Theo công bố của bộ Y tế, BN1440 và 1451 là hai người vượt biên vào Việt Nam, ghi nhận tại Vĩnh Long và TP.HCM. Ngoài nhập cảnh trái phép, họ còn có nhiều vi phạm khác, đối mặt các mức phạt hành chính lẫn hình sự.
Phạt tiền với hành vi nhập cảnh trái phép
Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh thông luật, hành vi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam sẽ được xử lý theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP và Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, tùy mức độ nguy hiểm của hành vi nhập cảnh trái phép và số lần vi phạm để áp dụng chế tài phù hợp, có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 17 Nghị định 167 nêu rõ phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với người có hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất, nhập cảnh theo quy định. Người nước ngoài nhập cảnh mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam bị phạt 15-25 triệu đồng.
Những người xuất, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này nhưng tái phạm, sẽ bị phạt 5-50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (Điều 347 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Luật sư Bình cũng cho biết những cá nhân đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam sẽ bị khởi tố "tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép" theo Điều 348 Bộ luật Hình sự. Mức phạt cao nhất là 15 năm tù giam.
Người phạm tội còn có thể bị phạt 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm theo quy định tại khoản 4 Điều 348 Bộ luật Hình sự.
Hành vi bao che, tiếp tay cho người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam cũng bị phạt hành chính 15-25 triệu đồng. Với người nước ngoài, tùy mức độ, họ có thể bị trục xuất khỏi Việt Nam.
Bên cạnh xử phạt hành chính, hành vi bao che, tiếp tay cho người nhập cảnh trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 348 Bộ luật Hình sự. Mức phạt là 1-15 năm tù tùy tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội.
Ngoài ra, người vi phạm có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến 5 năm.
Truy tố trách nhiệm hình sự khi nào?
Luật sư Nguyễn Văn Hưng, Phó giám đốc công ty luật The Light, cho biết BN1440 và nam thanh niên nhập cảnh trái phép dương tính với SARS-CoV-2 có nguy cơ bị truy tố trách nhiệm hình sự.
Ngày 21/9, Bộ Y tế ban hành công văn 4995 về việc hướng dẫn tạm thời giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam. Theo đó, bất kỳ trường hợp nào nhập cảnh vào Việt Nam đều phải thực hiện cách ly 14 ngày. BN1440 và 1451 nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và không thực hiện cánh ly là vi phạm quy định của Bộ Y tế.
Họ đã có hành vi "Không tuân thủ quy định cách ly; Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc gian dối; hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người" quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.
Về trách nhiệm hình sự, hai người này đối diện với quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự và phụ thuộc mức độ lây lan của dịch bệnh cũng như hậu quả. Nếu dịch bệnh được khống chế tốt, hình phạt theo Khoản 1 Điều 240 là phạt tiền 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm.
Nếu một trong các trường hợp sau xảy ra, các đối tượng này có thể bị phạt tù từ 5 đến 10 năm theo Khoản 2 Điều 240: Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Y tế; Làm chết người.
Hình phạt sẽ là phạt tù từ 10 đến 12 năm theo Khoản 3 Điều 240 nếu dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; hoặc làm chết 2 người trở lên.
Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến 5 năm.