Phan Hiển đã kiên trì cải thiện tình cảm với ái nữ nên Lisa đã có sự gần gũi, thân thiết với bố hơn trước.
Minh chứng là trong loạt ảnh được gia đình chia sẻ trên page cá nhân, Lisa và bố Phan Hiển kề cạnh nhau rất vui, không có dấu hiệu gì là né tránh cả. Thậm chí, dòng trạng thái dễ thương đính kèm với những hình ảnh còn như lời khẳng định về mối quan hệ hiện tại giữa 2 bố con, “Nay người ta (ý nói bé Lisa) tình củm lắm nhé!”
Có thể nói trong giai đoạn sơ sinh, trẻ sẽ cần mẹ nhiều hơn bởi sự chăm sóc của mẹ thường chu đáo và tinh tế nhưng cũng không thể vắng bố. Khi các con lớn lên, nhất là khi lên 4, 5 tuổi, các con càng cần ở bên bố nhiều hơn vì bố có bờ vai rộng, tính cách mạnh mẽ, dũng cảm có thể là chỗ dựa vững chắc nhất cho con, đặc biệt là các bé trai. Dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, câu nói “Đừng lo, có bố ở đây rồi” của bố có thể xua tan nỗi sợ hãi, lo lắng trong lòng đứa trẻ.
Người bố là chỗ dựa của con, có thể cho con cảm giác an toàn, đặc biệt một người cha ưu tú sẽ trở thành “thần tượng” mà con ngưỡng mộ. Bố là người đàn ông đầu tiên xuất hiện trong cuộc đời đứa trẻ, khi con lớn lên có bố đồng hành có thể giúp con hiểu mình hơn, tự tin hơn.
Tiến sĩ Obie Clayton - Đại học Morehouse, cho biết: “Người cha có ảnh hưởng rất lớn đến con gái và nhiều hơn nữa với con trai. Nếu người cha có thể đồng hành cùng con gái mình với chất lượng cuộc sống cao hơn thì những cô gái này cũng sẽ có con đường trường thành suôn sẻ hơn trong tương lai."
Vì vậy, mỗi đứa trẻ cần có sự đồng hành và thừa nhận của cả bố lẫn mẹ. Đứa trẻ chỉ lớn lên một lần, khi lớn lên và nhớ lại tuổi thơ, nếu tất cả những điều tốt đẹp đều đến từ mẹ thì đó sẽ là sự tiếc nuối rất lớn.
Tuy nhiên không phải ông bố nào cũng có nhiều thời gian dành cho con mỗi ngày bởi quỹ thời gian phải chia cho nhiều việc khác nhau. Chính vì thế, dưới đây là những cách giúp người bố bận rộn vẫn gần gũi được với con:
Bố hãy luôn đồng hành và trao yêu thương cho con trong quá trình trưởng thành bằng cách:
Trò chuyện, vui chơi với con bất kì khi nào rảnh rỗi
Một trong những cách tốt nhất để gắn kết tình cảm với con là dành ra những khoảng thời gian để vui đùa cùng nhau, dành cho con những cử chỉ, hành động yêu thương. Bố có thể cùng con xem phim hoạt hình mà trẻ thích, cùng trẻ đọc sách và lắng nghe sự hiểu biết của trẻ về các câu chuyện; hướng dẫn trẻ chia sẻ những câu chuyện vặt trong cuộc sống...
Chỉ bằng cách chủ động tìm hiểu thế giới của con cái và lắng nghe tiếng nói của trẻ, bố mới có thể đi vào tâm hồn con cái. Bố chú ý, không nên coi trọng việc dành cho trẻ bao nhiêu giờ mỗi ngày hay bao nhiêu hoạt động, dẫn trẻ đi chơi những đâu mà hãy chú tâm đến chất lượng của mỗi lần tương tác.
Ngoài ra, bố nên chủ động dành cho con những cái ôm, đây là một cách tuyệt vời để kết nối với con và giúp củng cố tình cảm của cả hai.
Tôn trọng quan điểm của con
Sự khác biệt lớn nhất giữa bố và con là có những trải nghiệm khác nhau và rất khó để hiểu nhau. Hiện nay, rất nhiều gia đình định nghĩa sai về sự tôn trọng dẫn đến những vấn đề tiêu cực trong mối quan hệ của bố và con cái.
Giáo sư Li Meijin cho rằng, trong trường hợp này bố nên cư xử đúng mực, không xâm phạm đến quyền riêng tư của con cái, có thái độ quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc và sức khỏe của con cái, từ đó có thể hỗ trợ con trong việc đưa ra các quyết định hợp lý nhất.
Khi trẻ nhận được sự tôn trọng từ bố, con sẽ ý thức hơn với hành động, cuộc sống của mình để hoàn thiện nhân cách và có những bước tiến dài trên quá trình phát triển bản thân.
Vi dụ: Khi con khóc, cảm thấy bị làm sai và buồn, bố nên bỏ suy nghĩ của người lớn, không nên trách con dưới góc độ của người lớn mà nên hướng trẻ phản ánh và giải quyết vấn đề từ góc độ của trẻ.
Để con được giúp đỡ bố khi bố cần
Các nghiên cứu đã tiết lộ trẻ sơ sinh từ 12 tháng tuổi theo bản năng đều muốn giúp đỡ bố mẹ của mình nếu được cho phép. Điều này dẫn đến việc trẻ sẽ tiếp tục làm điều đó một cách tự nhiên cho đến khi trẻ trưởng thành trong cuộc sống sau này.
Còn với một đứa trẻ không được bố mẹ cho làm việc nhà từ nhỏ, thì khi trở thành thanh thiếu niên, trẻ sẽ không ý thức được bản thân cần chủ động thực hiện các phần việc của mình hay tự nguyện làm việc nhà.
Một trong những bản năng tự nhiên của trẻ nhỏ là muốn chứng tỏ mình có ích. Khi bố giao cho con những việc nhỏ phù hợp với sức bé, con sẽ thấy mình có trách nhiệm hoàn thành và cảm nhận được xem trọng từ người lớn.
Bố nên khen ngợi khi con thực hiện tốt và dành cho bé một phần thưởng nhỏ. Phương pháp này sẽ giúp bố và con đến gần nhau hơn, đồng thời nuôi dưỡng tính cách tự tin, thích giúp đỡ người khác của bé sau này.