Bị mắc sốt xuất huyết nên ăn gì, kiêng gì?

Sốt xuất huyết có những dấu hiệu cảnh báo nặng như: Mệt lả đi, nôn, đi ngoài phân đen, chảy máu chân răng, chảy máu mũi không cầm được.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc BV Nhiệt đới Trung ương, với sốt xuất huyết, trong giai đoạn 3 ngày đầu, bệnh nhân sốt cao, đau mỏi người, ăn uống kém, cơ thể thiếu nước.

Do đó, biện pháp lý tưởng là bù nước bằng đường ăn uống. Tuy vậy, nếu người bệnh quá mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn nên không bù đủ được bằng đường ăn uống thì có thể truyền dịch. Lưu ý phải lựa chọn dịch để cân bằng được nồng độ natri trong máu, tránh hạ natri gây trầm trọng tình trạng thoát dịch trong giai đoạn sau:

Trong giai đoạn có diễn biến nặng (thường ngày thứ 4-7 của bệnh) có tình trạng tăng tính thấm thành mạch, thoát dịch ra khỏi lòng mạch gây cô đặc máu và thiếu thể tích tuần hoàn.

Đời sống - Bị mắc sốt xuất huyết nên ăn gì, kiêng gì?

(Ảnh minh họa).

Việc chỉ định truyền dịch gì, truyền bao nhiêu phải căn cứ vào kết quả xét nghiệm máu hằng ngày, thậm chí nếu bệnh nhân nặng phải xét nghiệm vài tiếng 1 lần. Bác sĩ sẽ nắm được khi nào bệnh nhân đã hết giai đoạn tăng thấm để ngừng truyền dịch kịp thời.

Sang giai đoạn 3 là giai đoạn tái hấp thu (thường sau giai đoạn tăng thấm khoảng 24-48h) các dịch đã thoát ra khỏi lòng mạch trong giai đoạn 2 giờ tái hấp thu lại làm tăng thể tích trong lòng mạch. Giai đoạn này phải hạn chế truyền dịch, thậm chí dùng lợi tiểu để thải bới dịch ra tránh nguy cơ quá tải dịch trong lòng mạch có thể dẫn để phù phổi cấp, suy tim…

Tóm lại việc truyền dịch trong sốt xuất huyết phải nắm được quy luật diễn biến của bệnh, được tập huấn và thông hiểu, tuân thủ đúng Hướng dẫn Chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue của Bộ Y tế ban hành.

Hơn nữa, khi bị sốt xuất huyết, có giai đoạn bạch cầu máu, bệnh nhân bị hạ thấp, làm giảm khả năng đề kháng để truyền dịch an toàn đòi hỏi cơ sở truyền dịch phải đảm bảo tốt vệ sinh vô khuẩn. Do đó, việc truyền dịch làm sao cho an toàn, đảm bảo không tai biến, không dị ứng, sốc, nhiễm khuẩn, phù não, rối loạn điện giải lại là chuyện không phải ai cũng có thể kiểm soát.

Những thực phẩm tốt nhất cho người bệnh sốt xuất huyết là: Nước tinh khiết, Oresol, nước dừa, nước trái cây; sữa, các chế phẩm từ sữa; thực phẩm nhiều đạm (protein): Thịt nạc (thịt gà, thịt bò, cá); gan; trứng.

Đặc biệt, cháo, súp là những thực phẩm dạng lỏng dễ dàng cho người bệnh khi ăn vì thấy dễ nuốt và dễ tiêu hóa. Bên cạnh đó, cháo hay súp còn giúp bổ sung thêm nước vào cơ thể, giúp người bệnh có thêm nhiều năng lượng hơn. Bạn có thể bổ sung cháo, súp vào thực đơn hàng ngày cho người bị sốt xuất huyết.

Các loại nước ép cam, chanh, bưởi cũng chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C tăng cường sức đề kháng, giúp vững bền thành mạch, rất tốt cho người bệnh sốt xuất huyết.

Các thực phẩm phải tránh khi mắc sốt xuất huyết là: Thực phẩm rán, nhiều dầu mỡ; đồ uống có caffein/có ga, thực phẩm mỡ/béo, gia vị cay…

Ngoài ra, một số thực phẩm có màu đen, đỏ hoặc sẫm màu như: Huyết heo, bò, gà, đồ có màu đỏ như củ dền, thanh long đỏ… vì trong bệnh cảnh sốt xuất huyết sẽ có xuất huyết tiêu hóa, nếu người bệnh sử dụng những thực phẩm này thì khi ói hoặc đi ngoài sẽ rất khó phân biệt hiện tượng xuất huyết hay không, điều này gây khó khăn cho bác sĩ chẩn đoán…

Khi chăm bệnh nhân sốt xuất huyết cần lưu ý những vấn đề sau:

- Thường xuyên đo thân nhiệt để phòng khi sốt cao hoặc có bất thường về thân nhiệt.

- Nên dùng khăn ấm lau mát cơ thể. Nếu sốt cao, đắp khăn ở vùng nách và bẹn để hạ thân nhiệt.

- Mặc quần áo thoáng mát và mỏng, tốt nhất là được may từ vải cotton.

- Nên uống nhiều nước lọc, nước hoa quả, ăn nhiều đồ mềm, dễ tiêu. Có thể uống nước Oresol để bù điện giải cho cơ thể.

- Chỉ trong trường hợp bệnh nhân sốt trên 38.5 độ C mới nên dùng thuốc hạ sốt. Mỗi lần uống thuốc cần cách nhau ít nhất 4 đến 6 tiếng. Tránh dùng các loại thuốc như Aspirin hay Ibuprofen để hạ sốt vì những hoạt chất trong các loại thuốc này có khả năng gây xuất huyết tiêu hóa rất nguy hiểm.

- Người mắc bệnh sốt xuất huyết nhất thiết phải có sự chỉ dẫn, giám sát của bác sĩ vì một khi bệnh diễn biến nặng thì sẽ rơi vào sốc, tử vong rất nhanh, tính bằng giờ, bằng phút…

- Tuyệt đối không tự điều trị tại nhà, cần đi khám, xét nghiệm, có sự giám sát, hướng dẫn của bác sĩ.

- Sốt xuất huyết có những dấu hiệu cảnh báo nặng như: Mệt lả đi, nôn, đi ngoài phân đen, chảy máu chân răng, chảy máu mũi không cầm được... Nếu bệnh nhân không đến viện điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn biến nặng rất nhanh, thậm chí, diễn biến này tính bằng giờ, bằng phút.

DIỆU THU