Khi nói đến các lớp học khiêu vũ, không thể không nhắc đến sự yêu thích của nhiều bé gái với môn nghệ thuật này. Khiêu vũ không chỉ giúp bé gái dẻo dai hơn mà còn cải thiện tư thế, sự phối hợp linh hoạt của những bộ phận cơ thể. Chính vì vậy, nhiều bậc phụ huynh rất ủng hộ và tạo điều kiện để con gái tham gia các lớp học khiêu vũ. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ hoạt động thể chất nào, việc học sai cách có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ. Đó là lý do mà bố mẹ cần cẩn trọng, quan tâm đến con khi cho bé học bộ môn này.
Tiểu Ngọc (9 tuổi, Trung Quốc) từ nhỏ đã đam mê khiêu vũ và ca hát. Để khuyến khích sở thích này của con, bố mẹ đã đăng ký cho cô bé một lớp học khiêu vũ. Hôm nay như thường lệ, Tiểu Ngọc đến phòng tập. Buổi tập hôm nay có nhiều động tác khó, và sau nhiều lần lặp lại bài tập, cô bé bắt đầu cảm thấy đau nhức cơ bắp.
Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên gặp phải tình trạng này, nhưng với quyết tâm và niềm yêu thích đặc biệt, Tiểu Ngọc vẫn cố gắng hoàn thành buổi học. Tuy nhiên, sau khi trở về nhà, cơn đau nhức trở nên nghiêm trọng đến nỗi cô nhóc không thể đứng vững. Mẹ đứa trẻ nhận thấy điều bất thường ở con, nhưng cho rằng vì bé đã tập luyện quá sức nên bị đuối, khuyên con nghỉ ngơi, ngủ sớm sẽ khỏe ngay.
Nào ngờ sau một đêm, mặc dù cơn đau nhức cơ bắp của Tiểu Ngọc đã giảm bớt, nhưng cơn đau ở bụng lại trở nên nghiêm trọng hơn. Cô bé mỗi lần ngồi, hay nằm xuống là không thể đứng dậy, cử động trở nên khó khăn, cảm giác này hoàn toàn khác so với những cơn đau cơ trước đó. Nhận thấy tình hình nghiêm trọng, bố mẹ Tiểu Ngọc lập tức đưa cô bé đến Khoa Nhi của Bệnh viện Nhân dân số 1 Hàng Châu để kiểm tra.
Tại bệnh viện, Giám đốc Khoa Nhi đã thực hiện nhiều cuộc kiểm tra cho Tiểu Ngọc. Kết quả xét nghiệm cuối cùng khiến bố mẹ nhóc tỳ hoang mang: tất cả các chỉ số đều vượt ngưỡng an toàn, đặc biệt là chỉ số creatine kinase lên tới 5027 U/L. Tiểu Ngọc được chẩn đoán mắc bệnh tiêu cơ vân, một tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến suy thận cấp nếu không được điều trị kịp thời.
Sau khi nhập viện, đội ngũ y tế đã tích cực điều trị cho cô bé. May mắn thay, sau 4 ngày điều trị, các chỉ số sức khỏe của Tiểu Ngọc đã dần trở lại bình thường, và đứa trẻ đã được xuất viện trong niềm vui, thở phào nhẹ nhõm của gia đình.
Tuy con gái đang hồi phục tích cực, nhưng sự cố này xảy ra cũng đã khiến cho mẹ của Tiểu Ngọc không khỏi lo lắng. Chị đã có cuộc trò chuyện sâu với bác sĩ điều trị cho con gái, để tìm hiểu kỹ hơn về nguyên nhân, và cách nuôi dạy con phù hợp trong quá trình để bé tham gia các lớp học năng khiếu nghệ thuật, điển hình như khiêu vũ.
Vị bác sĩ đã giải thích và đưa ra lời khuyên để tránh con trẻ rơi vào chấn thương như trên trong khi tập luyện:
Tiêu cơ vân là bệnh gì?
Trên bề mặt cơ xương và cơ tim của con người, có những đường vân đặc trưng, vì vậy cả hai loại cơ này đều được gọi là cơ vân. Tiêu cơ vân chủ yếu liên quan đến sự tan rã của cơ xương, xảy ra khi màng tế bào của sợi cơ bị tổn thương do nhiều yếu tố khác nhau. Khi bị tổn thương, các chất trong tế bào như myoglobin, creatine kinase và một lượng lớn ion kali nhanh chóng được giải phóng vào máu. Những chất này có thể gây tắc nghẽn ống thận và dẫn đến tổn thương cho thận, tim và gan, tạo ra một gánh nặng lớn cho cơ thể. Trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến suy thận cấp, rối loạn nhịp tim, rối loạn chuyển hóa, thậm chí có thể gây tử vong đột ngột.
Nguyên nhân dẫn đến tiêu cơ vân có thể được chia thành hai loại: nguyên nhân vật chất và phi vật chất. Tình trạng của bé Tiểu Ngọc ở trường hợp trên chủ yếu do các nguyên nhân vật chất, như tập luyện quá sức, chấn thương cơ, hoặc nhiệt độ cơ thể cao (sốt). Ngoài ra, các yếu tố như điện giật, thuốc, chất độc, nhiễm trùng, rối loạn chuyển hóa và các bệnh tự miễn cũng có thể góp phần vào tình trạng này. Một ví dụ điển hình là tiêu cơ vân do ăn nhiều tôm càng chứa độc tố.
Cách phòng tránh?
Bác sĩ nhấn mạnh rằng khả năng chịu đựng của đứa trẻ là khác nhau, vì vậy cần tự đánh giá mức độ bài tập phù hợp với khả năng của bản thân. Không nên mù quáng theo số đông mà quên đi giới hạn sức khỏe của mình. Đối với những trẻ có thể lực yếu, việc giảm cường độ tập luyện là rất cần thiết.
Bác sĩ cũng lưu ý rằng quá trình tập luyện nên được thực hiện từ từ. Nếu cảm thấy đau nhức cơ nghiêm trọng sau khi tập, hãy lập tức ngừng luyện tập. Ngoài ra, việc khởi động trước khi tập và bổ sung nước kịp thời sau khi tập là rất quan trọng. Nên uống nước với lượng nhỏ nhưng thường xuyên để tránh mất nước và giúp thận bài tiết các chất chuyển hóa hiệu quả, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tiêu cơ vân. Cũng nên tránh tiêu thụ nhiều tôm càng và các thực phẩm chứa độc tố khác.
Nguyên tắc điều trị bệnh tiêu cơ vân là phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nếu sau khi tập luyện mà xuất hiện cơn đau cơ nghiêm trọng, cần tạm dừng tập luyện, nghỉ ngơi đầy đủ và uống nhiều nước. Nếu tình trạng không cải thiện rõ rệt, hoặc nếu thấy nước tiểu có màu xì dầu, giảm lượng nước tiểu, thậm chí không có nước tiểu, hãy đến bệnh viện ngay để được khám và điều trị, tránh làm tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.