Bí ẩn kinh dị trong hang "ma" ở Hoà Bình, người dân chỉ cần nhắc đến đã khiếp sợ

CTV
“Nhiều chuyện xảy ra tại hang Trâu khiến nỗi sợ hãi của chúng tôi cứ lớn dần. Thậm chí suốt một thời gian vào ngày mưa gió hoặc trời chập choạng tối, mọi nhà trong bản đều đóng cửa đi ngủ, chẳng ai dám bước chân ra ngoài", một già làng cho biết.

Ghé Trung Sơn (Lương Sơn, Hoà Bình) hỏi hang hiến tế ở bản Chũm ai cũng hay biết! Họ gọi đó là hang Trâu với bao nỗi khiếp sợ khi nhắc đến. Bởi xưa ở khu vực này vào ngày gió bấc mưa phùn thường xuất hiện những luồng ánh sáng phát ra từ đỉnh núi.

Dân bản địa sống lâu năm ở đó kể rằng, những luồng sáng đó mờ ảo hình người, thoắt ẩn thoắt hiện giống như ma hình người. Và khi chúng bay đến ngọn núi gần miệng hang Trâu bỗng dưng vụt tắt.

Chưa dừng ở đó, người dân xứ này còn truyền tai nhau chuyện một cặp vợ chồng đi phát nương, khi ngang qua khu rừng bỗng thấy toàn thân lạnh toát và ngửi thấy mùi tử khí. Cặp đôi sợ hãi vứt lại gùi một mạch chạy về nhà kêu không thành tiếng! Hoặc họ thi thoảng lại kể cho nhau nghe câu chuyện mới xảy ra về một chàng thanh niên đi kiếm củi gần miệng hang rồi mất tích. Gia đình dù huy động toàn bộ thanh niên tri tráng trong làng đi tìm nhưng không thấy.

Dãy núi chứa hang Trâu.

Vài năm sau, người ta đã phát hiện ra một bộ xương khô nằm nay ở miệng hang Trâu. Lúc này già làng trong bản đồ rằng chàng trai bị thần linh bắt đi hiến tế… Từ đó hang Trâu đã được dân nơi này gọi là hang hiến tế.

“Nhiều chuyện xảy ra tại hang Trâu khiến nỗi sợ hãi của chúng tôi cứ lớn dần. Thậm chí suốt một thời gian vào ngày mưa gió hoặc trời chập choạng tối, mọi nhà trong bản đều đóng cửa đi ngủ, chẳng ai dám bước chân ra ngoài. Đến bây giờ, chúng tôi cũng hiếm khi vào khu vực ấy, phần vì nó rậm rạp, cây cối um tùm, còn lại do sợ rước hoạ vào thân lắm”, một già làng trong bản cho biết.

Theo già làng này, hang Trâu nằm ở lưng chừng một ngọn núi được bao quanh bởi cây cối rậm rạp. Ai tò mò muốn ghé thăm để “mục sở thị” phải băng qua quãng đường lầy lội và chứa đầy hiểm nguy hơn một giờ đồng hồ.

“Ai không thông thạo đường đi vào hang Trâu thường bị lạc xa hơn! Người trong bản cũng không dám ghé tới, chỉ có nhà nào có nương ngô ở gần hang thì qua đó thôi! Họ cũng nói rằng ngày nào đi qua đó để làm rẫy và chẳng thấy gì cả? Song chúng tôi không tin. Ngoài ra thi thoảng có đám đào vàng ghé tới xem có mót được cái gì đáng giá hay không”, một người đàn ông sinh sống tại bản Chũm cho biết.

Ai tò mò muốn ghé thăm hang Trâu để “mục sở thị” phải băng qua quãng đường lầy lội và chứa đầy hiểm nguy hơn một giờ đồng hồ.

Dù có nhiều giai thoại liên quan đến ma mị ở hang Trâu là thế nhưng trưởng bản Chũm từng cho biết có nhiều đoàn khảo cổ vào hang để khảo sát thực địa và phát hiện ra hộp sọ người có niên đại khoảng 3.000 năm trước. Ông khẳng định, chuyện ma mị, hiến tế, tiếng người nguyên thủy chỉ là lời đồn thổi từ ngày xưa và hiện được một số người sợ hãi thêu dệt nên.

Về chuyện chàng thanh niên mất tích bí ẩn rồi phát hiện bộ xương khô sau vài năm, trưởng bản lý giải rằng xưa quanh hang Trâu cây cối um tùm, có nhiều thú dữ trú ẩn nên việc mất trâu bò hay người vào đó mất tích có thể do bị thú dữ giết hại. “Chàng trai ấy có thể do thú dữ tha đi đâu đó rồi mang trở lại cửa hàng ăn thịt và để lại bộ xương khô. Không thể có chuyện thần linh bắt để hiến tế được, thật hoang đường”, trưởng bản Chũm nói.

Còn luồng ánh sáng mờ ảo hình người, vị trưởng bản giải thích có thể do vào ngày nắng, các nhũ đá trong hang phản chiếu ánh sáng ra ngoài! Hơn nữa tiếng động lạ mà người dân bản địa bảo như tiếng người nguyên thủy là do tiếng nước chảy róc rách hoặc tiếng của mấy con khỉ vào đây ăn trộm ngô, sắn của người dân.

Hiện nay, hang Trâu đang được chính quyền địa phương ưu tiên định hướng phát triển du lịch. Song do địa thế hiểm trở nên nhiều doanh nghiệp đang cân nhắc chuyện đầu tư.