Bệnh tay chân miệng đang gia tăng rất nhanh, bác sĩ chỉ ra dấu hiệu cần cho trẻ đi viện ngay

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cảnh báo, bệnh tay chân miệng tại TP đang gia tăng rất nhanh, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Tính từ đầu năm đến giữa cuối tháng 3/2021, toàn TP.HCM có 2.564 ca bệnh tay chân miệng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020 (1.044 ca). Riêng tuần 11 (tuần trước) có 346 ca tay chân miệng, tăng gấp 2,2 lần so với trung bình 4 tuần trước (152 ca). 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức đều có số bệnh nhân bị tay chân miệng gia tăng ở mức báo động.

Theo HCDC, qua phân tích số liệu ghi nhận bệnh tay chân miệng theo tuần cho thấy, bệnh bắt đầu tăng từ tuần 10, đến tuần 11 bệnh tăng rất mạnh, tăng gấp 2,2 lần so với trung bình 4 tuần trước. Các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM tăng ở mức báo động, đặc biệt là các quận 1, 4, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và khu vực II, III của TP.Thủ Đức.

dsc-0029-zfes-1616830880.jpg
Bệnh tay chân miệng đang gia tăng, người dân cần cảnh giác. Ảnh: Thanh Niên

Theo HCDC, tháng 3, tháng 4 là thời điểm số ca mắc bệnh tay chân miệng thường tăng cao khi trẻ trở lại trường học sau khi nghỉ tết. Để kiểm soát tình hình dịch bệnh tay chân miệng, các trường học cần tuân thủ thực hiện các hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong trường học.

Theo đó, cần theo dõi giám sát phát hiện sớm trẻ bệnh để cách ly kịp thời thông qua hoạt động điểm danh, ghi nhận những trường hợp nghỉ vì bệnh mỗi ngày. Bên cạnh đó nhà trường cũng cần đề nghị phụ huynh thông báo rõ lý do nếu con em mình nghỉ học. Phụ huynh khi có con mắc bệnh hãy chủ động cho trẻ nghỉ học, thông tin đến nhà trường lý do trẻ nghỉ học.

Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng gia tăng báo động, sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố HCDC đã xây dựng kế hoạch giám sát, hỗ trợ công tác phòng chống bệnh tay chân miệng hàng tuần tại các quận huyện có số ca báo động.

BSCK II Nguyễn Trần Nam – Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng TP.HCM cho biết, bệnh tay chân miệng hay còn gọi là phân miềng – đây là cách lây lan của bệnh. Chính vì thế, nếu dịch xảy ra ở các cơ sở mầm non thì dịch tăng rất nhanh. Em bé đi vệ sinh sau đó vệ sinh tay chân không sạch sẽ dẫn tới virus lây lan bằng cách trẻ chơi đồ chơi, va chạm vào sàn nhà rồi vô tình đưa tay vào miệng dẫn tới virus xâm nhập vào cơ thể.

Ngay cả người lớn cũng có thể mang nguồn bệnh về cho trẻ. Tay chân miệng không biểu hiện trên người lớn nhưng nếu người lớn tiếp xúc với virus sẽ là nguồn lây cho trẻ con.

Dấu hiệu biến chứng nặng

Khi virus vào cơ thể, chúng có giai đoạn ủ bệnh 3 – 6 ngày. Giai đoạn khởi phát bắt đầu với các triệu chứng dễ nhận thấy gồm: Trẻ bị sốt, mệt mỏi, sốt  nhẹ (37,5-38 độ C) hoặc bị sốt cao (38-39 độ C), đau họng, tổn thương ở răng miệng, chảy nước miếng nhiều, tiêu chảy.

Khi toàn phát trẻ thường xuất hiện phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông. Các bóng nước có đường kính 2 – 10mm, màu xám, hình bầu dục. Chúng có thể mọc lồi hoặc ẩn dưới da, sờ có cảm giác cộm, không đau, không ngứa.

Loét miệng: ở niêm mạc má, lợi và lưỡi của trẻ xuất hiện các bóng nước có đường kính 2 – 3mm, dễ vỡ. Khi vỡ tạo thành các vết loét khiến trẻ đau khi ăn, quấy khóc.

Trên mông của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ xuất hiện các mụn lở, rộp da.

Theo BS Nam, trẻ bị tay chân miệng có thể theo dõi điều trị tại nhà. Tuy nhiên, ở một số trường hợp trẻ bị tay chân miệng có biến chứng.

Khi trẻ bị tay chân miệng biến chứng nguy hiểm nhất là tổn thương não, tổn thương thần kinh, tổn thương tim mạch, hô hấp dẫn tới tử vong nhanh. Có bệnh nhân buổi sáng chơi bình thường nhưng đến chiều biến chứng nặng và tối đã tử vong.

Khi trẻ bị tay chân miệng dấu hiệu trở nặng của bệnh đó là em bé sốt cao từ 39 – 40 độ C, tay chân trẻ lạnh, uống thuốc không hạ sốt cần cho trẻ tới cơ sở y tế ngay vì trẻ có thể có biến chứng.

Trẻ sốt đi sốt lại trên 2 ngày đây dấu hiệu trẻ có bội nhiễm.

Trẻ kèm theo dấu hiệu giật mình, có cảm giác vào giấc ngủ nhưng có dấu hiệu chới với đây là dấu hiệu của tổn thương não. Trẻ bị tay chân miệng đi đứng không vững, cầm đồ vật không vững nên đưa trẻ tới bệnh viện ngay để theo dõi.

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị hay vaccine phòng bệnh tay chân miệng. Cách điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc bệnh nhân tại nhà và sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, bù đủ nước cho cơ thể theo hướng dẫn của bác sĩ.

Trường hợp bé bị sốt cao, bạn có thể sử dụng thuốc Paracetamon để hạ sốt và giảm đau. Lưu ý, tuyệt đối không sử dụng thuốc có chứa thành phần Aspirin. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên sử dụng nước muối 0.9% để sát trùng niêm mạc cho trẻ.

BS Nam cho biết, tay chân miệng không có vắc xin phòng bệnh, tuy nhiên, bố mẹ có thể làm giảm nguy cơ bị nhiễm các loại virus gây bệnh tay chân miệng bằng những cách đơn giản sau đây: Rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn, ăn uống, cho trẻ nhỏ ăn, sử dụng nhà vệ sinh, sau khi thay tã cho trẻ và sau khi tiếp xúc với các bọng nước. Tránh ôm, hôn, dùng chung quần áo, đồ dùng cá nhân với trẻ nhiễm bệnh. Khi trẻ bệnh, tránh cho trẻ tiếp xúc nơi đông người như đi nhà trẻ, trường học.

Hải Đăng (T/h)